Vốn đầu tư xây dựng sẽ tăng 30% nếu tính kháng chấn
Các Website khác - 12/08/2005
Bản đồ phân vùng sơ bộ động đất tại TP HCM.

"Trong trường hợp TP HCM có động đất cấp 8-9, khi tính sức kháng chấn cho một công trình xây dựng thì vốn đầu tư sẽ tăng thêm 30%", ông Lê Minh Triết, Viện trưởng Viện khoa học và công nghệ nhấn mạnh khi khẳng định sự cần thiết thành phố phải có bản đồ phân vùng nhỏ động đất.

Hiện trên bản đồ sơ bộ phân vùng động đất tại Việt Nam, TP HCM chỉ có khả năng xảy ra động đất với mức cao nhất là 5,5 độ Richter, ở cấp độ 6-7. Song, các nhà khoa học địa chất có mặt trong buổi hội thảo đánh giá tác động của động đất do Sở KHCN TP HCM tổ chức chiều qua đều cho rằng, thành phố rất cần một bản đồ phân vùng nhỏ động đất để làm cơ sở tính toán khả năng kháng chấn của các công trình xây dựng, đặc biệt là chung cư cũ, nhà cao tầng và hệ thống metro sắp xây dựng.

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, ông Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, thành phố đang trở thành một siêu đô thị nên những tác động của thiên nhiên là rất lớn và khó chấn chỉnh kịp thời. Trong khi đó động đất là chuyện hết sức mới đối với thành phố nên các dư chấn rung nhẹ vừa qua cũng đủ làm cho người dân hoang mang lo sợ. Cũng theo ông Hiệp, người dân cũng như các ban ngành thành phố đang rất cần có một thông báo khoa học chính thức về những dư chấn địa chất xảy ra ngày 5-6/8 như tâm chấn ở đâu, rung cấp mấy... để có căn cứ khoa học cho các ban ngành tính toán những biện pháp tiếp theo. Nhưng hiện nay cơ quan nào tại TP HCM chịu trách nhiệm ra thông báo này thì không thể xác định được vì... thiếu nghiệp vụ.

Ông Hiệp đặc biệt lưu ý việc suất đầu tư sẽ tăng lên nếu tính thêm khả năng kháng chấn, tổng vốn đầu tư vì vậy tăng cao gây khó khăn cho chủ đầu tư và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, thành phố vẫn chưa có bản đồ phân vùng cụ thể động đất cho từng khu vực như đất mềm, đất cứng, độ dư chấn bao nhiêu... nên cũng rất khó áp dụng tính kháng chấn cho từng công trình xây dựng. "Nhà xây dựng quan tâm đến cấp độ động đất hơn là thang động đất richter. Chúng tôi đang cần phân vùng động đất cụ thể đang ở cấp mấy để có cơ sở tính toán, khuyến cáo người dân khi xây dựng nhà cửa", ông Hiệp nói.

Các nhà khoa học địa chất cũng thừa nhận rằng, hầu hết đều thiếu chuyên sâu nghiên cứu về động đất nên không có kinh nghiệm. Tháng 6/2004, một cơn rung chấn nhẹ đã xảy ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM. Dịp này, UBND đã giao Sở Khoa học công nghệ chủ trì một đề tài nghiên cứu về động đất tại TP HCM. Tuy nhiên, chiều qua thạc sĩ Cát Nguyên Hùng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn bản đồ địa chất Miền Nam cho rằng, rung chấn nhẹ ở hai bệnh viện này không phải là do dư chấn động đất mà thực chất là do nền móng yếu. "Nếu rung chấn chỉ xảy ra ở một vùng nhỏ hẹp thì không phải là dư chấn động đất", ông Hùng nói. Quan điểm này cũng được Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đồng tình.

Theo ông Thủy, Hà Nội thường xuyên xảy ra hiện tượng chấn động rung nhà nhưng khi đưa máy đo động đất đến thử thì không đo được hiện tượng động đất. "Sau khi nghiên cứu, chúng tôi kết luận chấn động mạnh gây ra do móng công trình gần sông, nền đất yếu và bị tác động của cát lún nên nhà trượt dần về phía sông Hồng", ông Thủy cho biết. Do đó, theo ông Thủy, kinh nghiệm khi xây dựng nhà cao tầng là phải thiết kế kháng chấn tốt. Ông Thủy cũng khẳng định: "Những công trình xây dựng tại Hà Nội bị rút ruột ở các cọc nhồi thì chắc chắn không đủ sức kháng chấn cần thiết".

Kinh nghiệm này được ông Thủy đề nghị TP HCM nên lưu ý khi thành phố đang có xu hướng ngày càng phát triển nhà cao tầng. "Chốt" lại cuộc hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Đào Văn Lượng cho rằng trong khi đề xuất UBND TP HCM phê duyệt Đề án phân vùng nhỏ động đất tại TP HCM và các vùng lân cận với khoản kinh phí thực hiện 6,5 tỷ đồng, trước mắt Sở Khoa học công nghệ cùng với Viện khoa học công nghệ sẽ thực hiện một nghiên cứu nhanh về ảnh hưởng của dư chấn đối với các nền đất công trình xây dựng. Đồng thời cần thiết phải có sự phối hợp liên ngành giữa các ngành địa chất - vật lý - xây dựng để thiết kế các tiêu chuẩn kháng chấn, đảm bảo độ bền của một công trình xây dựng trước các thiên tai.

Phan Anh