Trả giá cho sai lầm
Các Website khác - 05/04/2006

Trả giá cho sai lầm
TS Nguyễn Đức Mậu

Ngày 4.4, ở Bộ GTVT diễn ra 2 sự kiện đau buồn nhất từ trước đến nay ở bộ này: Buổi sáng, bộ trưởng đưa đơn từ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đình chỉ chức bộ trưởng của ông và cũng là sau một thời gian bị sức ép từ các vụ việc tiêu cực trong ngành bị phát giác và từ sức ép từ công luận; buổi chiều, nguyên Thứ trưởng thường trực Nguyễn Việt Tiến bị khởi tố và bị bắt tạm giam. 2 sự kiện này nhiều người nghĩ rằng trước sau gì cũng phải diễn ra, vì đó là kết cục, là kết quả của nguyên nhân.

Đối với Bộ trưởng Đào Đình Bình, dù có người cho rằng đây là việc vớt vát chút danh dự cuối cùng trước sự việc đã rồi, nhưng dù sao cũng được đánh giá là... được. Hay việc nguyên thứ trưởng thường trực bị bắt cũng vì phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Tuy nhiên, chữ "trách nhiệm" ở Bộ GTVT được phát ra trước khi bộ trưởng từ chức, thứ trưởng bị bắt tạm giam dường như trở thành một thứ sáo ngữ, nhẹ tênh, vô tội. Vì nếu thực sự có trách nhiệm theo đúng nghĩa của nó thì đã không xảy ra những gì quá đau lòng ở PMU18.

Nhưng, vì thế câu chuyện này không dừng lại ở phạm vi vụ việc, mà còn liên quan xa hơn đến nhiều vấn đề quan trọng khác:

1. Nhiều vụ việc báo chí đã nêu ra từ khá lâu với vị bộ trưởng và thứ trưởng GTVT đầy tai tiếng, và báo chí như đã dự báo những hiểm hoạ. Thế nhưng tại sao tịnh không thấy một động thái trả lời hoặc tìm hiểu căn nguyên
của những phản ứng từ báo chí, từ dư luận? Và rồi họ tiếp tục trượt dài thêm trên con dốc sai phạm, vô trách nhiệm. Phản ứng của dư luận như thế đã trở nên quá bình thường, không đáng quan tâm chăng? Sự thờ ơ đã trở thành thái độ của xã hội, của những người có trách nhiệm? Và còn nhiều lý do khác quan trọng hơn?

2. Từ chức - đó là phương diện hành chính của vụ việc, nhưng về luật pháp thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước đối với cơ chế hoạt động nhà nước. Câu trả lời này mới thực sự thể hiện tính triệt để của một xã hội sống và làm việc theo tinh thần pháp luật.

3. Trước khi có sự kiện từ chức khó khăn này, báo chí đã đưa tin về các vụ từ chức ở các nước, vụ việc của họ không khủng khiếp như đã xảy ở ta. Dư luận và các phương tiện truyền thông đại chúng, do đấy, đã có đủ điều kiện để so sánh, để nhận thức rõ hơn về văn hoá từ chức hay văn hoá của quan chức và cái gọi là "đức" của một vị bộ trưởng của ta. Nhưng văn hoá từ chức cũng phải sinh ra trong môi trường, cơ chế của nó. Đó là một vấn đề, qua vụ việc này, hơn bao giờ hết, cần phải được đặt ra cấp thiết.

4. Cũng phải đến vụ việc này xảy ra mới có một hiện tượng có sức ép từ dư luận đối với việc từ chức. Cũng phải ghi nhận rằng đã có một sự "vận động" không nhỏ của xã hội trong cách tỏ thái độ trước một sự kiện, một vấn đề xã hội. Nhưng như đã thấy, sự chủ động từ chức mang tinh thần trách nhiệm vẫn là một động thái hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam, nhưng sau sự kiện này, chắc rằng sẽ mở ra một thông lệ mang tính văn hoá cao của một xã hội phát triển.