Nhiều dịch vụ 'nhạy cảm' vi phạm quy định kinh doanh
Các Website khác - 22/09/2005
Phó chủ tịch UBND đang tiếp nhận phản ánh của đại diện các đơn vị tại buổi sơ kết.

Nhà hàng không nấu nướng mà kinh doanh vũ trường; karaoke tăng gấp rưỡi, gấp đôi số phòng cho phép với thiết kế nội thất ngoằn nghèo, nhiều tiếp viên nữ; dịch vụ Internet vượt số máy quy định... là thực trạng về hoạt động của một số ngành nghề có tính nhạy cảm tại TP HCM hiện nay.

Thực trạng trên được đại biểu các sở, ngành, quận, huyện phản ánh trong buổi sơ kết thực hiện quy định về hoạt động khiêu vũ, karaoke, xoa bóp và quy hoạch một số ngành nghề thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá - xã hội nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở các quận huyện, tại UBND thành phố ngày 21/9.

Theo ông Lê Xuân Đài, Trưởng phòng quản lý dịch vụ, Sở Thương mại, Đoàn công tác liên ngành của thành phố đã kiểm tra 14 điểm kinh doanh các ngành nghề thuộc diện nhạy cảm trên địa bàn thì có tới 80% trong số này vi phạm giấy phép kinh doanh. Có cơ sở tái phạm hơn 20 lần. Tuy nhiên, việc bắt quả tang vi phạm của các cơ sở không dễ. "Có vụ chúng tôi chưa đi người ta đã biết rồi. Vì vậy, nhân sự đi kiểm tra phải tốt, không tốt không làm được", ông Đài nói.

Ông Lê Văn Quang, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, bổ sung, không ít cơ sở karaoke có phòng không đủ diện tích cho phép, hoạt động quá giờ hoặc quá số phòng đăng ký trong giấy phép. Thực tế, giấy phép đăng ký 5 phòng nhưng hoạt động 8-10 phòng. Quán ăn có tới 30-45 tiếp viên nữ song vẫn được duyệt danh sách. "Cơ quan liên quan nên xem xét có tồn tại mô hình này không. Vì nếu quận, huyện duyệt danh sách tràn lan như hiện nay thì kiểm tra, cấm xong rồi lại cấp phép và tiếp tục kiểm tra... mệt mỏi lắm", ông Quang bức xúc nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Hiền Hoà, Sở Kế hoạch Đầu tư, cho rằng, hiện có những quy định pháp luật không theo kịp thực tế. Bà dẫn chứng, thực tế, có cơ sở kinh doanh karaoke, thiết kế phòng ốc, lối đi, cầu thang ngoằn ngoèo, có thể hoạt động tiêu cực nhưng khó bắt trực tiếp hành vi vi phạm. Đoàn kiểm tra phải căn cứ vào những quy định về phòng cháy, chữa cháy, buộc cơ sở này làm lại lối đi, phòng ốc, hạn chế tiếng ồn...

"Không ít nhà hàng mà đứng sau là nhiều doanh nghiệp đang dùng nhiều hình thức kinh doanh biến tướng, đối phó với cơ quan chức năng. Chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp để xử lý. Có quận kêu chúng tôi xử lý nặng tay nhưng thực tế không nặng tay không được", bà Hoà khẳng định.

Tại buổi sơ kết, đại diện Phòng Văn hoá Thông tin quận 1, 3, 6, 11... cũng thừa nhận, hiện có không ít cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn. Hiện tượng hát với nhau, hát karaoke không phép trong nhà hàng khá phổ biến. Có những cơ sở đăng ký kinh doanh nhà hàng nhưng không có bếp, không nấu nướng, môi trường rất mất vệ sinh... Hoặc đăng ký nhà hàng nhưng làm quán bar, giấy phép cấm bán rượu thì "lách" bằng cách đổ rượu vào bình trà, lon coca... Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm này khó triệt để.

"Nói chung, văn bản pháp luật nhiều nhưng vận dụng để xử lý vào những trường hợp cụ thể thì vừa thừa, vừa thiếu. Quán ăn, nhà hàng không bếp, nhiều tiếp viên nữ vẫn tồn tại. Thực ra đây là những cơ sở kinh doanh phụ nữ chứ không phải dịch vụ ăn uống. Thế nhưng không có quy định nào thu hồi giấy phép các cơ sở có những vi phạm này", đại diện quận 11, nói.

Trước nhiều bức xúc về những biến tướng trong hoạt động của các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm và việc lúng túng của cơ quan chức năng trong xử lý các vi phạm cụ thể, Phó giám đốc Công an thành phố Phan Anh Minh, cho rằng, những ngành nghề nhạy cảm muốn kinh doanh phải có chứng nhận điều kiện kinh doanh. Một trong những điều kiện kinh doanh cần thiết là phòng cháy, chữa cháy. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người và cũng là chỗ dựa pháp lý hiệu quả để xử lý nhiều cơ sở vi phạm hiện nay. Nếu cơ sở kinh doanh thiết kế phòng ốc, lối đi, cầu thang ngoằn ngoèo làm chậm bước đoàn kiểm tra cũng có nghĩa là tiềm ẩn nguy cơ chết người khi có cháy, nổ. Cơ sở kinh doanh không cải tạo thì sẽ rút giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh.

"Giấy chứng nhận không có, nghĩa là không đủ điều kiện kinh doanh thì giấy phép kinh doanh cũng không sử dụng được", ông Minh nói.

Đồng quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Nguyễn Thế Thanh, cho biết thêm, mỗi ngành nghề có đặc thù về điều kiện kinh doanh với cách bố trí mặt bằng, ánh sáng, chỗ ngồi... khác nhau. Các thiết kế này thể hiện sự chủ động định hướng ngành nghề của chủ cơ sở kinh doanh, cần có sự thẩm định kỹ của cơ quan chuyên môn. Đơn vị chức năng chỉ nên cấp giấy phép khi các cơ sở đã được thẩm định điều kiện kinh doanh tương ứng ngành nghề đăng ký.

"Nếu cấp phép kinh doanh cho những nơi mà mình không yên tâm từ đầu, nghĩa là cấp phép cho sự chủ động vi phạm thì sẽ lại phải đi kiểm tra, xử phạt. Và người vi phạm sẵn sàng nộp phạt, rồi vi phạm tiếp thì sự kiểm tra, xử lý khó có hiệu quả triệt để được", bà Thanh nói.

Còn theo ông Lê Xuân Đài, các đơn vị kinh doanh nhà hàng hoạt động theo Luật doanh nghiệp thì nên hạn chế vi phạm bằng biện pháp thu thuế. "Một chai rượu ngoại bình thường bán khoảng 300.000 đồng nhưng vào nhà hàng có thể lên tới 1,7-1,8 triệu đồng. Chúng tôi từng kiểm tra một nhà hàng, vốn 150.000 USD, hoạt động 2 năm mà truy thuế tới 1,8 tỷ đồng. Như vậy, chỉ bắt được về thuế mới có thể xử lý vi phạm hiệu quả".

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài nhìn nhận, lực lượng có thể hỗ trợ công tác quản lý các ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn nhiều nhưng khi xử lý vụ việc chưa huy động hết.

Ông Tài chỉ đạo, với những nhà hàng không bếp, không đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng chống cháy nổ và các cơ sở tái phạm nhiều lần những quy định về quản lý, hoạt động thì cơ quan chức năng phải rút giấy phép kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải xem xét, đối chiếu những quy định hiện thời với thực tiễn quản lý, hoạt động của ngành nghề nhạy cảm để đề xuất điều chỉnh lên UBND thành phố trong tháng 10.

Dự kiến phương hướng quy hoạch ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn TP HCM, giai đoạn 2006-2010:

Ngành nghề quy hoạch: Karaoke, vũ trường, massage, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, nhà trọ, nhà hàng ăn uống (Quán bar là một đặc thù của dịch vụ ăn uống, hiện chưa có quy định về hoạt động của loại hình này).

Doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề trên phải cách xa các cơ quan hành chính, cơ sở tôn giáo, trường học, bệnh viện 100 m và cơ quan Đảng, an ninh - quốc phòng, ngoại giao 200 m.

Biện pháp thực hiện:

Vũ trường: không cho khách đem rượu, bia vào uống và cấm người dưới 18 tuổi vào vũ trường.

Cơ sở kinh doanh karaoke: Không cho khách đem rượu, bia vào uống. Xác định số người phục vụ phải phù hợp với số phòng karaoke theo quy định, cửa ra vào các phòng bằng kính trong suốt.

Massage: Không kinh doanh ngành nghề nào khác ngành đã đăng ký. Phải đăng ký cụ thể danh sách ai phục vụ ngành nào, trang phục kín đáo với bảng tên, đồng phục, không mặc váy...

Nhà hàng ăn uống: cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Cấm phục vụ ngồi chung với khách. Không tổ chức hình thức hát với nhau. Không sử dụng đèn quay, nhạc có cường độ mạnh. Không ngăn phòng nhỏ, trang bị bàn ghế salon. Không tổ chức sàn nhảy trong nhà hàng và nhà hàng phải chịu trách nhiệm về việc có khách khiêu vũ trong nhà hàng.

Dịch vụ lưu trú du lịch: chỉ cấp mới đối với loại hình khách sạn thuộc tiêu chuẩn xếp hạng sao.

Nhà trọ: Chỉ cho phép cấp mới nhà trọ phục vụ chung quanh bệnh viện, bến xe, bến cảng và nhà trọ công nhân, người nhập cư đáp ứng quy chế quản lý nhà trọ công nhân do UBND thành phố ban hành.

(Nguồn Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM)

Thanh Lương