Xây nhà máy xử lý nước 217 tỷ đồng để... phơi sương
Các Website khác - 22/09/2005

(VietNamNet) - Bài học đau khi quy hoạch không đi liền với thực tế: Một nhà máy xử lý nước thải được xây với tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng nằm ''phơi sương'' chờ phục vụ một khu đô thị còn chưa ra đời.

Hoành tráng và hiện đại...

Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì là gói thầu số 3 (CP3) nằm trong quy hoạch tổng thể dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 159 ngày 20/2/2002 và thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật là UBND TP Hà Nội tại Quyết định số 54 ngày 3/11/2002 và Quyết định số 5133 ngày 28/8/2003.

Nhà máy hiện đại nhưng chưa được hoạt động vì không có nước thải để xử lý!

Chủ đầu tư là Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (MPMU); tư vấn thiết kế - lập dự toán và thi công xây lắp là Liên danh Ebara Taisei; tư vấn giám sát thi công: Công ty Nippon Koei. Nhà máy này được xây dựng tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh với tổng diện tích chiếm đất là 64.000m2, công suất xử lý lưu lượng nước thải đạt 38.000m3/ngày đêm. Tổng giá trị hợp đồng thi công là 217 tỉ đồng gồm các phần việc xây dựng nhà máy, thiết bị và chi phí dự phòng.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Giám đốc MPMU cho biết, nhà máy sử dụng công nghệ rất hiện đại với dây truyền xử lý thông dụng bằng bùn hoạt tính tuần hoàn và xử lý bằng công nghệ ép bùn để làm khô. Những hạng mục chính hiện đại như bể ngăn tách cát, cụm xử lý bùn, bể khử trùng... Đặc biệt, chỉ tiêu nước thải sau khi xử lý sẽ đạt loại A để có thể dùng để phục vụ cho sinh hoạt.

Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.289.616.639 Yên Nhật và 67.014.381.325 đồng (tương đương khoảng 217 tỉ đồng). Đến nay, công trình đã hoàn thành và sẽ bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội vào cuối tháng 9/2005, với mục đích phục vụ cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tuy nhiên, trớ trêu là nhà máy ra đời để phục vụ Khu đô thị trong khi khu đô thị này vẫn còn nằm trên giấy!

… vẫn nằm ''phơi sương''!

Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì được xây dựng biệt lập giữa... cánh đồng. Toàn bộ hoạt động của nhà máy được điều chỉnh tự động thông qua hệ thống máy tính. Nhà máy đang trong quá trình bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội (dự kiến vào cuối tháng 9/2005). Xung quanh khu vực ngoài nhà máy, cỏ mọc um tùm và chưa có hệ thống dẫn nước thải vào nhà máy. Do đó, để tránh gỉ sét, nhà máy đành phải lấy nước sạch từ các bể ngầm để... vận hành!

Nước thải thô được xả thẳng xuống sông ở nội thành Hà Nội.

Trước nguy cơ công trình có thể phải nằm phơi sương nắng chờ quy hoạch, ông Nguyễn Văn Khay, Phó Giám đốc MPMU cho VietNamNet biết, hiện đang hoàn thành các bước để bàn giao nhà máy cho Công ty thoát nước Hà Nội. Tiếp đến, theo kế hoạch triển khai của dự án thì gói thầu CP2 (hạng mục đường, hệ thống thoát nước, trạm bơm, hồ điều hoà) sẽ được khởi công vào cuối tháng 9/2005. Để nhà máy xử lý nước thải hiệu quả, bước đầu sẽ ưu tiên thi công trước tuyến truyền dẫn nước thải từ khu công nghiệp Thăng Long và khu dân cư nút Kim Chung đến nhà máy.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tuyến ống dẫn nước thải (dài gần 1km) nói trên đến quý III/2006 mới hoàn thành. Như vậy, chí ít từ nay tới quý III/2006, chắc chắn nhà máy vẫn "đắp chiếu" dài dài.

Quy hoạch luôn đi trước một bước là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, mục tiêu chính của dự án trong việc bỏ 217 tỉ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải là phục vụ cho khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì với 110.000 dân lại chưa thể thực hiện, vì cho đến thời điểm hiện tại khu đô thị này vẫn chưa được xây dựng. Tiếp đến, nước thải sau xử lý lại cũng chỉ biết đổ ra sông mà không sử dụng vào các vấn đề khác như rửa đường, tưới cây…

Từ những bất cập trong việc quy hoạch tổng thể và xây dựng các dự án, các nhà quy hoạch tầm vĩ mô cần phải nhìn thấy rõ rằng, nếu quy hoạch không đi liền với thực tế và thiếu đồng bộ thì những lãng phí hàng trăm tỷ đồng sẽ xảy ra!. Đây có thể coi là ''bài học'' cho quy hoạch các dự án xây dựng trong tổng thể quy hoạch đô thị.

  • Thụy Du