Những đứa trẻ bị buộc dậy sớm
Các Website khác - 28/12/2005
Một cháu bé mới 2 tuổi ở Hà Đông, Hà Tây đi cấp cứu tại Viện Nhi Trung ương do hen phế quản và viêm phổi vì ngày nào cũng phải dậy từ lúc... 5 giờ sáng. Điều này phản ánh một thực tế là buổi sáng, nếu không có người giúp việc, phụ nữ sẽ phải làm khá nhiều việc, từ cho con ăn, đi chợ, đưa con đến lớp... lại phải đi làm đúng giờ. Vì thế, cách tốt nhất là phải dậy càng sớm càng tốt, do đó trẻ nhỏ cũng phải tuân thủ theo giờ giấc của người lớn, bất kể trời nắng hay mưa rét.
Đi học từ lúc... 5 giờ sáng?

Tin chị Minh lại phải nghỉ làm để chăm đứa con trai hai buổi đang cấp cứu tại Viện Nhi cách đây hai hôm khiến cả cơ quan ái ngại. Người bảo: "Rét mướt thế còn cho nó đi trẻ làm gì, giờ ra đường người lớn còn muốn ốm nữa là trẻ con". Người không hiểu hơn thì nói, cứ đưa về cho ông bà trông là yên tâm... Chuyện thằng cu Bi thích đi trẻ và hay ốm vặt đã thành chuyện thường ngày ở cơ quan. Chị Minh kể: "Ngày nghỉ nó cũng đòi đi nhà trẻ, chưa vào cổng đã "bye bye" bố mẹ, nhiều hôm ốm, Bi cũng đòi đến lớp. Nhưng cũng chính vì vậy mà cậu bé này hay ốm, lúc bị sốt, lúc viêm phổi, 7 ngày đi học thì ôm mấy 3 ngày. Tất cả cũng vì cháu phải dậy sớm quá. Bố mẹ công chức nhà nước nên thời gian biểu hằng ngày của cu Bi bắt đầu lúc 5h30, đông cũng như hè. Mấy hôm rét hại vừa qua, Bi được "dậy muộn" hơn 15 phút, thế cũng đủ để mẹ cuống cuồng và đi làm muộn. "Chẳng ai muốn lôi con dậy sớm thế, nhưng không làm vậy thì không kịp giờ đi làm, mình xin đi muộn mãi cũng ngại, mà đưa con đến trường sớm như thế cũng phải nói khó mãi họ mới nhận"... mẹ bé tâm sự. Nhà mãi tận Hà Đông, lại làm việc trong nội thành Hà Nội nên hôm nào muộn nhất là 7h kém 20 phút, mẹ con đã phải khởi hành rồi. Một tiếng trước đó chỉ kịp vệ sinh cho bé, mặc quần áo rồi dỗ ăn... "Giá như có bà trông ở nhà thì tốt quá, giờ chắc phải thuê người trông cháu" - chị Minh nói.

Như đã thành thông lệ, khi cả khu tập thể Xuân La đang còn mơ màng trong chăn ấm thì đèn nhà chị Liên đã sáng. Cứ đúng 5 giờ là cả nhà bắt đầu cuộc hành trình đến tận 6 giờ tối. Mỗi người một việc nhưng vì cả nhà chỉ có một chiếc xe máy nên một người bận là người khác cũng phải đi theo. Nhà ở Xuân La nhưng chị Liên lại bán hàng ở tận Quán Thánh. Cậu con trai 3 tuổi của chị vì thế cũng phải học ở đấy cho tiện đường đưa đón. Hôm nào Duy, con chị cũng phải chơi ở quán bán hàng của mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến giờ vào lớp. Và dù tan sớm hay tan muộn thì cũng phải chờ đến 6 giờ, tối bố tan sở thì mẹ con chị mới được về. Khỏe thì không sao nhưng lắm hôm bé Duy ho, sổ mũi cũng chẳng còn cách nào khác là phải đi học cùng với giờ làm của bố mẹ vì nếu có ở nhà thì cũng chẳng có ai trông nom. Thuốc thang cũng chẳng lại so với việc cứ phải đi vào cái giờ dễ bị nhiễm lạnh nhất trong ngày.

Ảnh hưởng đến sức khỏe là đương nhiên

Cũng thường phải dậy sớm như cu Bi là cô bé Thùy Hương cạnh nhà tôi. Ngay từ lúc tròn 1 tuổi cô bé đã được dậy sớm cùng mẹ lúc hơn 5h. Bé phải dậy sớm để mẹ chuẩn bị các thứ đồ dùng, thức ăn cả ngày cho 2 mẹ con, rồi chuẩn bị ra mở cửa hàng. Ngày ngày, người trong khu lại quen với cảnh đứa bé ngồi xe từ sáng đến tối. Bé không quấy ai, và cũng chẳng mấy ai ở cửa hàng có thời gian để ý đến bé, ăn rồi chơi, ngủ lúc nào thì ngủ. Và ốm. Bệnh của Thùy Hương không nặng, chỉ túc tắc ho hen, sổ mũi nhưng cũng đủ để bé "chậm lên cân", mẹ bé bảo vậy. Là người ngoại tỉnh lên Hà Nội làm ăn nên chị Trang - mẹ bé không có điều kiện thuê người giúp việc, còn ông bà thì "cũng còn phải trông các cháu ở quê, sao lên đây mãi được". Sau một thời gian dài "quặt quẹo" trên thành phố, bé Thùy Hương được đưa về ở hẳn với ông bà. Mẹ bé cho biết, hình như sống xa bố mẹ con bé lại khỏe hơn, không ốm vặt, có lẽ là không phải dậy sớm nữa, cứ việc ngủ đẫy giấc.

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ - trường mầm non Họa Mi (Ba Đình) cho biết, từ khi thời tiết trở lạnh đến nay, mọi hoạt động của trường đều diễn ra trong phạm vi lớp học. Nếu như mùa hè 8 giờ là các bé phải tập thể dục ngoài trời thì bây giờ, giờ tập thể dục được diễn ra chậm hơn 15 phút và tập ở trong lớp. 9 giờ 15 có môn học ngoại khoá nhưng các cô cũng không dám cho các bé ra ngoài sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm ngoái, rét dưới 10 độ, học sinh tiểu học được nghỉ nhưng các cô vẫn đi làm vì "không thấy thông báo là mầm non có được nghỉ hay không" và trên thực tế các bà mẹ vẫn có nhu cầu vì không biết gửi cho ai. Tuy nhiên, chị Lệ cũng cho rằng, ở lớp thời tiết lạnh cũng không ảnh hưởng đến các cháu, chỉ sợ nhất là thời gian từ nhà đến lớp vì có nhiều cháu nhà ở tận ngoại thành nhưng học ở trong nội thành, tính ra đường đi dễ có trên dưới 10 km, đó là còn chưa kể đến tắc đường. Còn ở trong lớp, cửa lúc nào cũng kín mít. Nước rửa tay cho các cháu cũng là nước ấm. Sàn nhà cũng được "trang bị" tới 3, 4 lớp: đầu tiên là lớp thảm nilon, lớp thứ hai là các miếng xốp, bên trên là một lớp chiếu. Còn khi ngồi học, mỗi bé được lót một miếng mút vừa êm vừa ấm. Hiện trường có 11 lớp thì có 7 lớp đã có điều hoà nên cũng không sợ trẻ bị lạnh mà ốm.

Việc phải đi học lúc sáng sớm, trong những lúc trời mưa, rét sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, đặc biệt là dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trên... Vì thế, nếu cố gắng thuê người làm hay ít nhất cũng nên bố trí người đưa đón các cháu, đừng "cưỡng bức" trẻ em phải đi theo giờ giấc của người lớn.

Theo Gia đình và Xã hội