Ở chung cư, đương nhiên chịu phí dịch vụ cao?
Các Website khác - 06/03/2006

(VietNamNet) - Nhà chị Hằng (chung cư ở Q.5, TP.HCM) có 5 người, phải chi 20.000 đồng/ngày tiền đi thang máy "lẻ". Đây chỉ là một trong hàng ngàn hộ dân đang méo mặt với cuộc sống "trên cao lộng gió“, do mỗi tháng phải dành nhiều trăm ngàn đồng (thậm chí bạc triệu) cho các khoản phí lặt vặt móc nhẵn túi họ; không chỉ thang máy...

Bát nháo thu phí dịch vụ chung cư!

Nhân có đám sinh nhật của anh bạn đang ở tầng 5, khu D chung cư Phạm Viết Chánh (Q. Bình Thạnh), cả cơ quan chúng tôi gồm 20 người kéo đến nhà bạn làm một bữa tiệc tùng thật “hoành tráng”. Đưa xe vào bãi giữ, nhân viên ở đây thu 2.000đồng/xe gắn máy và không quên dặn dò: “ Ở qua đêm tính giá khác đấy nhé!”.

Nhà bạn ở mãi tầng 5, ai cũng ngại trèo thang bộ, nên tất cả tặc lưỡi: "Thang máy!". Thêm 20.000 đồng (1.000đồng/người).

Lên đến nơi, bạn nói: “Tớ bận quá! Bà xã đi công tác chưa về nên chưa có đồ nhắm!”. Vậy là phải xuống mua mồi, lại trả tiền đi thang máy, gửi xe.

 

Đem “chút phiền toái” này bày tỏ với bạn, bạn mỉm cười í nhị mà rằng: “ Hàng tháng, nhà em phải tốn 30.000 đồng tiền giữ xe (mới 1 người thôi nhé!); 20.000 đồng tiền vệ sinh; 45.000 đồng phí đi thang máy...”. Sau khi liệt kê một danh sách dài các khoản phải chi cho dịch vụ công cộng, bạn cộng thành khoản tiền hơn 200.000đ/tháng. Rồi kết luận: “Mấy vị mới gặp “chút phiền toái”, thấm tháp gì?”.

 

Soạn: AM 720915 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Sân chơi sạch sẽ, râm mát cho trẻ em các khu chung cư: Hạng mục "ra tiền" của nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý. (Ảnh: Hưng Thịnh).

 

Khảo sát thêm một số chung cư, khu căn hộ ở những khu đô thị mới chúng tôi nghiệm ra rằng: mức thu phí dịch vụ mỗi nơi mỗi kiểu. Ở khu căn hộ cao cấp The Manor (Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh), Ban quản lý tính khoản phí trên là: 0,88USD/m2/tháng. Nhà càng rộng, phải đóng phí càng cao. Cư dân sống ở đây được giải thích, mức phí này được sử dụng vào các công việc: quản lý, bảo vệ, vệ sinh, thang máy, hồ bơi, bảo trì và giữ xe máy (1 xe/căn hộ). Nếu gia đình nào có từ 2 chiếc trở lên thì hàng tháng phải đóng thêm 5 - 7 USD/xe máy/tháng.

 

Còn ở chung cư Mỹ Vinh (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), bình quân, các hộ dân phải đóng phí dịch vụ khoảng 450.000đồng/tháng/hộ. Tương tự những nơi khác, số tiền này được giải thích dùng vào việc mướn bảo vệ, giữ vệ sinh, vận hành thang máy…Ngoài ra, gia chủ còn phải đóng thêm 150.000đồng/xe máy/tháng.


Soạn: AM 720911 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thảm cỏ với bảo vệ, người chăm sóc, dọn vệ sinh: "Gà đẻ trứng vàng" giúp chủ đầu tư thả sức định phí dịch vụ chung cư. (Ảnh: Hưng Thịnh).

 

Anh Hưng, đang thuê nhà dài hạn ở khu Thuận Kiều Plaza thì cho biết, mỗi tháng, anh phải đóng gần 400.000 đồng phí dịch vụ (chưa tính tiền trông xe). Bạn bè đến chơi cũng không được miễn tiền gửi xe và đi thang máy.

 

Về phí đi thang máy "lẻ", chị Mộng Hằng - cư dân một chung cư trên địa bàn Q.5 cũng than thở:  “Nhà có 5 người nhưng chỉ tính riêng tiền đi thang máy, một ngày đã phải chi tổng cộng 20.000 đồng!”.

Gần đây, tại Hà Nội, cư dân đang sinh sống ở khu đô thị Ciputra đã phải “kêu trời” vì mức phí dịch vụ phải đóng lên tới 40 triệu đồng/năm. Một số báo lại so sánh mức phí này với phí dịch vụ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Ông Bùi Thanh Sơn- Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cho biết, không kể khu biệt thự “siêu cao cấp” Phú Gia (nằm trong khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng), bình quân những dự án nhà ở nơi đây chỉ thu phí dịch vụ từ 150.000 - 550.000 đồng/tháng. Phí này ở Phú Mỹ Hưng gọi là phí quản lý thu trọn gói và chi cho các dịch vụ như: lấy rác, bảo vệ, chăm sóc cây xanh (xe khác đến chơi không thu phí)…”.

Thu phí dịch vụ: Để kinh doanh?

Theo lời ông H.- Phó tổng giám đốc một công ty chuyên kinh doanh địa ốc lớn nhất nhì TP.HCM, việc thu phí dịch vụ ở các chung cư hay đô thị mới chỉ nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho cư dân nơi đó, và thực hiện trên cơ sở thu bù chi, chứ không nên tính đến chuyện kinh doanh. “Ðây không phải là lĩnh vực để kinh doanh. Nếu ai đó quan niệm đây là lĩnh vực để kinh doanh kiếm lợi nhuận thì tôi cho rằng không đúng”- ông H. nhấn thêm.

 

bàn về việc thu phí dịch vụ chung cư, một số nhà quản lý đô thị cho rằng, nên giao cho người dân tự quyết. Đóng góp ra sao, mức nào, theo tiêu chuẩn gì, đều phải do Ban tự quản (do dân cư bầu ra) "chốt" sau khi lấy ý kiến của dân. Đồng thời, phải loại trừ sự áp đặt của chủ đầu tư nhằm tránh hiện tượng “một mình một sân” khai thác dịch vụ dựa trên thế độc quyền.

 

Anh Phan Quyền - một kỹ sư cho rằng, các khu dân cư và khu đô thị mới nên tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng: Khi dân cư chuyển đến ở kín trên 80% số căn hộ, phải lập ra Ban tự quản. Và việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hàng ngày như: thuê bảo vệ, thuê nhân viên lấy rác, tưới cây, giữ xe…cũng phải dựa trên quyết định của Ban tự quản, sau khi có sự chấp thuận của đa số dân cư.

   

Soạn: AM 720907 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hàng ngàn cư dân chờ đợi quy định chung về thu phí dịch vụ trong các chung cư.

Từ nay đến năm 2020, TP.HCM cần hơn 100.000 căn hộ chung cư. Với tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, nhu cầu ở nhà chung cư dự kiến sẽ không ngừng gia tăng. Trong khi đó, vẫn chưa văn bản nào của nhà nước quy định việc thu phí dịch vụ chung cư; chủ đầu tư nhờ vậy mặc sức hô giá "trên trời" cho những khoản tưởng lặt vặt nhưng lại có khả năng móc đến nhẵn túi người ở.

Chị Thu Hương - một nhân viên kinh doanh địa ốc cho biết: “Nhiều khách hàng mua chung cư đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì những khoản chi hàng tháng quá nặng”...

  • Trần Duy

Bạn nghĩ sao về phí và cuộc sống chung cư hiện nay?