Phạm Văn Đồng - Những năm cuối đời
Các Website khác - 28/02/2006
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Những câu chuyện xúc động về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông sắp đi xa được tái hiện trong bài viết của Nguyên trợ lý cố Thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Năng.
Vào những năm cuối đời của anh Tô-đồng chí Phạm Văn Đồng, người ta thường thấy anh đeo cặp kính đen không chỉ khi đi ra ngoài trời mà cả trong các cuộc hội họp quan trọng, trong phòng làm việc, và muốn biết tại sao vậy, hay mắt anh có “vấn đề”?

Khước từ ra nước ngoài chữa bệnh

Vâng. Những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, anh Phạm Văn Đồng nhận thấy đôi mắt mình có “chuyện”: mắt bị lóa nhìn không rõ chữ, tay viết không giữ được đường nét..., các thầy thuốc của Viện mắt Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức việc khám mắt và tiến hành điều trị cho anh, đồng thời đặt vấn đề với phía Liên Xô.

Trong các chuyến anh Phạm Văn Đồng đi làm việc tại Mát-xcơ-va đều kết hợp khám và chữa mắt với sự chăm sóc đặc biệt của các thầy thuốc giỏi nhất của bạn. Năm này qua năm khác, anh kiên trì dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, nhưng đôi mắt của anh không có tiến triển mà lại có xu hướng mỗi ngày một kém đi. Trước tình hình đó, anh gợi ý nhờ thầy thuốc Liên Xô mổ mắt cho anh. Các thầy thuốc của ta làm việc với phía bạn nhưng bạn một mực khuyên không nên mổ. Qua tìm hiểu thì được biết dây thần kinh dáy mắt của anh đã bị teo. Chỉ có thể dùng thuốc để làm chậm quá trình teo lại mà thôi. Các chuyên gia giỏi về mắt của nước ta cũng đồng ý như các chuyên gia Liên Xô.

Việc đôi mắt của anh có “vấn đề” được các nhà lãnh đạo một số nước biết, qua đường ngoại giao họ gợi ý mời anh sang chữa mắt ở nước họ bởi có công nghệ tiên tiến. Có nước còn chủ động cử bác sĩ sang Hà Nội khám mắt cho anh nhưng vẫn khuyên phải sang nước họ mới có thể trả lời chữa được hay không. Anh cho phép điện cho các đại sứ của ta ở các nước tiến hành thăm dò thì được biết trước hết phải sang nước bạn khám, nếu chữa được thì vào bệnh viện mổ và nằm lại vài ngày, sau đó ra ở ngoài khách sạn một thời gian để theo dõi. Bạn chỉ đài thọ kinh phí trong thời gian ở bệnh viện, còn thì ta phải tự lo, tính ra chi phí về đi lại, ăn ở cho bệnh nhân và người theo phục vụ tốn số tiền khá lớn. Chúng tôi thưa với anh là nên đi khám và mổ mắt ở nước ngoài, dù kết quả anh chỉ thấy lờ mờ, tự đi lại được cũng tốt rồi. Anh suy nghĩ nhiều lắm, suy nghĩ trong nhiều ngày, rồi cho chúng tôi biết: “Việc đi lại quá tốn kém mà lại là ngoại tệ mạnh, ta đang phải bươn chải tìm kiếm từng đô-la để nhập những vật tư, thiết bị cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống nhân dân, đi chữa bệnh mà không nắm chắc kết quả lại tiêu phí tiền bạc của dân là có tội với dân và còn hàm ơn nước bạn. Vậy thì đi làm gì”.

Riêng với Cu-ba, đồng chí Phi-đen Ca-xtrô mấy lần gửi thư tha thiết mời anh sang chữa mắt và coi anh là khách thường trực của Đảng và Nhà nước Cu-ba, bất cứ lúc nào Việt Nam thu xếp được chuyến đi chỉ cần báo cho sứ quán Cu-ba tại Hà Nội là có chuyên cơ sang đón. Anh rất cảm động trước tình cảm sâu đậm và chân tình của các đồng chí Cu-ba. Nhưng Cu-ba đang bị Mỹ bao vây, phong tỏa, cấm vận, nhân dân Cu-ba vô cùng khó khăn trong sản xuất, trong đời sống, nên anh gửi thư chân thành cảm ơn, một mặt tỏ lòng mong muốn được đến thăm lại đất nước Cu-ba anh hùng và tươi đẹp, gặp lại những người bạn, những người đồng chí thân thiết giàu lòng mến khách, mặt khác lấy làm tiếc là không được thầy thuốc cho phép vì bản thân tuổi cao sức yếu, chặng đường đi lại quá dài...

Trải qua nhiều năm anh dùng thuốc điều trị đôi mắt đồng thời xác định phải làm gì và làm như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Có thể nói đây là sự thay đổi rất khó khăn, rất dũng cảm của anh.

Kiên trì, cẩn thận, chu đáo

Anh yêu cầu anh em chúng tôi lấy một tờ giấy trắng, tạo ra một hình tròn bằng cái bát cơm, ở chính giữa chấm một điểm thật đen to bằng đồng xu và dán phía trước ngang tầm mắt chỗ anh ngồi. Hằng ngày, anh nhìn vào đó để luyện đôi mắt.

Để anh có thể đọc được chữ, chúng tôi bàn với Nhà máy in Tiến Bộ đúc một bộ chữ in cỡ lớn, một trang giấy A4 chỉ mười hàng, mỗi hàng chỉ dăm bảy từ. Chúng tôi lại mua kính lúp để anh dùng thử và anh cố gắng thực hiện các thao tác nhiều lần, trong nhiều ngày, nhưng đọc vẫn khó khăn, còn gây khó chịu cho đôi mắt.

Một hôm, anh cho gọi anh em giúp việc lại và thân tình nói: “Anh em giúp tôi sắp xếp lại công việc sao cho vẫn có giờ tập thể dục sáng và chiều, làm việc tiếp khách (khách đến thăm, khách đến làm việc), có thì giờ suy nghĩ về những vấn đề quan tâm, đi thăm người thân, bạn bè, đồng chí, đồng bào các địa phương v.v... Trước đây mắt tôi còn tốt, tôi tự làm lấy mọi việc, tôi đọc sách rất nhanh và viết cũng rất nhanh. Nhưng bây giờ thì... (anh dừng một lúc lâu rồi nói tiếp), tôi không thể. Tôi nhờ anh em giúp tôi, công việc có vất vả hơn, anh em phải chịu khó, đừng sốt ruột. Tôi thực lòng biết ơn anh em nhiều”. Chúng tôi xúc động đến lặng người và mắt ai cũng ngấn lệ. Chúng tôi bảo nhau phải làm thật tốt mọi việc trong mọi lúc, mọi nơi, tùy theo vị trí công tác được giao, không phụ lòng tin của anh.

Thể theo ý kiến của anh, chúng tôi sắp xếp thời gian làm việc vừa phải khoảng 4 giờ/ngày, buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ, buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ; hằng ngày 4 giờ 30 phút anh dậy, đi bộ, 6 giờ vệ sinh, nghe đọc tin tức, báo chí, 7 giờ 30 phút ăn sáng, 8 giờ làm việc, 10 giờ thư giãn, 11 giờ ăn trưa, 12 giờ nghỉ trưa, 14 giờ làm việc, 16 giờ thư giãn, 18 giờ ăn tối, 19 giờ nghe đọc sách văn học, 20 giờ ngủ. Lịch làm việc của anh tuần nào cũng kín, khách thường là các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí phụ trách các ngành, các lĩnh vực, các địa phương đến làm việc, cùng anh trao đổi ý kiến về tình hình trong nước, tình hình thế giới, những vấn đề nổi cộm đáng quan tâm. Anh tiếp nhiều người đến thăm là bạn bè, bà con, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, và cả nhiều người nước ngoài.

Anh thường được mời dự một số hội nghị và mời phát biểu ý kiến. Để có bài nói độ dài khoảng một giờ đồng hồ, anh phải được nghe báo cáo nội dung hội nghị rồi để thì giờ suy nghĩ về những gì cần nói đem lại cho người nghe những điều bổ ích, không nhàm chán, không làm mất thì giờ của anh em, nếu không có ý gì mới thì không đến. Anh chuẩn bị trong đầu óc hàng tuần lễ, có khi vài tuần, rồi mới đọc cho anh em chép, đánh máy. Anh nghe đi nghe lại và chỉnh sửa nhiều lần đến mức gần như thuộc lòng. Khi đến hội nghị, anh nói vo mà không hề nhầm lẫn, trùng lặp hoặc bỏ sót những ý lớn và điều rất thú vị là cũng chỉ đúng một giờ đồng hồ. Nhiều anh em sau khi nghe đã nói với chúng tôi: làm sao anh nói mạch lạc đến vậy, chính xác đến vậy!

Anh thường viết bài đăng báo nhân các ngày lễ lớn như kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày sinh Bác Hồ 19-5 hoặc những sự kiện quan trọng khác. Anh viết không dài, bài ngắn độ 2-3 trang, bài dài độ 7-10 trang. Để có được những bài viết như vậy, anh chuẩn bị, suy nghĩ hàng tháng trời, rồi đọc cho anh em ghi lại. Sau khi đánh máy, đọc lại cho anh nghe, anh vừa nghe vừa sửa năm bảy lần cho đến khi thấy hoàn toàn yên tâm mới cho gửi đến các báo và không quên dặn xin ý kiến các nhà báo trước khi đăng. Anh rất trân trọng ý kiến của anh em, có lần đồng chí Hà Đăng, lúc ấy là Tổng biên tập báo Nhân Dân, đề nghị thêm một dấu phẩy và một từ vào bài viết của anh, chúng tôi báo cáo và anh đã chấp nhận với lời cảm ơn nhà báo Hà Đăng.

Khước từ viết hồi ký

Nhiều người đến thăm, kể cả người nước ngoài, đề nghị anh viết hồi ký để giúp người đọc biết thêm về các thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Anh trả lời họ là để suy nghĩ, rồi anh nói với chúng tôi rằng: "Viết hồi ký thường đụng chạm đến người này, người nọ và thông thường là đề cao "cái tôi" của mình hơn mọi người, hơn cả tập thể. Tôi không viết hồi ký mà chỉ tập trung viết về Bác Hồ. Nhưng viết về Bác là điều cực kỳ khó bởi người ta (cả trong nước và ngoài nước) đã viết hàng trăm cuốn sách về Bác, vậy mình viết cái gì và viết như thế nào, thật không dễ".

Anh đã dành cả năm trời để đọc (nói đúng hơn là nghe đọc) các tác phẩm của Bác Hồ, các tác phẩm viết về Bác Hồ, kể cả những ngày ở Hà Nội cũng như thời gian đi các địa phương, và suy nghĩ, có khi cả buổi anh ngồi một mình chỉ để suy nghĩ, anh suy nghĩ nhiều lắm. Một hôm, anh vui mừng báo cho chúng tôi biết là anh đã tìm được đề tài và cách viết rồi. Anh cho mời một số anh em quen thân đến trao đổi ý kiến về cuốn sách: tên, nội dung, các chương, mục v.v.. gợi ý anh em mỗi người dự thảo một đề cương, sau đó gặp lại nhau. Trên cơ sở những đề cương của anh em, anh cân nhắc, lựa chọn làm thành đề cương của mình, rồi gửi lấy ý kiến anh em lần nữa. Khi đề cương được thông qua, anh bắt đầu làm từng chương. Anh vừa suy nghĩ vừa đọc, có khi cả buổi mới được một trang, có khi đã đọc là liền một mạch theo dòng suy nghĩ. Có một lần do không ghi kịp, chúng tôi ngắt lời đề nghị anh đọc lại. Anh bị dừng đột ngột, ngồi lặng hồi lâu không nói gì, rồi chậm rãi bảo: "Thôi, hôm nay làm đến đây, để tôi còn suy nghĩ tiếp". Chúng tôi biết anh không vui, và rất ân hận là đã làm mất đi những gì mà anh nhiều ngày đêm suy nghĩ mới có được. Chúng tôi xin lỗi anh và hứa tìm mọi cách khắc phục. Phải thật tập trung và vất vả lắm, chúng tôi mới ghi chép kịp, sau đó biên tập lại, đánh máy rồi trình anh cho ý kiến, chỉnh sửa và gửi lấy ý kiến anh em. Cứ làm như vậy cho đến khi xong chương một, lại tiếp tục làm các chương còn lại. Ngay cả tên cuốn sách cũng phải ba, bốn lần bàn thảo, cho đến đầu năm 1990 cuốn sách mới có tên "Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" được hoàn thành gửi xin ý kiến một số đồng chí lãnh đạo và anh em quen thân. Với những ý kiến đóng góp của anh em, anh nghe lại toàn văn cuốn sách và sửa lần cuối cùng. Cuốn sách được in và dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu.

Như con ong chăm chỉ đi tìm nhụy hoa làm nên mật quý cho đời, anh Phạm Văn Đồng bằng nghị lực kiên cường, tập trung cao độ những gì nghe được, cảm nhận được để ngày đêm suy nghĩ, tư duy về Hồ Chí Minh, về những vấn đề của Đảng, của đất nước và dân tộc. Từ năm 1991 đến 1998, anh miệt mài ngày đêm viết thêm mấy cuốn sách về Bác Hồ với tình cảm sâu nặng: "Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lai"; "Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh"; "Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh". Anh còn viết hai cuốn, là cuốn: "Văn hóa và đổi mới" xuất bản năm 1994, cuốn "Về vấn đề giáo dục và đào tạo" xuất bản năm 1999 và hơn 40 bài báo.

Những cuốn sách và bài báo của anh nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc và dư luận trong và ngoài nước. Người ta cho rằng anh là người viết khá đầy đủ, sâu sắc, có hệ thống về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn văn phong, khẩu khí thì không thể lẫn lộn với ai được, đúng là của Phạm Văn Đồng, thực sự là của Phạm Văn Đồng. Quả là điều khó tưởng tượng đối với mọi người.

Anh đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Đảng. Năm 1999, anh đã viết bài báo với nhan đề "Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam" nhân ngày sinh Bác Hồ, nói lên sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng nói lên sự lo âu về tình hình xã hội nảy sinh nhiều mặt tiêu cực không thể coi thường và một bộ phận đảng viên, những người có chức, có quyền hư hỏng quá, đòi hỏi đảng phải tiếp tục chỉnh đốn để ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ, xứng đáng là đảng của Hồ Chí Minh, xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Như vậy, một mặt phải lựa chọn những người có đạo đức tốt, có năng lực, có lối sống trong sạch, được dân tin dân yêu, đưa vào các cấp lãnh đạo, một mặt kiên quyết đưa bọn người xấu ra khỏi Đảng, ra khỏi bộ máy nhà nước. Từ cuối năm 1999, anh đã dành mấy tháng liền để chuẩn bị ý kiến đóng góp với Đại hội lần thứ IX của Đảng, đã mời hàng chục đồng chí phụ trách các đề tài của Đại hội, các nhà lý luận, nhà khoa học, nhà kinh tế v.v... đến cùng bàn thảo các nội dung của Đại hội, gợi ý anh em từ thực tiễn tình hình đất nước mà suy nghĩ sâu sắc thêm, làm sáng tỏ thêm những vấn đề cốt lõi để tiếp tục và đẩy mạnh công cuộc đổi mới, động viên và phát huy mọi tiềm năng, mọi thế mạnh còn tiềm ẩn trong các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ nhanh và bền vững. Anh yêu cầu anh em suy nghĩ về những gợi ý trên và sẽ trở lại cùng nhau thảo luận. Nhưng anh đã ra đi về cõi Bác Hồ trước Đại hội IX vào cuối tháng 4 năm 2000, không kịp làm điều mình mong muốn.

Trọn nghĩa, vẹn tình với vợ, con

Tuy bận rộn với công việc là như vậy, nhưng anh cũng thường trao đổi với chúng tôi về việc của gia đình. Anh ước rằng: "Cô Cúc (chị Phạm Thị Cúc-người vợ mà anh hết lòng thương yêu) "đi trước" tôi để tôi được lo cho cô một cách tươm tất, chu đáo, tôi mới yên tâm, cả đời tôi nợ cô". Biết rằng chị Cúc bị bệnh tâm thần từ năm 1951, anh đã bằng mọi cách chạy chữa ở trong nước cũng như ở nước ngoài nhưng bệnh của chị vẫn không khỏi. Anh dành thì giờ chăm sóc chị với những tình cảm âu yếm. Cứ chủ nhật hằng tuần, anh đều đến thăm chị hoặc mời chị đến chỗ anh và bao giờ cũng có gói quà cho chị. Những lần đi nghỉ, anh đều thu xếp đưa chị cùng đi. Tất cả những gì có thể làm được cho chị Cúc anh đã làm nhưng anh vẫn cứ thấy mình mắc lỗi cho đến khi ngã bệnh anh vẫn còn nhắc lại.

Phạm Sơn Dương, người con trai duy nhất của anh chị, từ nhỏ sống với anh cùng anh em trong văn phòng. Được sự dạy dỗ chăm sóc của anh, Sơn Dương đã trở thành đại tá, năm 1994 cưới vợ, đám cưới của Sơn Dương-Minh Châu được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô. Anh không gửi thiếp báo hỷ, cũng không mời ai, chỉ cho phép Sơn Dương-Minh Châu mời bạn, gần 1.000 người có giấy mời cũng như không có giấy mời đều đến dự, nói đúng hơn là đến xem đám cưới của con trai vị Thủ tướng lâu năm nhất nước ta có gì. Họ vô cùng ngạc nhiên thấy thật giản dị, trên bàn chỉ bày một ít bánh kẹo thông thường và các ly trà, nhưng không khí thật vui tươi, hạnh phúc. Cuối năm ấy, rồi sau đó nữa Sơn Dương-Minh Châu sinh con: một trai, một gái được đặt tên là Phạm Quốc Hoa, Phạm Quốc Hương. Bàn tay anh nhẹ nhàng đặt lên đầu cháu Quốc Hoa, rồi sờ từ trán đến cằm, nắn cái mũi, cái tai, cái tay, cái chân, bỗng anh reo lên "nó giống tôi, nó giống tôi, đây là hạnh phúc nhất của đời tôi, thật không còn gì bằng". Chúng tôi cùng reo lên: "Vâng, cháu thật giống ông nội, thật giống ông nội". Anh vui lắm, anh sung sướng lắm, hằng tuần, bố mẹ các cháu đều đưa các cháu đến chơi, ông bế các cháu, ôm cháu, sờ cháu từ đầu đến chân rồi hôn lên trán cháu, cho các cháu quà. Các cháu chỉ chơi với ông chốc lát rồi hôn ông và chạy ra chỗ khác chơi, vì ông không đáp ứng được những thú chơi của các cháu. Chúng không biết rằng đôi mắt của ông nội không còn trông thấy gì. Thật xót xa.

Cho đến khi anh nằm viện, anh cho gọi Sơn Dương đến nhiều lần và lần cuối, anh dặn mấy lời ngắn gọn: "Ba không có tài sản gì để lại cho con, Ba chỉ để lại một sự nghiệp phải tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má của con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, con xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta". Sơn Dương hứa với Ba là làm theo lời Ba dặn, nhất định là như vậy.

Anh Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Anh trọn nghĩa, trọn tình với vợ con và các cháu, để làm niềm thương nhớ, kính trọng trong lòng những người thân, trong lòng đồng bào, đồng chí và bè bạn gần xa.

NGUYỄN TIẾN NĂNG
(Nguyên trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)

Theo Quân đội nhân dân