Phận nghèo không Tết
Các Website khác - 07/01/2009
Trong khi nhiều người đang cố gắng chạy đua để kiếm Tết, thì vẫn có những người dửng dưng. Bởi với họ, dù cố gắng mấy cũng chỉ đủ ăn ba bữa. Và Tết lại trở thành gánh nặng vì đấy là lúc nhìn rõ nhất, thấm thía nhất nỗi tủi cực của những phận nghèo không Tết…

Cách con đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, TP HCM không xa, nhưng chỉ đi hết đoạn đường lát bê tông, đặt chân vào con đường đất gồ ghề đã thấy hiện ra một xóm nghèo với những mái nhà tranh lúp xúp, một chiếc “cầu tõm” được quây lại bằng những tấm bao bố, nằm chênh vênh bên một cái ao đen ngòm. Đó là “chân dung” xóm nghèo Phú Định.

Đành thất lễ với tổ tiên

Một ông già gầy gò mải miết đạp xe chở theo vài chiếc bao lỉnh kỉnh vào một con hẻm ở quận 6, TP HCM. Vừa dừng xe trước một căn nhà mái tranh, vách được che chắn bởi bao tải và nylon, hai đứa bé ùa ra reo vui khi thấy ông về.
 
Dựng chiếc xe vào vách, ông lão bế đứa cháu nhỏ lên và bước vào nhà, đến bàn thờ, thắp một nén nhang. Nhìn khuôn mặt người phụ nữ trong ảnh đang lờ mờ sau làn khói nhang vấn vít, đôi mắt ông lão đục mờ ngân ngấn nước. Theo ngày tháng ghi trong khung hình, người phụ nữ này mới qua đời chưa tròn hai tháng.

Chỉ tấm hình của vợ, ông Bùi Quang Liêm,ông già nói trên, ngậm ngùi: “Tết này vắng mặt bà ấy. Nhưng có lẽ thế lại may vì năm nào bà ấy cũng than vắn thở dài khi trong nhà chẳng có gì để cúng ông bà…”.
 

Vừa trông cháu, ông Bùi Quang Liêm vừa phải ngồi gỡ dây đồng để kiếm từngđồng bạc lẻ.

20 năm trước, cả gia đình rời An Giang lên thành phố kiếm sống. Vợ bị tật ở chân, các con còn nhỏ nên mình ông phải lăn lộn với đủ thứ nghề hạ bạc để lo cho gia đình. Cả gia đình sống trong một căn phòng hơn 20 m². Gọi phòng cho oai, chứ thực chất chỉ là một gian nhà tranh đã quá cũ kỹ và xơ xác.

Hai mươi năm qua, chưa năm nào gia đình ông Liêm thực sự có Tết. Cố gắng mấy cũng chỉ mua được miếng thịt cúng ông bà đêm giao thừa, còn sau đó có gì ăn nấy chứ không sắm sửa gì. Ông còn nhớ, có năm gần đến giao thừa mà trong nhà chẳng còn một hạt gạo, tiền cũng chẳng còn để mua đồ cúng ông bà. Và chiều cuối năm, ông vẫn lang thang ngoài đường, cất tiếng rao buồn não ruột. Có người phụ nữ tốt bụng đã gọi ông vào nhà, cho một đống đồ cũ thải ra. Và sau khi hỏi han, bà đã cho ông một hộp bánh và một cái bánh chưng đem về. Ông cảm động đến rơi nước mắt. Nhờ thế, đêm giao thừa năm ấy ông đã có đồ cúng ông bà, tổ tiên…

Ông Liêm khoe, vừa xin được mấy bộ đồ cũ cho hai đứa cháu ngoại mặc Tết. Dù cố gắng vậy, nhưng số tiền cả ông và con rể kiếm được chẳng đáng là bao. Tiền nhà tháng này còn nợ chưa biết trông ngóng vào đâu nên hỏi chuyện ăn Tết ông chỉ lắc đầu cười buồn.

Vỉa hè không chờ Tết
 
Con đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP HCM) vốn được biết đến như một khu phố ăn uống với rất nhiều nhà hàng quán cà phê sang trọng. Nhưng có lẽ ít ai biết ở đó còn tồn tại 7 hộ dân không nhà cửa, phải sống trên vỉa hè. Đêm đêm, khi những hàng quán này chuẩn bị đóng cửa thì cũng là lúc những người dân sống trên đoạn đường này đi ngủ. Ngả lưng xuống cái ghế bố hoặc tấm bạt, những cư dân ở đây nhanh chóng chìm vào giấc ngủ vì một ngày làm việc quá mệt mỏi.
 

Ngủ ngoài vỉa hè, những người này không mong gì có Tết.

 
Đây là những hộ dân có hộ khẩu ở quận 3 nhưng lại không có nhà để ở. Sở dĩ như vậy vì họ là những người đã từng đi kinh tế mới lên Tây Nguyên nhưng do cuộc sống quá khó khăn, họ lại quay về thành phố. Họ cho biết đã từng được cấp nhà nhưng sau đó bị lấy lại, tiền bồi hoàn chẳng là bao nhiêu.

Không có nhà, một số hộ dân đành chấp nhận sống luôn trên vỉa hè. Những cư dân ở đây kiếm sống bằng đủ công việc từ chạy xe ôm, bán thuốc lá dạo, bán nước giải khát và bán khoai mì…

Tết với những cư dân vỉa hè chẳng có ý nghĩa gì. Thậm chí, từ “Tết” với họ lại buồn hơn vì người có tiền thường đi chơi xa, hàng hóa của họ thường ế ẩm. Chị Trần Thị Tiên kể: “Tết người ta về quê, đi chơi hết, thành phố còn ít người lắm. Với lại, Tết mấy ai ăn khoai mì nên làm ra mà chẳng ai mua. Nhiều khi phải ăn khoai mì trừ bữa. Buồn nhất là đêm ba mươi với mùng một, cả con đường vắng hoe chỉ có mấy gia đình sống ở vỉa hè ngồi nhìn nhau".

Ông Nguyễn Văn Bảy, 70 tuổi, cư dân vỉa hè, đang mang trong mình bệnh lao phổi, kể: “Có năm, ba ngày Tết mà tôi lên cơn sốt, nằm rên hừ hừ trên vỉa hè. Ngày thường đi xin thuốc ở mấy cơ sở từ thiện được chứ ngày Tết ai người ta đi làm mà xin thuốc? Đành cắn răng chịu đựng vậy”.

Chị Bùi Thu Trang ngậm ngùi tâm sự: “Tết là lúc người ta nhớ đến ông bà, tổ tiên bằng cách mua đồ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Ở đây, bàn thờ chẳng có, đồ cúng cũng không, nên nhớ thương ông bà cũng chỉ để trong lòng…”.
 
Theo Giadinh.net