Quốc hội với sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc
Các Website khác - 26/12/2005
Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định: "Ðất nước Việt Nam là một khối bắc nam thống nhất không thể chia cắt" và "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc".
Chúng ta đều biết cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ (7-5-1954) chấn động địa cầu. Chiến thắng lẫy lừng này có ý nghĩa quyết định đối với việc ký kết Hiệp định Geneva (20-7-1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Từ đó đến tháng 4-1975, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, có hai chế độ chính trị khác nhau. Cách mạng ở miền bắc và cách mạng Việt Nam ở miền nam, do một Ðảng Cộng sản thống nhất lãnh đạo, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, mỗi chiến lược nhằm giải quyết yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi miền. Tuy chiến lược của mỗi miền có vị trí khác nhau, nhưng trước mắt đều thực hiện mục tiêu chung của cả nước là giải quyết mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng để giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngược thời gian, chúng ta nhớ lại những ngày sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, miền bắc hồ hởi phấn khởi sống trong cảnh hòa bình, bắt tay vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền nam "đi trước, về sau" lại tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước. Song, đế quốc Mỹ đã trắng trợn, ra sức chống, phá việc thi hành Hiệp định Geneva. Chúng nhanh chóng hất cẳng Pháp, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng, nhằm chia cắt lâu dài, xâm lược cả nước ta và toàn bán đảo Ðông Dương. Chúng đã tự tổ chức tuyển cử, bầu "Quốc hội" riêng rẽ, công bố "Hiến pháp" của chế độ "Việt Nam cộng hòa", biến miền nam thành một "quốc gia" riêng, hoàn toàn trái với bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva. Chính quyền Ngô Ðình Diệm chính thức tuyên bố từ chối hiệp thương để tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 7-1956, theo quy định của Hiệp định Geneva.

Mặc cho âm mưu và hành động phá hoại của kè thù, song Chính phủ và Quốc hội nước ta vẫn kiên trì đấu tranh bảo vệ Hiệp định, đòi nhà đương cục ở miền nam phải cùng với miền bắc tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội thật sự tiêu biểu cho ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi. Quốc hội đã kịp thời tố cáo, lên án những hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi các nước có liên quan phải tôn trọng và bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh hiệp định nói trên. Trong bản Tuyên bố của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Ðức Thắng ngày 10-2-1956 có đoạn: "Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi đồng bào trong nước và ngoài nước đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở bản Cương lĩnh của Mặt trận, ra sức đấu tranh chống trò hề tuyển cử riêng rẽ và chế độ khủng bố phát-xít của Mỹ - Diệm...".

Trong các kỳ họp Quốc hội cũng như trong tất cả các hoạt động của mình, Quốc hội đều dành phần quan tâm đặc biệt tới cuộc đấu tranh ngoan cường, bất khuất của nhân dân miền nam, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Khi biết tin Mỹ - Diệm đã gây ra vụ thảm sát Phú Lợi ngày 1-12-1958, đầu độc giết hại hơn 1.000 chính trị phạm yêu nước, cả miền bắc dấy lên làn sóng sôi sục căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước. Nhiều cuộc tuần hành xuống đường của các tầng lớp nhân dân biểu lộ thái độ kiên quyết của toàn dân miền bắc đứng bên cạnh đồng bào miền nam, cùng nhau kề vai sát cánh chống quân thù. Ngày 23-1-1959, Ban Thường trực Quốc hội ra Tuyên bố khẳng định "Bọn Mỹ - Diệm thực hiện những chính sách cực kỳ hung ác, không tỏ ra chúng mạnh, mà chỉ tỏ ra chúng không thể nào khuất phục được nhân dân miền nam...".

Sau ba năm phấn đấu, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, từ năm 1958, miền bắc bắt tay vào nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ở miền nam, cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại chính sách thực dân mới của Mỹ và chế độ độc tài, phát-xít gia đình trị Ngô Ðình Diệm ngày càng diễn ra ác liệt. Bằng chính sách "tố cộng", "diệt cộng", áp dụng đạo luật phát-xít "10-1959" và đưa ra cái gọi là "chính sách đối với những người cựu kháng chiến", chính quyền Sài Gòn đã gây cho cách mạng miền nam những tổn thất lớn. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Cả nước hướng về miền nam đau thương mà anh dũng. Trong bản Tuyên bố ngày 30-11-1959, Ban Thường trực Quốc hội khẳng định: "Nhân dân Việt Nam ngày càng thấy rõ tính chất tàn ác của chế độ Mỹ - Diệm, sẽ càng căm thù sâu sắc và càng kiên quyết chống lại chúng. Nhân dân thế giới vốn sẵn có cảm tình với cuộc kháng chiến anh dũng trước đây và cuộc đấu tranh chính nghĩa hiện nay của nhân dân ta sẽ đứng về phía chúng ta. Ngày càng bị cô lập, bọn Mỹ - Diệm không sao tránh được thất bại nhục nhã, thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về tay nhân dân Việt Nam".

Thực tiễn cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù đã làm cho nhân dân miền nam, trước hết là bộ phận tiên phong cách mạng càng nhận thức sâu sắc thêm rằng muốn chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước, tự cứu lấy mình, không có con đường nào khác, ngoài con đường cách mạng.

Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (1-1959), xác định đường lối cách mạng Việt Nam ở miền nam, cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền nam càng chuyển biến mạnh mẽ. Cùng với cuộc đấu tranh chính trị diễn ra rộng lớn trên khắp đô thị và nông thôn, các cuộc đấu tranh vũ trang diệt ác, trừ gian và một số cuộc nổi dậy của quần chúng phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ với những mức độ thích hợp khác nhau đã nổ ra ở nhiều vùng thuộc khu V và Nam Bộ. Có thể nói trong hai năm 1958, 1959, cao trào "Ðồng khởi", khởi nghĩa từng phần phát triển rộng khắp ở các vùng miền núi, đồng bằng, đưa cách mạng miền nam chuyển sang thế tiến công bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng. Phong trào "Ðồng khởi" đã giáng một đòn nặng nề vào chiến lược "chiến tranh đơn phương" của Tổng thống Eisenhower, làm phá sản một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ thực thi ở miền nam, đẩy chế độ Ngô Ðình Diệm vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng kéo dài.

Ðể cứu vãn chính quyền Sài Gòn khỏi sự sụp đổ trước bão táp cách mạng mãnh liệt của nhân dân miền nam, đế quốc Mỹ đã lần lượt thực hiện các chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Tổng thống Kennedy, "chiến tranh cục bộ" của Tổng thống Johnson; "Việt Nam hóa chiến tranh" của Tổng thống Nixon, song rốt cục tất cả chiến lược đó đều bị thất bại thảm hại.

Có thể nói ý chí thống nhất Tổ quốc luôn được thể hiện trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của quân và dân miền bắc. Cả nước xiết bao cảm động, thấm thía trước tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của Bác Hồ đối với miền nam ruột thịt, khi Người đặt tay lên ngực và nói: "Hình ảnh của miền nam yêu quý ở trong trái tim tôi" và: "Chờ đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, bắc - nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì dân ta sẽ sung sướng, vui mừng".

Thông qua các nghị quyết, lời tuyên bố, một số đạo luật và các văn kiện quan trọng khác, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm của nhân dân cả nước đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc. Hiến pháp năm 1959 đã khẳng định: "Ðất nước Việt Nam là một khối bắc nam thống nhất không thể chia cắt" và "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc".

Sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc của nhân dân đã diễn ra lâu dài và vô cùng gian khổ, quyết liệt, "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo, động viên toàn dân kiên quyết làm tròn hai nhiệm vụ lịch sử: xây dựng và bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam. Từ năm 1965 trở đi, cả nước có chiến tranh; miền nam là tiền tuyến lớn, trực tiếp đương đầu với quân Mỹ xâm lược, miền bắc là hậu phương lớn "Mỗi người làm việc bằng hai" vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa trực tiếp đối phó chiến tranh phá hoại bằng không quân của không lực Hoa Kỳ. Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu, thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước. Cả dân tộc ta đã đứng lên chiến đấu với ý chí mà Bác Hồ đã đúc kết thành chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Tại các kỳ họp trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Quốc hội đều thông qua các văn kiện quan trọng để lên án âm mưu, hành động tội ác tày trời của bè lũ Mỹ - ngụy, quân, dân hai miền quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; đồng thời kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chiến thắng. Khó mà kể hết những hy sinh vô bờ bến của quân và dân miền nam quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Khó mà diễn tả hết những đóng góp cực kỳ to lớn của miền bắc trong những ngày tháng không quên đó. "Miền bắc đã dốc vào cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội " (Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Ðảng, 12-1976).

Quốc hội đã thực hiện các quyết sách để động viên toàn bộ nhân tài, vật lực của chế độ xã hội chủ nghĩa, tập trung mọi hoạt động về đối nội đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền bắc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, góp phần vào kết quả to lớn của việc ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và dẫn tới Ðại thắng 30-4-1975.

Chúng ta cần nhắc đến vai trò quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, ra đời năm 1960; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ, do Ðại hội đại biểu quốc dân miền nam bầu ra ngày 6-6-1969. Chính phủ Cách mạng và Hội đồng Cố vấn là tổ chức có tính chất đại diện đầy đủ và trực tiếp của nhân dân miền nam, được hàng chục nước trên thế giới công nhận, đã thực thi sứ mệnh lịch sử, trực tiếp động viên và huy động lực lượng tại chỗ cho cuộc chiến đấu và chiến thắng Mỹ - ngụy.

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đã phát huy được sức mạnh quyền lực của Nhà nước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại là xây dựng miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Quốc hội ta thật xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong công lao và thành tích của Quốc hội ta, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự đóng góp xứng đáng của các vị đại biểu Quốc hội.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quốc hội Việt Nam, chúng ta thêm tự hào về những trang sử vẻ vang và những thành tích to lớn của Quốc hội đối với việc hoàn thành sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, để từ đó càng tích cực tham gia vào quá trình tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.