Ra lời kêu gọi đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam
Các Website khác - 29/03/2006
Chiều 29-3, Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam đã bế mạc, sau khi thông qua lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và giúp họ khắc phục những khó khăn trong cuộc sống.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo sau đó, ông Trần Xuân Thu, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nêu rõ, một nội dung nổi bật của Lời kêu gọi là không đồng tình với kết luận của thẩm phán Weinstein tại phiên toà sơ thẩm vụ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ. Ông Weinstein đã bác đơn kiện của họ và điều đó cho thấy ông này không tôn trọng công lý cũng như thực tế rõ ràng ở Việt Nam.

“Chưa có hành động chính thức nào bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam từ phía chính phủ Mỹ, trong khi các cựu chiến binh Mỹ chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường, tuy không nhiều.”

Bà Sue Kedley, Nghị sĩ Quốc hội New Zealand.

“Những người chĩa súng vào chúng ta còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề như vậy, lẽ nào chúng ta- những người bị chĩa súng- lại có thể hoàn toàn vô sự!”

Ông Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Qua lời kêu gọi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các nước cùng nhiều nhà hoạt động xã hội cam kết ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho đến thắng lợi cuối cùng.

Lời kêu gọi cũng yêu cầu các chính phủ Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Mỹ phải có chính sách thoả đáng đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của nước mình. Đó là các cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất độc hoá học trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam và con cháu của họ. Đồng thời, Lời kêu gọi nhấn mạnh, không chỉ những nước gửi quân tham chiến ở Việt Nam trước đây, mà cả một số nước từng là nơi Mỹ thử nghiệm hoặc sản xuất các hoá chất độc hại, cũng phải quan tâm đến hậu quả của nó.

“Nỗi đau và nỗi khổ này không của riêng ai.
Cuộc đấu tranh vì công lý này là vì toàn thế giới, vì các thế hệ tương lai và vì hành tinh trái đất lành mạnh của chúng ta.”

Trích Lời kêu gọi

Các hoạt động đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam đến nay bước đầu đã giành được thắng lợi ở Mỹ, New Zealand, Australia, Hàn Quốc. Chính phủ các nước này đã phải thừa nhận tác động đối với sức khỏe của chất da cam/dioxin và có những trợ cấp y tế nhất định, tuy chưa đầy đủ, cho các nạn nhân. Mới đây nhất, Tòa phúc thẩm của Seoul, Hàn Quốc, phán quyết buộc hai Công ty hóa chất Mỹ là Dow và Monsanto phải bồi thường 63 tỷ won, tương đương với 65 triệu USD, cho 6.750 cựu binh Hàn Quốc bị các bệnh do phơi nhiễm chất da cam trong khi tham chiến cùng quân Mỹ tại miền nam Việt Nam.

Tại hội nghị này, Canada, một nước chưa từng gửi quân đến tham chiến ở Việt Nam, nhưng lại cùng Mỹ thử nghiệm chất da cam tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này vào năm 1966 và 1967, cũng có đại diện đến dự để bảy tỏ sự đồng cảm và ủng hộ.

THÁI THANH