Sáng ngời tấm gương trọn đời vì nước, vì dân (*)
Các Website khác - 28/02/2006
Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ngày 28-2-2006 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có bài phát biểu quan trọng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Ðảng và dân tộc ta từng nói lịch sử Ðảng ta là một pho lịch sử bằng vàng. Ðể có pho lịch sử bằng vàng ấy, biết bao cán bộ, đảng viên ưu tú đã vì dân, vì Ðảng, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa mà suốt đời hy sinh, phấn đấu. Ðồng chí Phạm Văn Ðồng, Anh Tô kính mến của chúng ta, là một trong những chiến sĩ đặc biệt ưu tú.

Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Ðồng (1-3-1906 - 1-3-2006), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta; người con rất mực trung thành suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; nhà văn hóa lớn của dân tộc"(1).

Ðồng chí Phạm Văn Ðồng sinh ra tại xã Ðức Tân, huyện Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi, một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong những năm 1925 - 1926, từ sự khâm phục, ngưỡng mộ những hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên Phạm Văn Ðồng đã sớm tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên, đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, cho nên đã bị đuổi học ở năm cuối bậc tú tài tại Trường Bưởi (Hà Nội).

Ðược các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ, đồng chí Phạm Văn Ðồng xuất dương và tham dự lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức. Nhờ các bài học về "Ðường cách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc và sự rèn luyện, tu dưỡng, đồng chí Phạm Văn Ðồng đã trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một chiến sĩ cách mạng chân chính, chiến đấu dưới lá cờ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ðồng chí là một trong số những cán bộ tiền bối của Ðảng và cách mạng Việt Nam.

Khoảng giữa năm 1927, đồng chí được tổ chức cử về hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tỉnh Nam Kỳ. Với nhiệt tình và tri thức cách mạng được trang bị tại lớp học ở Quảng Châu, với tài năng của mình, Phạm Văn Ðồng đã trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng Nam Kỳ trong những năm 1928 - 1929. Tháng 5-1929, với cương vị Bí thư kỳ bộ Nam Kỳ, đồng chí Phạm Văn Ðồng là Trưởng đoàn đại biểu Nam Kỳ tham dự Ðại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ và Hội trù bị tổ chức Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 7-1929, đồng chí Phạm Văn Ðồng bị mật thám Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Ðảo. Giữa năm 1936, đồng chí được trả tự do, nhưng bị đưa về quản thúc tại Quảng Ngãi.

Kiên trì với mục tiêu lý tưởng cách mạng đã theo đuổi, đồng chí Phạm Văn Ðồng tìm cách ra Hà Nội, bắt liên lạc với các đảng viên, trí thức và hoạt động công khai, tuyên truyền đường lối của Ðảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Tháng 5-1940, đồng chí được tổ chức cử sang Côn Minh (Trung Quốc) liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hoạt động ở Nam Trung Quốc. Cũng kể từ thời gian này, đồng chí Phạm Văn Ðồng được thường xuyên làm việc cùng Nguyễn Ái Quốc và trở thành một cộng sự đắc lực của Người. Ðầu năm 1942, đồng chí trở về hoạt động ở trong nước và có những cống hiến quan trọng trong việc đào tạo cán bộ cho Mặt trận Việt Minh, phụ trách báo Việt Nam độc lập, xây dựng căn cứ địa Việt Bắc và khu Giải phóng, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, được Quốc dân đại hội Tân Trào bầu là Ủy viên Thường trực Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðồng chí là đại biểu Quốc hội khoá I và được Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ nhất (3-1946) bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Từ trước ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp đến tháng 1-1949, với cương vị đại diện Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (từ năm 1947 là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương), Ðặc phái viên của Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Ðồng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam Trung Bộ. Thời gian hoạt động tại đây, đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, thúc đẩy kháng chiến ở Tây Nguyên và Cực Nam Trung Bộ, phối hợp tác chiến và góp phần thắt chặt đoàn kết giữa Việt Nam và Lào.

Giữa năm 1949, đồng chí Phạm Văn Ðồng được bổ sung làm Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và trở lại hoạt động ở Việt Bắc, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Tháng 2-1951, tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Ðảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ trọng trách này liên tục từ khoá II đến khoá V (1951 - 1986). Từ năm 1955 đến năm 1987, đồng chí là Thủ tướng Chính phủ. Hơn 10 năm (1986 - 1997), đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương các khoá VI, VII, VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Từ cuối năm 1997, tuy thôi cương vị cố vấn, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục cống hiến cho tới những ngày tháng cuối cùng và từ trần ngày 29-4-2000.

Suốt cuộc đời cách mạng, khi hoạt động bí mật, luôn bị kẻ thù rình rập, săn đuổi, khi bị giam cầm trong tù ngục, khi hoạt động công khai... trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Phạm Văn Ðồng luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Trên các cương vị và trọng trách được giao, đồng chí Phạm Văn Ðồng hết sức quan tâm tới công tác xây dựng Ðảng, củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước.

Ðồng chí Phạm Văn Ðồng yêu cầu cán bộ các cấp phải "quan niệm cho đúng quan hệ lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước". Ðồng chí đã khẳng định: "Chỉ có tăng cường quan hệ lãnh đạo của Ðảng với Nhà nước thì chúng ta mới tăng cường tác dụng to lớn của Nhà nước trong thời kỳ quá độ, trong việc xây dựng xã hội mới, đời sống mới, do đó nêu cao địa vị và uy tín của Nhà nước"(2).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đồng chí Phạm Văn Ðồng nêu rõ: "Việc tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa" (3). Ðồng chí quán triệt nguyên tắc tổ chức của Nhà nước ta là nguyên tắc tập trung dân chủ, dân chủ và tập trung kết hợp chặt chẽ với nhau. Muốn thực hiện tập trung dân chủ, phải đề cao ý thức kỷ luật, chế độ trách nhiệm, tăng cường pháp chế. Ðó là những biện pháp thiết thực để thực hiện tập trung dân chủ.

Trong quản lý kinh tế, đồng chí Phạm Văn Ðồng yêu cầu mỗi cán bộ phải làm việc có hiệu quả thiết thực, có năng suất, chất lượng cao; phải chú trọng thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô. Ðồng chí chỉ ra rằng: "Muốn quản lý tốt, cần quy định rõ ràng chính sách, chế độ, thể lệ, định mức về các việc điều động, phân phối và sử dụng tiền bạc, máy móc, đất đai và vật tư cho mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương; phải coi đó là kỷ luật của Nhà nước, ai làm sai là có lỗi; người phụ trách phải thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng mức những vụ sai trái" (4).

Với cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí rất trăn trở trước những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý nền kinh tế. Ðồng chí nói: "Tôi cần nhấn mạnh với các đồng chí và đồng bào về những yếu kém và thiếu sót của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý nền kinh tế quốc dân. Nói như vậy, chính là chúng tôi tự phê bình trước các đồng chí và đồng bào về trách nhiệm của mình. Ðồng thời đòi hỏi mọi người chúng ta phải tự phê bình và phê bình về tình trạng vô trách nhiệm, vô kỷ luật, làm việc không có hiệu quả"(5).

Ðồng chí Phạm Văn Ðồng rất chú trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng, thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt dân với Ðảng, Ðảng với dân. Ðồng chí khẳng định, sự nghiệp cách mạng là xây dựng cái mới, cái văn minh, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu. Trong sự nghiệp ấy, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu; Ðảng phải bồi dưỡng, chăm sóc cán bộ "ví như người làm vườn, vừa vun xới cho cây, cho hoa; vừa phải nhổ cỏ, trừ sâu và nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, diệt sâu phải diệt từ trứng, có như vậy hoa mới càng đẹp, quả mới càng ngon"(6). Ðồng chí rất đau lòng khi tệ quan liêu, tham nhũng trở thành "quốc nạn", đe dọa sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng. Từ đáy lòng mình, đồng chí Phạm Văn Ðồng đã yêu cầu Ðảng, Nhà nước "phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét dọn mọi thứ rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt những công tác khác"(7). Lời tâm huyết đầy trách nhiệm của đồng chí có ý nghĩa thời sự to lớn trong cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng hiện nay.

Trên cương vị mà Ðảng và Nhà nước giao phó, tài năng và cống hiến của đồng chí Phạm Văn Ðồng thể hiện xuất sắc ở công tác đối ngoại trong nhiều thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Sớm phát hiện năng khiếu ngoại giao của đồng chí Phạm Văn Ðồng, ngay từ năm 1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử đồng chí tiếp đoàn đại biểu Công hội Thái Bình Dương thăm Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu; năm 1940, đồng chí được cử làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng ở nước ngoài của Hội Giải phóng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, với cương vị Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm thân thiện nước Pháp. Ðồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Ðối ngoại Trung ương trong những năm 1954 - 1955.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất, đồng chí Phạm Văn Ðồng đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực ngoại giao. Ðồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đi thăm nhiều nước anh em, bè bạn, tham gia các cuộc đàm phán và nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng. Ðó là Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (1946), Hội nghị Giơ-ne-vơ (1954), Hội nghị các nước Á- Phi họp ở Băng-đung (1955), nhiều Hội nghị cấp cao của Phong trào các nước Không liên kết, Hội đồng tương trợ kinh tế... Nắm vững đường lối đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, hoạt động đối ngoại của đồng chí Phạm Văn Ðồng luôn bám sát mục tiêu vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, làm bạn với tất cả các nước, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Với quan điểm đúng đắn, tình cảm chân thành, nghệ thuật thuyết phục, cảm hóa, đồng chí Phạm Văn đồng đã góp phần to lớn trong việc đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðảng và Nhà nước ta ghi nhận: "Ðồng chí Phạm Văn Ðồng là nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới, nhìn xa, trông rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, luôn luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh"(8). Ðồng chí được bạn bè quốc tế dành cho sự kính trọng, khâm phục và coi là "một trong những nhân vật xuất sắc và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20, nhờ những khả năng siêu phàm về ngoại giao cũng như uy tín, ảnh hưởng to lớn ở trong nước"(9).

Thưa các đồng chí và các bạn,

Là nhà lãnh đạo có uy tín, đồng chí Phạm Văn Ðồng đồng thời là nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn. Noi theo người thầy Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Ðồng luôn sử dụng tri thức văn hóa dân tộc và nhân loại trong hoạt động cách mạng. Từ những năm 1927 - 1928, đồng chí đã là thầy giáo ở Sài Gòn - Chợ Lớn, vừa dạy học vừa tuyên truyền cách mạng trong giới trí thức, học sinh, sinh viên. Trong những năm tháng bị giam cầm tại địa ngục Côn Ðảo, đồng chí Phạm Văn Ðồng được các đồng chí của mình gọi là "giáo sư đỏ". Những năm 1940 - 1945, đồng chí đã tham gia đào tạo nhiều lớp cán bộ của Mặt trận Việt Minh. Tại Nam Trung Bộ, những năm 1947 - 1948, đồng chí đã sáng lập, là Hiệu trưởng danh dự và trực tiếp giảng dạy cho các trường Trung học Bình dân, trường Trung học Quân sự Bình dân... Trên rừng Việt Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, Ðồng chí mở lớp huấn luyện, trực tiếp giảng chính trị cho các cán bộ Phủ Thủ tướng. Về Hà Nội, trong thời chống Mỹ, cứu nước, nhiều lần đồng chí là người thuyết trình về những kiến thức mới trên nhiều lĩnh vực trong các buổi sinh hoạt của các thành viên Chính phủ. Nhiều học viên của đồng chí Phạm Văn Ðồng sau này đã trở thành những chiến sĩ ưu tú, những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước.

Là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương trong nhiều năm, đồng chí Phạm Văn Ðồng quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp "trồng người".

Quán triệt sâu sắc đường lối của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo lớp người vừa hồng vừa chuyên kế tục sự nghiệp cách mạng, đồng chí Phạm Văn Ðồng yêu cầu mỗi thầy giáo, cô giáo phải trả lời cho được các câu hỏi: Dạy cái gì? Dạy để làm gì?. Ðồng chí đòi hỏi: "Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đạo đức, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học" (10). Cho đến những năm tháng cuối đời, đồng chí vẫn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tương lai dân tộc. Ðồng chí kêu gọi lớp trẻ: "Các bạn hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với cha anh, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới"(11).

Là người đặc biệt chú trọng phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng chí Phạm Văn Ðồng đã dành thời gian nghiên cứu, viết nhiều bài là những tác phẩm văn hóa mẫu mực về các danh nhân văn hóa dân tộc, các Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Ðình Chiểu... Công trình nghiên cứu của đồng chí thường là các chuyên luận, phục vụ nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, có tính định hướng và chỉ đạo. Văn phong của đồng chí ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và để lại những ấn tượng sâu sắc. Ðồng chí đã nhiều lần bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Những quan điểm của đồng chí về văn hóa ở tầm chiến lược vĩ mô, thể hiện quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Ðảng và Nhà nước ta.

Với giới trí thức, văn nghệ sĩ, đồng chí Phạm Văn Ðồng là người bạn, người anh lớn với tấm lòng bao dung, đôn hậu, cảm thông sâu sắc. Yêu cầu mà đồng chí đặt ra cho anh chị em là khoa học và nghệ thuật phải theo phương châm "hiểu biết, khám phá, sáng tạo"; lập trường tư tưởng phải thấm nhuần tư tưởng lớn của Ðảng, đường lối chính trị của Ðảng, vì những tư tưởng lớn đó, đường lối đó là thể hiện ý chí lớn, nguyện vọng lớn của dân tộc.

94 tuổi đời, 75 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, cuộc đời đồng chí Phạm Văn Ðồng gắn liền với tất cả các thời kỳ lịch sử Ðảng và cách mạng Việt Nam, từ thời kỳ vận động thành lập Ðảng, thời kỳ Ðảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trải qua 30 năm chiến tranh cách mạng bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đến thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới. Ðồng chí là người con tận trung với Ðảng, tận hiếu với dân.

Với đồng chí, đồng bào, đồng chí Phạm Văn Ðồng luôn thể hiện niềm tin, tình thương yêu và lòng kính trọng, tận tụy phục vụ dân, học tập dân, phát huy dân và coi việc chăm lo đời sống, giải quyết những khó khăn của dân là quan trọng hàng đầu.

Với các bạn chiến đấu, nhất là những đồng chí tuổi cao sức yếu, đồng chí Phạm Văn Ðồng thăm hỏi thân tình, àung quỹ Thủ tướng mua tặng những món quà nhỏ, nhưng sâu nặng nghĩa tình và sự chân thành giữa những người đã cùng một thời nằm gai nếm mật.

Khiêm tốn, giản dị, không thích nói về mình, ghét thói phô trương hình thức là tính cách nổi bật của đồng chí Phạm Văn Ðồng.

Trong gia đình đồng chí Phạm Văn Ðồng là người chồng chung thủy, người cha, người ông hiền từ, mẫu mực.

Công lao, đạo đức cách mạng, nhân cách của đồng chí là tấm gương sáng để chúng ta và các thế hệ con cháu mãi mãi tôn vinh.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Công cuộc đổi mới qua 20 năm đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thử thách. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với Ðảng, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Chính trong lúc chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị Ðại hội X của Ðảng, cuộc đời chiến đấu và nhân cách cao đẹp của đồng chí Phạm Văn Ðồng nêu lên cho chúng ta những bài học thấm thía và thiết thực, đặc biệt là tấm lòng suốt đời trọn vẹn vì nước, vì dân, sự cảm thông sâu sắc với mọi tầng lớp đồng bào, nhất là những người nghèo khó, sự chăm chút nâng niu người tốt, việc tốt, sự kiên quyết vạch rõ và đấu tranh chống mọi hiện tượng tiêu cực, nhất là tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sự chân thành và thẳng thắn tự phê bình, lối sống trong sạch, thanh tao và giản dị.

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập tấm gương đồng chí Phạm Văn Ðồng và các vị cách mạng tiền bối, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta quyết phấn đấu đưa công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước ta đến thắng lợi. Chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp đổi mới nhất định thành công, mang lại dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Vinh quang thuộc về những đồng chí và đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc!

Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

(*) Ðầu đề là của báo Nhân Dân.

1- Ðiếu văn của Ðảng và Nhà nước Việt Nam tại lễ truy điệu và an táng đồng chí Phạm Văn Ðồng ngày 6-5-2000. Báo Nhân Dân ngày 7-5-2000.

2- Phạm Văn Ðồng, những bài nói và viết chọn lọc, NXB Sự thậtT, H.1987, T1, Tr.165.

3- Phạm Văn Ðồng, những bài nói và viết chọn lọc, NXB Sự thật, H.1987, T1, Tr.161.

4- Phạm Văn Ðồng, những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, Tr.184.

5- Phạm Văn Ðồng, những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, tr.177-178.

6- Phạm Văn Ðồng, những bài nói và viết chọn lọc, Sđd, T1.Tr.171.

7- Lời phát biểu của đồng chí Phạm Văn Ðồng tại lễ trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng, ngày 1-3-1990. Báo Nhân Dân, ngày 2-3-1990.

8- Ðiếu văn của Ðảng và Nhà nước Việt Nam tại lễ truy điệu và an táng đồng chí Phạm Văn Ðồng ngày 6-5-2000. Báo Nhân Dân ngày 7-5-2000.

9- Báo Quân đội Nhân dân, ngày 5-5-2000.

10- Nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm, ngày 8-10-1981.

11- Báo Giáo dục và thời đại, số 55, ngày 6-5-2000.