Nghe thanh niên nói và nói với thanh niên là một chủ trương hoạt động thiết thực và bổ ích của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Ðây cũng là một nội dung được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng bởi tình cảm, tâm tư và những nguyện vọng chính đáng của họ được các cơ quan chức năng đón nhận, giải đáp và cùng trao đổi. Cuộc tọa đàm đã được tổ chức với ý nghĩa và tinh thần đó.
Hơn 200 bạn trẻ là thanh niên, sinh viên, cán bộ đoàn, hội tiêu biểu, đạt nhiều thành tích tốt trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động đoàn thể của 15 trường đại học trên địa bàn thủ đô đã tham dự Diễn đàn. Các vị: Nguyễn Khoa Ðiềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư; Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ðào Ngọc Dung, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, đến dự. Cùng dự Diễn đàn còn có các vị trong Ban Thường vụ, BCH T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện các ban của T.Ư Ðảng, lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, báo Nhân Dân; các nhà khoa học, các nhạc sĩ; đại diện Ðảng ủy, Ban Giám hiệu các học viện, trường đại học của Hà Nội.
Tham gia chủ trì diễn đàn có các vị: Ðào Duy Quát, Phó Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư; Ðức Lượng, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân; Lâm Phương Thanh, Bí thư T.Ư Ðoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; Trần Văn Kham, Bí thư Ðoàn Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Thị Hương Huyền, sinh viên năm thứ 4, Trường đại học Ngoại thương.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Ðội Tuyên truyền ca khúc cách mạng Trường cao đẳng Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo T.Ư đã đem đến diễn đàn không khí vui tươi, đầm ấm.
Sau lời phát biểu chào mừng của đại diện Ðảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đại học Khoa học tự nhiên, ông Ðức Lượng, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân đã trình bày đề dẫn Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích, nêu rõ: Bắt đầu từ đầu tháng 9 năm nay, báo Nhân Dân cùng T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chuyên mục Diễn đàn mang tên: "Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích" trên báo Nhân Dân. Ðây là diễn đàn trước hết dành cho tuổi trẻ và các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, cả tuổi trẻ và bà con người Việt Nam sống xa quê hương, nói lên tâm tư, nguyện vọng tuổi trẻ, đồng thời đề xuất với Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các biện pháp giúp tuổi trẻ sống đẹp, sống có lý tưởng, hoài bão, sống có ích cho đất nước, cho xã hội, cho bản thân cũng như gia đình đúng đạo lý người Việt Nam, trên nền tảng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những điều kiện về trình độ và nhân cách làm người, lập thân lập nghiệp là xây dựng lớp người tiếp tục sự nghiệp cha ông, quyết định tương lai của đất nước.
Trong gần một tháng qua, báo Nhân Dân đã nhận được nhiều ý kiến, câu chuyện, đề xuất của bạn đọc cả nước: từ những sinh viên, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đến các thanh niên đang lập thân, lập nghiệp, có những thành đạt cùng các bác cựu chiến binh, cựu TNXP, cán bộ đã về hưu... và cả những lá thư, lời tâm sự chân thành, cảm động của những thanh niên đã một thời lầm lỡ như vi phạm pháp luật, nghiện ma túy... nay đang từng ngày, từng giờ nỗ lực vươn lên trở thành người sống đẹp, sống có ích.
Hôm nay, Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, báo Nhân Dân và T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến về Diễn đàn này trong thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng thủ đô với mong muốn được nghe, được cùng giao lưu những suy nghĩ, tình cảm của các bạn trẻ đối với những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông đi trước, từ đó làm nên cái gạch nối sống động giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.
Chúng tôi muốn được nghe những ý kiến cởi mở của các bạn về nhận thức, suy nghĩ đối với lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của thanh niên và những vấn đề đặt ra cho thế hệ trẻ hôm nay. Qua đó, xác định vai trò, trách nhiệm, hành động của học sinh, sinh viên đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời hiểu rõ hơn những mong muốn, nguyện vọng của các bạn trẻ để từ đó tạo những điều kiện thuận lợi giúp các bạn rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Nhân dịp này, thay mặt Ban Biên tập báo Nhân Dân, chúng tôi mong các bạn thanh niên, sinh viên, các cán bộ đoàn, hội tại các trường đại học, cao đẳng thủ đô tích cực tham gia viết bài gửi tới Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích trên các ấn phẩm báo Nhân Dân.
Các đại biểu dự Diễn đàn cùng xem trích đoạn hai bộ phim: "Hồ Chí Minh-chân dung một con người" và "Hành trình chưa khép lại" nói về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và những tư liệu chung quanh hai cuốn sách đang thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trẻ cả nước: Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Ðặng Thùy Trâm. Những thước phim tràn đầy tình cảm đã để lại trong các bạn trẻ những cảm xúc dâng trào thiết tha về công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và những liệt sĩ tuổi 20 đã cống hiến tuổi xuân và cuộc sống của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong không khí thân tình và thật sự cởi mở, đến từ Trường đại học Mỏ-Ðịa chất, sinh viên Phạm Ngọc Oanh cho biết: Rất nhiều bạn trẻ tại trường mong muốn được tham gia Diễn đàn này để được nghe, trao đổi và hiểu biết hơn về lý tưởng của thanh niên bởi với họ, lý tưởng là một điều gì đó xa vời và không dễ dàng có được. Ý kiến ngắn gọn của Ngọc Oanh đã nhận được sự hưởng ứng tranh luận và trao đổi của rất nhiều các bạn sinh viên của những trường đại học. Hàng loạt cánh tay giơ lên và không khí diễn đàn trở nên sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên.
Sinh viên Trường đại học Ngoại thương Nguyễn Thị Hồng Giang khẳng định: Mỗi con người khi sinh ra và lớn lên đều có một lý tưởng và cần tìm kiếm, khai thác cái đẹp, cái thiện để hướng tới, để xây dựng lý tưởng cho bản thân mình. Trong những năm tháng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lý tưởng của thế hệ cha anh là giành lại độc lập cho dân tộc. Ngày nay, lý tưởng của thanh niên chính là xây dựng lối sống đẹp-sống có ích. Giang tâm sự: Lý tưởng của tôi là khi ra trường sẽ đóng góp trí tuệ và sức lực của mình góp phần phát triển nền công nghệ thông tin của đất nước.
Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học quốc gia Hà Nội) Cao Văn Kiền cho rằng: Mỗi người có một suy nghĩ, quan niệm về lòng yêu nước, lý tưởng sống, nhưng không nên xa vời với thực tế cuộc sống và cần thể hiện bằng những hành động thiết thực, bổ ích. Có người cho rằng: Tuổi trẻ hiện nay không yêu nước bằng thế hệ cha anh, đó là một nhận định có phần thiếu chính xác, bởi tuổi trẻ hôm nay luôn trân trọng những chiến công của thế hệ đi trước. Nếu cha ông đã xây dựng một Tổ quốc Việt Nam không thất bại trong chiến tranh, thì tuổi trẻ hôm nay phải xây dựng đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ðiều quan trọng là thực hiện nhiệm vụ đó bằng những hành động gì và như thế nào.
Kiền cho rằng: Xây dựng lối sống đẹp-sống có ích chính là một trong những hành động thể hiện lòng yêu nước. Là một sinh viên học chuyên ngành báo chí, Cao Văn Kiền mong muốn mình có nhiều bài báo hay, phản ánh đúng thực tế cuộc sống, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và đó chính là sống có ích đối với một sinh viên chuyên ngành báo chí. Kiền đã kể với mọi người câu chuyện của bản thân: Có một lần, sau khi điện thoại hỏi thăm mẹ ở quê nhà hết 10 nghìn, nhưng anh chỉ còn đúng bốn nghìn đồng trong túi, đang lúc phân vân thì anh đã được một người phụ nữ không quen biết giúp trả nốt số tiền còn lại cho bưu điện. Từ câu chuyện nhỏ nhưng cảm động đó, Kiền tâm sự: Tôi luôn tin rằng trong cuộc sống có rất nhiều điều tốt, rất nhiều người mong muốn được sống đẹp, sống có ích.
Bạn Thiều Mai Lâm, sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Ðại học quốc gia Hà Nội) đi thẳng vào nội dung của Diễn đàn: Lý tưởng của thanh niên, xây dựng lối sống đẹp, sống có ích đối với sinh viên chúng tôi là đem tri thức góp phần xây dựng đất nước. Và muốn vậy, trước hết phải phát triển kinh tế. Tôi mong muốn sau này, mình sẽ thành lập một công ty về hóa chất, góp phần phát triển nền công nghiệp nước nhà.
Sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội Nguyễn Như Quỳnh nói: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ-bác sĩ Ðặng Thùy Trâm có lý tưởng là sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để góp phần tiêu diệt quân thù xâm lược, thống nhất đất nước và đó là lý tưởng chung của thanh niên thời kỳ đó. Ngày nay, cùng với việc phát triển kinh tế, việc chung sức cùng cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng. Và phong trào Thanh niên tình nguyện được các cơ sở đoàn và đông đảo đoàn viên, thanh niên thực hiện trong 6 năm qua chính là môi trường để các bạn trẻ thể hiện lý tưởng của mình. Tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện, mỗi bạn trẻ đang xây dựng cho mình lối sống đẹp-sống có ích.
Quỳnh tâm sự: Là một sinh viên ngoại ngữ, tôi mong muốn được giới thiệu những hình ảnh của Việt Nam với bạn bè thế giới; cống hiến những tri thức được học tại nhà trường đưa đất nước mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển và hội nhập. Ðó chính là lý tưởng của sinh viên đai học ngoại ngữ chúng tôi.
Ðến từ Trường đại học Nông nghiệp I, sinh viên Doãn Thanh Tâm nêu rõ: Chủ đề của đợt sinh hoạt chính trị: Sống, chiến đấu, học tập và noi gương Bác Hồ vĩ đại của T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phát động chính là lý tưởng của tôi và nhiều bạn sinh viên khác cùng trường. Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích là một hoạt động thật sự bổ ích và quan trọng đối với thanh niên, sinh viên trong thời kỳ mới. Tôi luôn mong rằng sống đẹp-sống có ích sẽ được bắt đầu từ một người rồi lan rộng ra cả một tập thể và cao hơn là cả một thế hệ. Ðược như vậy, tuổi trẻ Việt Nam sẽ thực sự xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Ðồng tình với suy nghĩ của Doãn Thị Tâm, sinh viên Trường đại học Xây dựng Lê Xuân Trung cho rằng: Ðể có thể sống đẹp-sống có ích và lan truyền lối sống đó đến tất cả mọi người, trước hết, mỗi bạn trẻ phải cố gắng, nỗ lực trong từng ngày, xây dựng cho mình một ý thức làm những việc tốt, rèn luyện bản lĩnh đấu tranh chống lại những cạm bẫy, tệ nạn xã hội trong cuộc sống. Ðó chính là nhân tố quan trọng giúp các bạn trẻ trưởng thành.
Cùng mạch suy nghĩ này, đến từ Trường đại học Ngoại thương, sinh viên Phi Hùng khẳng định: Muốn sống đẹp-sống có ích, sống có lý tưởng cách mạng, trước hết, mỗi sinh viên cần phải biết "chiến đấu" để chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng những cám dỗ tiêu cực trong cuộc sống thường nhật, kiên quyết rời xa và chống lại các tệ nạn xã hội. Hùng cho rằng: Nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là học tập, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức. Ðó là hành trang quan trọng nhất giúp mỗi sinh viên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và chính bản thân mình. Mỗi bạn trẻ muốn thành công phải trải qua quá trình học tập, lao động nghiêm túc, hết sức mình.
Lê Công Hợp, nam sinh viên quê hương Bác Hồ, đến từ Trường đại học Xây dựng đã làm "nóng" diễn đàn với câu chuyện rất chân thực về hoàn cảnh gia đình mình và trăn trở: Quê hương Nghệ An của tôi còn nghèo lắm và có biết bao bạn trẻ khác học rất giỏi, thi đỗ vào các trường đại học với số điểm rất cao nhưng không thể đến trường. Hợp mong muốn Ðảng, Nhà nước có những chính sách cụ thể, thiết thực giúp đỡ những bạn trẻ nghèo khó nhưng học giỏi được đến trường, được học tập và cống hiến cho đất nước.
Sinh viên Trường đại học Công đoàn Nguyễn Thị Hương tâm sự: Trước khi ra Hà Nội học đại học, bố tôi có nói: Khi chưa có kiến thức, con hãy xem quê hương mình như "chùm khế chua" và con hãy học tập thật tốt để trở về xây dựng quê hương. Mang theo những lời tâm tình của người cha vào giảng đường đại học, Hương đã nỗ lực học tập hết mình và mong muốn sau này ra trường sẽ trở về Thái Bình còn nghèo khó để góp sức trẻ xây dựng, làm giàu quê hương. Nguyễn Thị Hương tha thiết bày tỏ mong muốn: Ðảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến những bạn trẻ nghèo học giỏi và đầu tư, phát triển giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Trò chuyện với các bạn thanh niên, sinh viên tham gia Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Khoa Ðiềm khẳng định: Việc tổ chức Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích là một sáng kiến, một hoạt động bổ ích, có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, với thanh niên trong thời điểm mà cả xã hội đang trông chờ, hy vọng vào những đóng góp của thế hệ trẻ cho Tổ quốc. Tuổi trẻ nói chung và những bạn trẻ tuổi 20 hôm nay luôn có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Thanh niên, sinh viên Việt Nam hiện nay được xã hội chăm lo, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí và có những triển vọng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian tới, các bạn trẻ có nhiều cơ hội đóng góp trí tuệ và sức trẻ bởi đất nước sẽ có nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Ðể đáp ứng được nhu cầu đó, thanh niên, sinh viên cần nỗ lực học tập, sáng tạo và nghiên cứu. Tấm gương của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Ðặng Thùy Trâm đã không chỉ thu hút, làm thay đổi suy nghĩ của thanh niên Việt Nam mà còn của các bạn trẻ quốc tế. Những tấm gương đó sẽ còn sáng mãi với thanh niên và là động lực thúc đẩy các bạn trẻ sống đẹp-sống có ích.
Ông Nguyễn Khoa Ðiềm đề nghị: Tuổi trẻ hôm nay cần hướng tới những điều mà Tổ quốc và nhân dân đang cần, đang mong đợi; xây dựng cho mình ý thức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Cao Thanh Bình tâm sự: Một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay của thanh niên và sinh viên là việc làm ổn định. Không có việc làm là nhân tố dẫn đến rất nhiều tệ nạn xã hội, vấn đề tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến các bạn trẻ. Chúng tôi rất cần một diễn đàn nói về việc làm cho thanh niên để từ đó đề nghị Ðảng, Nhà nước quan tâm, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Bạn Hà Quang Hưng, sinh viên Trường đại học Mỏ-Ðịa chất nêu rõ: Việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là vấn đề được chúng tôi mong mỏi và quan tâm nhất. Tuy vậy, mỗi sinh viên cần phải có ý thức sau khi tốt nghiệp hãy trở về quê hương của mình để làm việc, lao động và cống hiến. Hiện nay, rất nhiều bạn sau khi ra trường đã "kiên quyết bám trụ" ở Hà Nội để có được việc làm kể cả không phù hợp chuyên môn. Hưng đề nghị: Góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên, Ðoàn, hội tại các nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền đạo đức, lối sống cho các bạn trẻ. Cần xây dựng trong mỗi sinh viên ý thức, tinh thần sẻ chia vì cộng đồng, sẵn sàng đến những vùng sâu, vùng xa nhận công tác, giúp đỡ nhân dân phát triển đời sống. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, rèn luyện thể chất cho sinh viên cần được các cơ quan chức năng quan tâm.
Nữ sinh viên Dương Mai Khoa của Trường đại học Công đoàn bày tỏ lòng cảm phục sâu sắc đối với một người bạn của chị sau khi tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện về nhận công tác tại một xã khó khăn của huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Khi nghe bạn mình kể về những ngày tháng công tác tại đây, Minh Hoa tự cảm thấy xấu hổ khi mình còn hướng về cuộc sống hưởng thụ mà không có được tinh thần và ý chí "mình vì mọi người" như người bạn đó. Minh Hoa mong mốn: Ðoàn, hội trong nhà trường cần có những chương trình hoạt động thiết thực khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần tình nguyện trong sáng, vì cộng đồng của thanh niên, sinh viên, đồng thời mong Ðảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Sống thiếu lý tưởng, không có ý chí phấn đấu, ích kỷ, chỉ nghĩ đến những quyền lợi của bản thân mình, vi phạm pháp luật, vướng vào các tệ nạn xã hội... đang là một thực trạng nóng bỏng trong sinh viên là ý kiến thẳng thắn của Thân Thị Thảo, sinh viên Trường đại học Mỏ-Ðịa chất nêu lên tại Diễn đàn. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn trẻ khác và cho rằng: Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng, xây dựng sân chơi, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của các cấp bộ đoàn, hội trong nhà trường còn không ít bất cập và hạn chế.
Cùng tham gia giao lưu, trao đổi với các bạn sinh viên tại Diễn đàn, thầy giáo Trần Trọng Cao, nhạc sĩ Huy Thục và nhà văn Chu Lai đã kể những kỷ niệm, câu chuyện không thể quên của mình trong những ngày sống, chiến đấu và sáng tác tại chiến trường ác liệt. Thầy Trần Trọng Cao tham gia TNXP khi mới 17 tuổi và đã bị cưa một chân tại chiến trường. Vượt qua những mất mát của bản thân, khi chiến tranh kết thúc, chàng thanh niên Trần Trọng Cao năm xưa không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu và đã trở thành một người thầy giáo. Thầy Cao đã sang Mỹ để tham gia chặng đua ma-ra-tông dài 42 km và thầy đã thành công với quyết tâm: Dù bị thương, bị tàn tật vì bom đạn chiến tranh nhưng những người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn giữ vững phẩm chất và lý tưởng cách mạng, không ngừng vươn lên khẳng định giá trị của mình và giá trị bất diệt của một dân tộc kiên cường, bất khuất. Thầy cho rằng: Khi mỗi người sinh viên muốn chia sẻ, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, vất vả thì người sinh viên đó đã biết sống đẹp-sống có ích.
Sau khi cùng cả hội trường hát vang ca khúc "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: Ðể viết được những ca khúc kháng chiến đi vào lòng người, người nghệ sĩ cần phải bám trụ thực tế của cuộc chiến tranh, phải biết hòa mình trong khí thế chung của cả dân tộc. Tuổi trẻ ngày nay cũng vậy, muốn thành công trước hết phải biết bám sát thực tế cuộc sống, biết học tập và lao động đích thực.
Với những mẩu chuyện nhỏ, những kỷ niệm tuổi 20 của mình, nhà văn Chu Lai đã góp thêm cho Diễn đàn một không khí vui vẻ, đồng thời, từ những buổi giao lưu với thanh niên, từ những ngày tháng sáng tác của mình, nhà văn Chu Lai khẳng định: Thế hệ trẻ hôm nay luôn luôn mang trong mình lòng tự tôn dân tộc, lối sống đẹp-sống có ích và tinh thần đó sẽ được phát huy mạnh mẽ khi được "tiếp lửa".
Ông Ðào Duy Quát cũng đem đến Diễn đàn câu chuyện về Bộ đội phòng không - không quân thông minh, anh dũng, quả cảm đã bắn rơi nhiều máy bay B52 hiện đại, tối tân trong những ngày tháng chống giặc Mỹ ném bom miền bắc và chuyện về những người thanh niên xã Nam Cường của tỉnh Thái Bình quyết tâm làm giàu quê hương bằng ý chí và nghị lực. Ðồng thời khẳng định: Ðể có thể trưởng thành trong cuộc sống và sự nghiệp, các bạn thanh niên, sinh viên cần có năng lực, bản lĩnh, lý tưởng sống và tinh thần sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Kết thúc Diễn đàn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Ðào Ngọc Dung khẳng định: Những ngày qua, đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống-Mãi mãi tuổi hai mươi" đã được tổ chức rộng rãi ở các cấp bộ Ðoàn, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy, nông thôn, thành thị... có sức hấp dẫn đối với đông đảo thanh niên. Cùng nhiều hoạt động hữu ích khác trong đợt sinh hoạt này, Diễn đàn "Tiếp lửa truyền thống-Mãi mãi tuổi hai mươi" đã góp phần "truyền lửa" vào những tâm hồn trẻ, khơi dậy bầu không khí sôi động, đậm chất cách mạng, lan tỏa mạnh mẽ và tạo ra hiệu ứng xã hội sâu rộng. Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp báo Nhân Dân mở Diễn đàn "Tuổi trẻ sống đẹp-Sống có ích" trên báo Nhân Dân.
Tất cả những hoạt động đó là nội dung thiết thực và cụ thể trong cuộc vận động lớn của toàn Ðoàn chúng ta: "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Trước buổi hôm nay, Diễn đàn đã được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, chuyên mục trên báo Nhân Dân đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc các đối tượng, các lứa tuổi, vùng miền khác nhau.
Xoay quanh diễn đàn, đã có những ý kiến từ nhiều phía nhằm trao đổi, học tập, làm sáng tỏ và sâu sắc những giá trị nhân văn cao cả trong lý tưởng, tâm hồn và cuộc sống của những liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Ðặng Thùy Trâm; những nội dung thiết thực đặt ra cho công tác giáo dục thanh thiếu niên hiện nay; và nhiều ý kiến của những người quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thông qua các diễn đàn, chúng ta đã có nhiều sáng kiến, nhiều việc làm hữu ích với nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi: giúp đỡ các gia đình chính sách, chăm sóc và làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ, ủng hộ xây dựng bệnh xá Ðặng Thùy Trâm, phát động xây dựng các công trình thanh niên mang tên các anh hùng liệt sĩ...
Và hôm nay, trong thời kỳ đổi mới, thế hệ trẻ Việt Nam đang viết tiếp những trang sử hào hùng ấy. Khát vọng xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh theo con đường chủ nghĩa xã hội cũng sẽ mãnh liệt và đầy thôi thúc như khát vọng giành độc lập dân tộc của thế hệ cha anh năm xưa. Dấu chân và mầu áo tình nguyện của thanh niên đang phủ xanh khắp mọi miền Tổ quốc, từ Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh biên giới, từ miền núi phía bắc đến các bản làng nghèo khó, vùng sâu, vùng xa... cuộc sống của người dân nghèo đang từng bước cải thiện, lòng tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước ngày càng vững chắc, điều đó có phần đóng góp của thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Lửa truyền thống đang cháy trong tim mỗi bạn trẻ. Thực tế sinh động của cuộc sống đã khẳng định "Sống đẹp-sống có ích" không phải là những gì xa lạ với thanh niên mà đang hiện hữu trong chính việc học tập, công tác, sinh hoạt hằng ngày của hàng triệu thanh niên. Nét đẹp trong từng hành vi ứng xử, lời nói, việc làm cần được nuôi dưỡng để trở thành thói quen, tính cách, tạo nên nhân cách của mỗi người trẻ tuổi. Sâu sắc hơn, sống đẹp-sống có ích chính là sống có lý tưởng, bản lĩnh và trí tuệ, xứng đáng là người thanh niên tiên tiến trên tất cả các phương diện: người công dân tốt, nhà chuyên môn giỏi, thành viên hữu ích của cộng đồng. Nghĩa là phấn đấu đạt tới phẩm chất "Vừa hồng, vừa chuyên" như Bác Hồ đã dạy.
Nhân dịp này, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn mong muốn và tin tưởng rằng, các diễn đàn "Tiếp lửa truyền thống-Mãi mãi tuổi hai mươi", "Tuổi trẻ sống đẹp-sống có ích" sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng và thiết thực trong tất cả các đối tượng thanh niên, nhất là trong học sinh, sinh viên.
BANCHÍNH TRỊ-XÃ HỘI
|