Chết cho đồng nghiệp được sống
13h30, ngày 8/12, chúng tôi có mặt tại khu vực nhà xác, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đúng lúc các cán bộ ở Trung tâm Cấp cứu mỏ Quảng Ninh đang tắm rửa thi thể cho anh Trần Văn Thản, là nhân viên cấp cứu mỏ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ các công nhân gặp nạn.
|
Đồng nghiệp đang đưa thi thể anh Trần Văn Thản về quê mai táng. |
Hai người đồng nghiệp vừa cẩn thận dùng khăn ướt lau sạch những vết than đen dính trên cơ thể anh, vừa gạt những giọt nước mắt đang làm tan bụi than bám trên mặt họ. Vừa tắm gội lần cuối cho thi thể người đồng nghiệp xấu số trước khi về với đất mẹ, họ vừa phải kìm nén nỗi đau tận cùng.
Bên ngoài nhà xác, các đồng nghiệp của anh vẫn nguyên bộ trang phục cứu hộ ám đầy bùn than, đầy mùi cháy khét của vụ nổ trên da mặt, đứng hàng dài ngậm ngùi tiễn đưa anh khi chiếc xe của trung tâm đến đưa thi thể anh về quê mai táng.
Anh Thản quê tận Tứ Kỳ, Hải Dương. Do sự hy sinh của anh quá bất ngờ (hít phải nhiều khí độc khi cứu hộ) nên đến khoảng 1h30 chiều cùng ngày, gia đình anh chưa có mặt được. Lúc này chỉ có người thân duy nhất là người em trai Trần Văn Thường, công nhân Cty than Khe Chàm có mặt bên anh. Anh Thường cho biết, hai anh em anh cùng ra vùng đất mỏ này để mưu sinh mấy năm nay. Anh Thản làm nhân viên cấp cứu mỏ, còn anh là thợ mỏ. Nỗi đau này với gia đình anh là quá lớn. “Cũng may trong ca xuống lò hôm đó không có em. Nếu không thì không biết điều gì đã xảy ra nữa”- anh Thường nói.
4h chiều cùng ngày, trước cửa khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, hàng trăm người thân của các công nhân bị nạn trong vụ nổ đang được cấp cứu ở đây, hoang mang tận cùng. Nhiều nạn nhân bị sức nóng của vụ nổ đốt cháy da thịt và hất văng khiến bị đa chấn thương.
Nghe bác sỹ nói chồng mình có nhiều khả năng không qua khỏi vì anh bị thương quá nặng và đang trong tình trạng hôn mê sâu, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, vợ của nạn nhân Đào Ngọc Hải không còn đứng vững trên đôi bàn chân. Chị ngồi thụp xuống ban công bệnh viện. “Anh ơi, đừng bỏ mẹ con em. Con chúng mình vẫn còn nhỏ. Mẹ con em biết bấu víu vào đâu!”- chị Huyền khóc.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, vợ nạn nhân Đào Ngọc Hải gần như mất hết hy vọng khi biết chồng bị thương quá nặng. |
Trong khoa cấp cứu, anh Hải hôn mê sâu. Phần da ở đầu và mặt của anh bị đốt cháy. Toàn thân anh được các bác sỹ cuốn băng trắng toát. Đường đồ hoạ trên chiếc máy điện tim đồ chạy chầm chậm. Anh Hải đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Vợ chồng anh mới có một con gái 5 tuổi. Anh là lao động chính, nguồn sống của cả nhà.
Đứng bên cạnh chị Huyền là một người phụ nữ trông gần 60 tuổi. Bà đến đây từ sáng sớm, con rể bà cũng đang bị thương nặng và đang từng phút giành giật sự sống ở khoa cấp cứu của bệnh viện. Mỗi lần có bác sỹ từ trong phòng cấp cứu đi ra, chân bà như díu lại, ánh mắt dáo dác. Có lẽ bà rất muốn hỏi thăm tình trạng con rể của mình nhưng ngần ngại vì không biết bác sỹ sẽ thông báo tin tốt hay tin xấu.
|
Nước mắt mẹ đang chảy vì lo con mình có thoát khoải tay thần chết hay không? |
Đầu và tay băng kín, chỉ còn hở đôi mắt, anh Đoàn Công Huy, SN 1977, quê ở Hải Phòng, là một trong những nạn nhân đã may mắn thoát chết sau nhiều giờ hôn mê. Anh Huy đã tỉnh và biết mình còn sống. Ngồi bên cạnh giường bệnh của anh, người vợ trẻ Phạm Thị Hảo lặn lội từ Hải Phòng đến chăm sóc chồng. Rất muốn nói điều gì đó với vợ và con nhỏ nhưng anh Huy không thể nói được. Khi được hỏi về vụ nổ, ánh mắt của anh lộ vẻ kinh hoàng.
Nằm cùng phòng với anh Huy còn có các công nhân khác là Đinh Văn Hưng, Nguyễn Công Cường với băng bó khắp người và những vết cháy đen trên mặt. Những công nhân bị nạn này đang chờ để được đưa lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục cứu chữa.
Sẽ khủng khiếp hơn nếu...
Nằm trên giường bệnh, anh Vũ Hồng Chung ở tổ cơ điện bàng hoàng khi nhớ lại diễn biến của vụ nổ. Khi anh đang làm việc ở độ sâu khoảng gần 180m cùng với các công nhân khác thì nghe thấy một tiếng nổ khô đặc. Trong tích tắc anh bị hất tung trên đường lò. Trước mắt anh tất cả đều đen kịt, mũ, ủng, trang bị thợ mỏ anh mang theo bị hất văng. Đường lò tràn ngập sức nóng khủng khiếp. Lết được vài bước theo đường ray để tìm đường sống, anh Chung gục ngất sau khi nghe thấy những tiếng kêu cứu thất thanh và rồi lịm dần của các đồng nghiệp.
Theo các công nhân của Cty than Khe Chàm thì trong đau thương cũng có những may mắn. Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ nổ này xảy ra vào ngày Chủ nhật, do là ngày nghỉ nên công nhân của Cty than Khe Chàm được nghỉ nhiều. Theo đánh giá của những người có mặt tại vụ nổ, nếu vụ nổ xảy ra vào những ngày đi làm bình thường trong tuần thì mức độ thương vong còn khủng khiếp hơn nhiều, con số này người ta không dám nghĩ đến.
Có mặt tại cửa lò khai thác than Khe Chàm chiều 8/12, chúng tôi chứng kiến những nỗ lực cứu hộ vẫn được diễn ra. Khoảng 18 giờ đồng hồ sau vụ nổ, theo đánh giá của các cán bộ cứu hộ thì trong khu vực đường lò, nhiều nơi sức nóng vẫn ở trên 50oc. Tại tâm của vụ nổ khi xảy ra, nhiệt độ có thể lên đến cả nghìn độ.
Xác định vào lò là rất nguy hiểm, nhưng từng tốp công nhân cứu hộ vẫn tiếp tục đi vào... tử địa, những mong tìm thấy nạn nhân cuối cùng là anh Phạm Xuân Hiện, SN 1976, quê Hưng Hà, Thái Bình. Hy vọng anh Hiện còn sống lúc này là bằng không. Mặc dù vậy những công nhân cứu hộ vẫn quyết tìm bằng được anh để đưa thi thể anh về với gia đình, mặc dù đổi lại họ có thể tiếp tục phải trả giá bằng tính mạng.
4h sáng ngày 9/12 thi thể của nạn nhân cuối cùng là anh Phạm Xuân Hiện cũng đã được tìm thấy và đưa ra khỏi tử địa.