Teen lập 'phòng tuyến' đối phó cha mẹ
Các Website khác - 18/12/2008
Được ba chở đến trường, cô con gái ngoan ngoãn chào "thưa ba con đi học". Ngay sau khi cha khuất bóng, cô bé liền nhắn tin cho bạn trai tới đón đi chơi. Thật không may cô bé nhắn nhầm vào máy của cha mình.

Tin nhắn này đã làm bố "tá hỏa" về cô con gái mà lúc nào vợ chồng ông cũng xem như còn rất bé bỏng. Đó là một trong những tình huống được chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai đưa ra trong buổi nói chuyện hôm qua với các phụ huynh học sinh ở một số trường THCS tại TP HCM về một thực tế hiện nay là nhiều bậc cha mẹ không hiểu con mình nghĩ gì, làm gì và làm thế nào để cha mẹ và con cái gần nhau hơn.

Tại đây, nhiều phụ huynh đã thẳng thắn chia sẻ những tình huống khó xử trong cuộc sống hằng ngày với con cái của mình.

"Mải lo chuyện làm ăn con gái em nghiện chơi game từ khi nào không hay, cho đến khi tiền trong nhà bị mất mới biết cháu đi đánh điện tử. Nhiều lần bỏ học đi chơi game không về nhà, hôm qua bố cháu đi tìm đến 10 giờ đêm mà không thấy, bây giờ cháu ở đâu cả nhà cũng không biết", chị Tuyết nức nở tâm sự về con gái lớn của mình.

Chị là phụ huynh của một học sinh lớp 9 trường THCS Tân Bình, phát hiện con gái lớn chơi game từ khi học lớp 8 và rủ cả cô em cùng chơi. Cô gái út còn nhỏ nên ba mẹ khuyên răn và từ bỏ được còn cô con gái đầu thì đã bị "bỏ bùa" với môn giải trí này. Vì nghiện chơi game con gái chị đã thường xuyên bỏ học, thậm chí đã lấy trộm tiền của bố mẹ để thỏa mãn đam mê của mình.
 

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ với các phụ huynh. Ảnh: VnExpress.

 
Trước đây chị Tuyết lo đi làm không để ý được con cái, từ khi biết con bỏ bê chuyện học hành chị đã phải bỏ làm, ở nhà quản lý con nhưng cô bé ngày càng lún sâu vào mà chưa có cách nào giải quyết.

Cũng giống như chị Tuyết, anh Tường, phụ huynh của một học sinh lớp 7 chia sẻ về đứa con trai đã bỏ học từ lâu cũng vì ham mê chơi game. "Nó tiếp bạn cũng chỉ toàn ở ngoài đường ngoài quán, chứ không khi nào vào nhà. Chúng tôi nắm bắt được, thử tâm sự với con nhưng không được. Công việc thì bận bịu nên không thể quản lý hết được những việc con làm", anh Tường chia sẻ.

Một phụ huynh khác thì tâm sự về cậu con trai cả không hợp tính với cha lại không học giỏi bằng các em nên hai cha con luôn khắc khẩu, không bao giờ ngồi nói chuyện với nhau. Chính vì vậy, thằng con chán nản hay uống rượu và nhậu nhẹt với bạn bè. Mối quan hệ cha con thì ngày càng trở nên căng thẳng.

Nhiều bậc phụ huynh khác cũng bày bỏ trăn trở về quan hệ hằng ngày giữa cha mẹ, con cái còn không ít những vướng mắc và tình huống khó xử mà bản thân cha mẹ không có cách nào để gỡ rối, nhất là đối với lứa tuổi trẻ đang lớn.

Trao đổi với các phụ huynh, chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai cho biết, ngày nay giới trẻ chịu nhiều tác động từ xã hội, trong đó có nhiều vấn đề tâm lý mà cha mẹ không thể kiểm soát hết được. Ở tuổi mới lớn, tâm lý của các em chưa ổn định và những hiểu biết xã hội còn nhiều hạn chế nên luôn cần người lớn chỉ dẫn. Điều đó làm phụ huynh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái. Điều này càng phức tạp hơn trong xã hội hiện đại, khi cha mẹ luôn bận rộn với việc mưu sinh. Điều này vô hình chung tạo nên khoảng cách ngày càng xa hơn giữa những thành viên trong gia đình và việc giáo dục con của các bậc phụ huynh khó có thể thực hiện trọn vẹn.

Hầu hết các ông bố bà mẹ khi sinh con ra đều nói cha mẹ làm tất cả là vì con cái, nhưng lại không biết lo như thế nào, nhiều ông bố bà mẹ phó mặc con cái chỉ lo kiếm được nhiều tiền. Không ít trường hợp con cái phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm, quan tâm của cha mẹ dẫn đến hư hỏng, thậm chí vợ chồng còn mâu thuẫn trầm trọng. Những người làm cha làm mẹ phải biết sắp xếp cuộc sống của gia đình để con cái có thể trò chuyện chia sẻ, giúp con gỡ rối những vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày.

Cha mẹ phải làm sao để cho con cái thấy rằng mình đang được sống trong sự yêu thương của cha mẹ để các em không cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Đồng thời cũng phải biết lắng nghe để hiểu con, từng bước nhẹ nhàng trò chuyện khuyên răn khi con mắc sai lầm, hướng cho con đường đi đúng đắn, không nên nặng lời hay la mắng. "Điều này không phải dễ nhưng nếu muốn con cái vượt qua được thử thách trong chặng đường, từng bước trưởng thành thì cha mẹ phải luôn gần gũi và đồng hành cùng con", Bà Mai nhấn mạnh.
 
Theo VnExpress