Xuất khẩu lao động năm 2009: Hướng nào cho 90.000 người?
Các Website khác - 18/12/2008
 Mục tiêu trong năm 2009, Việt Nam sẽ đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Đối tác ngưng giữa chừng

Ngay sau khi Bộ LĐ-TB&XH đề ra chỉ tiêu đưa 9 vạn lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2009, đã có nhiều ý kiến phản hồi. Đại bộ phận cho rằng chỉ tiêu đó là có thể thực hiện được, nhưng trước mắt cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nhiều khâu không thuộc khả năng của chúng ta. Khó khăn thứ nhất là các đối tác tiếp nhận lao động Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số nhà máy, xưởng sản xuất hàng xuất khẩu như điện tử, may mặc tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... đang gặp khó khăn hoặc phá sản.
 

Lao động nghe phổ biến quy chế trước lúc làm thủ tục xuất cảnh. Ảnh: VnEconomy.

Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, ông Nguyễn Bá Hải cho biết, có thể 200 lao động Việt Nam tại Đài Loan sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì các xưởng sản xuất gặp khó khăn. Theo hợp đồng và luật pháp lao động ở vùng lãnh thổ này thì mỗi lao động khi bị ngừng trước thời hạn có thể nhận tiền hỗ trợ để về nước (mỗi năm lao động được trả 1 tháng lương và trả tiền vé máy bay); Hoặc họ có thể ở lại thêm 60 ngày để chờ Cục lao động địa phương bên đó giúp chuyển việc làm sang doanh nghiệp khác.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đưa ra thông tin kém vui hơn khi “một số doanh nghiệp nước ngoài dù đã ký hợp đồng nhận lao động với AIC nhưng đã phải dừng không tiếp nhận lao động nữa. Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các công xưởng ở Đài Loan, Malaysia... Hiện có khoảng 200 người có khả năng sẽ bị về nước trước thời hạn hợp đồng và AIC đang tìm mọi cách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng chia sẻ rằng, dự báo của các chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ dẫn đến khủng hoảng thị trường việc làm không chỉ trong nước mà cả thị trường xuất khẩu lao động do sản xuất giảm. Sang năm 2009, tác động của suy thoái kinh tế đến thị trường lao động cả trong và ngoài nước mới thật sự rõ rệt.

Thị trường Nhật “rộng cửa”

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để khắc phục khó khăn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2009, các địa phương, các ngành cần nắm chắc nhu cầu việc làm. Các ban quản lý lao động ở nước ngoài sẽ họp để nắm cho được tình hình lao động có khả năng phải về nước; các ban quản lý cũng cần tìm hiểu chi tiết xem chính sách của phía bạn có gì để hướng dẫn cho doanh nghiệp sao cho quyền lợi người lao động được đảm bảo.

Thêm vào đó, cần chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng. Ví như tại Nhật Bản hiện mới có khoảng 6.000 lao động Việt Nam, song thị trường này có thể tiếp nhận 10.000 lao động/năm trở lên.

Một hướng đi khác là cần gắn chặt dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Cả nước hiện có 61 huyện nghèo trên cả nước, các huyện này sẽ được ưu tiên áp dụng chính sách ưu đãi tối đa để đào tạo nghề cho thanh niên. Không chỉ miễn phí đào tạo mà tiến tới hỗ trợ cả kinh phí ăn ở để họ chuyên tâm học nghề.  
 
NT