Thành đạt với nghiệp xích lô
Các Website khác - 04/01/2006
Ông Đỗ Anh Thư và vợ
trên chiếc xích lô đã khởi đầu
sự nghiệp của mình.
Đầu năm 2006, ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH du lịch xích lô Sans Souci đã được tạp chí của Ngân hàng Phát triển châu Á bình chọn là một trong 10 người nghèo vượt khó thành công nhất Việt Nam. Nhân dịp này, ông có cuộc trò chuyện về những bước thăng trầm của đời mình.
* Thưa ông, tên gọi Sans Souci có nghĩa là gì?

- "Sans Souci" (tiếng Pháp) có nghĩa là "Đừng lo âu". Đây là câu cửa miệng của người Pháp khi muốn động viên một ai đó. Tại Việt Nam, giao thông còn tệ quá, nhưng để thể hiện lòng hiếu khách, tôi luôn hy vọng, nếu đi xích lô Sans Souci, khách du lịch sẽ cảm thấy yên tâm hơn và được tận hưởng không khí bình yên của Hà Nội...

* Từng là người lái xe dũng cảm của binh đoàn Trường Sơn thời chống Mỹ và có bằng cử nhân sư phạm, nhưng sao ông lại gắn cuộc đời mình với cái nghiệp xích lô?

- Sau khi rời tay lái chiến trường, tôi đã thi đậu khoa Sử, Đại học Sư phạm 1. Năm 1981, tôi đã tốt nghiệp với điểm cao và được nhà trường gửi hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để Sở phân công công tác. Tuy nhiên, sau ba - bốn năm kiên trì liên hệ, tôi vẫn không nhận được hồi âm. Trong thời gian chờ đợi, hai đứa con gái lần lượt ra đời, cuộc sống khó khăn quá khiến tôi quyết định đạp xích lô để có thêm thu nhập.

Đầu tiên là vợ, sau đó cả gia đình tôi là những giáo sư, bác sĩ, nhà giáo sống ở Hà Nội tới sáu đời đã phản đối kịch liệt. Họ cho rằng, nghề đạp xích lô chỉ dành cho những người không học hành, không nghề nghiệp. Nhưng với tôi đây là một nghề lao động rất đáng trân trọng và đồng tiền tôi kiếm ra bằng chính mồ hôi của mình, thì có gì phải hổ thẹn. Dù bị mọi người trong nhà "cười", tôi vẫn quyết định mua một chiếc xích lô với giá hai chỉ vàng. Hàng ngày tôi chở hàng trong các khu phố cổ và đón khách tại các tụ điểm công cộng của Hà Nội. Tôi đã nghĩ một ngày nào đó, mức sống khá lên, tôi sẽ bỏ cái nghề này và lại đi dạy học.

Những năm 90, người nước ngoài đến Việt Nam mà tìm được một người lái xe biết ngoại ngữ là rất khó. Họ còn rất e dè khi nhìn thấy những chiếc xích lô thô kệch. Một lần, thấy bà khách nước ngoài đang hỏi đường, tôi đã chủ động chào bà bằng tiếng Pháp và mời đi xích lô của tôi. Bà khách tỏ ra rất thân thiện, tôn trọng nghề đạp xích lô của tôi và còn trả thù lao hậu hĩnh. Bà đã ở Việt Nam tới tám tháng để xin nhận con nuôi và chỉ tín nhiệm đi xích lô của tôi. Sau này, khi về Pháp, bà đã tặng tôi nhiều quà lưu niệm và còn giới thiệu bạn bè khi sang Việt Nam, tới Hà Nội là tìm tới tận nhà tôi ở Ngõ Phất Lộc để đi xích lô.

* Và ông thực sự khởi nghiệp bề thế khi nào?

- Năm 1989, tôi thành lập đội xích lô Sans Souci chỉ có bảy người. Mỗi ngày, sau các chuyến chở khách, chúng tôi lại cùng góp vào 5.000 đồng để cuối tháng mua thêm những tấm inox hay vải giả da, nệm mút để trang trí cho xe thêm đẹp. Xe xích lô đẹp, các bác tài lại biết ngoại ngữ xã giao, tận tình phục vụ khách khiến xích lô Sans Souci đi lên trông thấy. Bất ngờ, khi tổ xe của chúng tôi đang hoạt động có hiệu quả thì năm 2000, lãnh đạo TP Hà Nội ra quyết định "Cấm xích lô đi trên địa bàn Hà Nội".

Lúc này, tôi cũng như bao người đạp xích lô và kiếm sống bằng cái nghề này từng ứa nước mắt. Tôi quyết định không thể bỏ chiếc xích lô và bỏ nghề, mà phải cứu lấy những người lao động chân chính. Rất may, trong chính cái quyết định của UBND TP Hà Nội lại không cấm xích lô du lịch, nên tôi đã phải gõ cửa nhiều cơ quan để xin thành lập một công ty xích lô du lịch đầu tiên của Hà Nội. Tôi trở thành giám đốc và các nhân viên của tôi chính là những người sống bằng nghề đạp xích lô.

* Do đâu xích lô Sans Souci tạo một dấu ấn đẹp trong lòng khách du lịch ?

- Để hình ảnh Việt Nam luôn đẹp và thanh lịch trước mắt bạn bè quốc tế, tôi đã tự soạn ra một bản nguyên tắc để các thành viên của xích lô Sans Souci thuộc lòng như: phải biết xã giao bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; thái độ phục vụ khách nhiệt tình, không xin tiền "boa"; không tham lam khi khách để quen đồ. Đặc biệt phải làm việc thiện: khi gặp tai nạn giao thông, phải đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu và bảo vệ tư trang cho họ; đưa người già và trẻ em qua đường; gặp cướp phải đuổi bắt ... Nếu thành viên nào vi phạm đều phải nộp tiền và số tiền này hàng năm gửi vào Quỹ vì người nghèo của thành phố.

* Kỷ niệm vui trong nghề xích lô của ông?

- Tôi rất vui vì xích lô Sans Souci đã tạo được chữ tín với khách. Chính vì vậy, mặc dù chỉ là những người lao động bình dị nhưng tôi đã có vinh dự chở Thủ tướng CH Czech Milos Zeman và phu nhân đi thăm phố cổ Hà Nội vào năm 1999. Sang năm 2000, theo dự kiến, chúng tôi lại được tín nhiệm chở Tổng thống Mỹ, phu nhân và con gái khi họ có ý định đi thăm khu phố cổ bằng xích lô. Nhưng rất đáng tiếc, kế hoạch lại thay đổi.

* Ông thường dạy các con gái của mình điều gì?

- Tôi luôn nói với các con: "Muốn thành công, phải nếm mật nằm gai!".

* Sang năm mới, ông có trăn trở gì với nghề xích lô?

- Tôi rất muốn hợp nhất các đoàn xích lô tại Hà Nội lại, sao cho quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn để nó thật sự trở thành một nghề vững vàng!

Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh