Vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Các Website khác - 04/01/2006
Lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1946 đến nay cho thấy quan điểm đúng đắn của Ðảng ta và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ quan đại diện của nhân dân: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và do đó là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trên các phương diện lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Quan điểm, tư tưởng đó đã được thể hiện nhất quán trong bốn bản Hiến pháp của Nhà nước ta. Khi bàn về chức năng quyết định của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định".

Cùng với chức năng lập pháp (kể cả lập hiến), những vấn đề quan trọng nhất của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội bao gồm ba nội dung chủ yếu:

Một là, các vấn đề về tổ chức và nhân sự cấp cao của Nhà nước, như: Thành lập, bãi bỏ các cơ quan trung ương trong bộ máy Nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn các chức vụ cao nhất của Nhà nước và những người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Hai là, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN; quyết định chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Nhà nước; quyết định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai của cả nước; quyết định chủ trương đầu tư các công trình quan trọng quốc gia.

Ba là, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, như quyết định: Vấn đề chiến tranh và hòa bình, phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế...

Trong ba nhóm vấn đề quan trọng nói trên thì việc quyết định các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước là nhiệm vụ có tính chất trọng tâm và thường xuyên của Quốc hội.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Nghị quyết Ðại hội Ðảng theo nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và tiếp đó, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm (Nghị quyết về nhiệm vụ hằng năm).

Khác với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính chất tập trung, bao cấp với các chỉ tiêu hiện vật là chủ yếu trước đây, kể từ khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các kế hoạch được xây dựng trên cơ sở các quy luật và cơ chế của thị trường, mang tính định hướng.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm gần đây nhất là kế hoạch 2001 - 2005 và tiếp theo là kế hoạch 2006 - 2010 phải căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và định hướng đến năm 2020, Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX và lần thứ X của Ðảng.

Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2005) với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ, giải pháp lớn của cả giai đoạn 5 năm và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức. Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch bao gồm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế và các chỉ tiêu về xã hội, trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu về tích lũy và tiêu dùng xã hội, vốn đầu tư phát triển, nhịp độ tăng trưởng GDP, chỉ tiêu về giá trị mới tăng thêm của các ngành kinh tế trọng yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ trong GDP), huy động vào ngân sách nhà nước, số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm, thu nhập và đời sống dân cư, chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Cụ thể hóa nội dung của kế hoạch 5 năm, hằng năm vào kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm tiếp theo (nội dung kế hoạch hằng năm được thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ của năm đó). Thông thường, Quốc hội thảo luận và quyết định hơn 10 chỉ tiêu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu được cân nhắc nhiều nhất là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng giá tiêu dùng, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Trong các chỉ tiêu phát triển hằng năm, Quốc hội ngày càng nhấn mạnh các chỉ tiêu về xã hội, chỉ tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và chất lượng tăng trưởng.

Một trong những nội dung kinh tế quan trọng theo quy định của Luật Ðất đai được Quốc hội quyết định gắn với Chiến lược và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội là quy hoạch sử dụng đất theo kỳ hạn mười năm và kế hoạch sử dụng đất theo kỳ hạn 5 năm. Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiện hành là Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2005. Tại kỳ họp trong năm 2006, cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Quốc hội sẽ xem xét thông qua kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010.

Khi nói đến vai trò của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng được nâng cao và đi vào thực chất thì phải khẳng định vai trò quyết định ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Cũng như Quốc hội, Nghị viện của các nước trên thế giới quyết định về ngân sách nhà nước là thẩm quyền hiến định của Quốc hội Việt Nam. Ðiều này đã được thể hiện trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo biên soạn: "Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài".

Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan và do điều kiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta trong các khóa trước đây, việc Quốc hội thảo luận và quyết định về ngân sách nhà nước (bao gồm dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách Nhà nước) chỉ mang tính thủ tục, hình thức. Ngay cả khi có Luật Ngân sách nhà nước năm 1996 thì Quốc hội chỉ quyết định phần dự toán, còn thẩm quyền phân bổ ngân sách của Quốc hội cũng giao lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một sự kiện có tính bước ngoặt để Quốc hội có thể thật sự thực hiện chức năng ngân sách của mình đó là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và tiếp đó Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 được ban hành. Theo các quy định của hiến pháp được sửa đổi, bổ sung và của Luật Ngân sách nhà nước mới, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội về ngân sách nhà nước rất cụ thể và không thể ủy quyền, đó là Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương. Về dự toán ngân sách nhà nước, Quốc hội quyết định tổng số thu NSNN (bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại) và tổng số chi ngân sách nhà nước (bao gồm chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương), trong đó quy định chi tiết theo các lĩnh vực chủ yếu như chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, Quốc hội quyết mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là hai lĩnh vực thuộc quốc sách hàng đầu. Quốc hội cũng quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước và nguồn bù đắp. Về phân bổ ngân sách trung ương, Quốc hội quyết định tổng số và mức chi từng lĩnh vực; dự toán chi của từng bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương theo từng lĩnh vực; mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng địa phương, bao gồm bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu.

Trong mấy năm gần đây, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương sau khi được Quốc hội xem xét, thảo luận đều được điều chỉnh tăng thu cho sát với thực tế; do đó vừa bảo đảm minh bạch, chủ động hơn trong cân đối, vừa có nguồn tăng chi thêm cho một số nhiệm vụ và các địa phương. Ngoài ra, cũng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, số tăng thu và tiết kiệm chi so với dự toán được giao phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản trước khi Chính phủ quyết định phương án sử dụng.

Việc Quốc hội thực hiện đầy đủ thẩm quyền của mình về ngân sách nhà nước bắt đầu từ năm ngân sách 2004 đã được nhân dân, các ngành, các cấp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đây là một biểu hiện cụ thể của quyền lực thật sự của Quốc hội, thể hiện sinh hoạt dân chủ, công khai, minh bạch của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Một trong những nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền và thể hiện vai trò ngày càng cao của Quốc hội đã được ghi trong Hiến pháp và các luật có liên quan, đó là việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các công trình quan trọng quốc gia.

Kể từ năm 1997 đến nay, Quốc hội khóa X và Quốc hội khóa XI đã quyết định chủ trương đầu tư năm công trình quan trọng quốc gia, đó là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Dự án khí - điện - đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; Phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La; Chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Hằng năm, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tình hình thực hiện từng công trình quan trọng quốc gia để Quốc hội có thể quyết định những chủ trương bổ sung, điều chỉnh nhằm thúc đẩy tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả và sớm đưa vào sử dụng.

Như vậy, những kết quả mà hoạt động của Quốc hội các khóa đã đạt được thông qua việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách đã minh chứng tính đúng đắn quan điểm của Ðảng ta và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao vai trò của cơ quan dân cử, đặc biệt là vai trò của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước đây và ngày nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp tục những thành tựu to lớn qua 60 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hành pháp và tư pháp, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Quốc hội nước ta nhất định sẽ tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp quy định trên mọi phương diện, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân cả nước.

NGUYỄN ÐỨC KIÊN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
và Ngân sách của Quốc hội