Thanh tra 3 lĩnh vực 'nóng' của ngành giáo dục
Các Website khác - 10/04/2006
Học sinh trong giờ thí nghiệm. (Tiền Phong)

Theo nguồn tin của VnExpress, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển vừa chỉ đạo thanh tra giáo dục tập trung kiểm tra gấp việc mua sắm thiết bị dạy học, dự án kiên cố hoá trường lớp và các dự án đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài. Công tác thanh tra phải hoàn tất trong tháng 6 tới.

Đối với các dự án đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay, tổ liên ngành đang tiến hành thanh tra toàn diện về giấy phép hoạt động, chương trình đào tạo, thu chi học phí... Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển yêu cầu Vụ Giáo dục Thường xuyên phải báo cáo hàng tuần với lãnh đạo Bộ về kết quả thanh tra.

Phát hiện sớm tiêu cực trong kiên cố hoá trường lớn

Theo kết quả kiểm tra bước đầu của Bộ GD&ĐT, đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học tại Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Phú Yên như thi công chậm, không đạt chất lượng, mua thiết bị lãng phí tiền tỷ...

Tại tỉnh Phú Yên, mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng trường THCS Nguyễn Hoa, xã An Lĩnh, huyện Tuy An đã xuất hiện các vết nứt ở tường dọc tầng 1, vết nứt xuất hiện từ mép cửa số xuống chân tường. Tại trường tiểu học Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, trường mầm non thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, cũng có hiện tượng lún nứt bậc tam cấp. Nhiều lớp bị nứt tường, thấm mái.

Đặc biệt, tại Lạng Sơn, UBND Lạng Sơn tỉnh đã ép chương trình mục tiêu quốc gia phải dùng hàng "địa phương", vượt thẩm quyền. Việc xử lý sửa sai của tỉnh cũng tiến hành rất chậm. Khi có quyết định này, 735 phòng học đã phải dùng cửa nhựa, chi phí tăng thêm so với dùng cửa gỗ khoảng 3,66 tỷ đồng.

Theo Thanh tra giáo dục, trong thời gian tới sẽ thanh tra tài chính các dự án kiên cố hóa trường học tại các địa phương bị dư luận phản ánh là có vấn đề.

Lãng phí tiền tỷ trong mua sắm, sử dụng thiết bị

Sau khi dư luận phản ánh về những dấu hiệu tiêu cực trong việc mua sắm thiết bị dạy học, Văn phòng Chính phủ có công văn 703, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ GD&ĐT đánh giá một cách nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ về công tác mua sắm trang thiết bị dạy học. Bộ GD&ĐT làm rõ những bất cập, yếu kém để khắc phục, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực. Trong đó, cần cho kiểm tra, làm rõ những ý kiến phản ánh cụ thể nêu trong các đơn thư, sớm báo cáo Thủ tướng.

Theo kết quả điều tra của Công đoàn giáo dục Việt Nam, gần 70% cán bộ giáo dục được hỏi cho rằng thời điểm cung ứng thiết bị chậm, 75% cán bộ cho rằng thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đáng chú ý, cứ 4 bộ thiết bị thì có 1 bộ thiết bị không sử dụng. Theo điều tra bước đầu, có 1.185 bộ thiết bị không sử dụng được do lỗi kỹ thuật, chất lượng kém.

Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho hay, thiết bị dạy học là mặt hàng mới, để kiểm tra chất lượng cần có chuyên môn về thiết bị. Thế nhưng, tại nhiều địa phương, việc mua bán thiết bị được khoán cho các trường. Thời gian mua bán chậm, giao hàng cập rập, cán bộ thiếu chuyên môn nên các sản phẩm kém chất lượng dễ dàng lọt lưới.

Theo nguồn tin của VnExpress, Thanh tra đã nhận được một số đơn thư của một số đơn vị sản xuất tố cáo việc gian dối trong thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị tại một số địa phương khu vực phía Bắc. Nhiều khả năng, đây sẽ là những địa phương đầu tiên lọt vào "tầm ngắm" của đợt thanh tra này.

Năm học 2005-2006, số bộ thiết bị lớp 4 cần trang bị là 49.565 bộ, của lớp 9 là 12.475 bộ. Tổng nhu cầu kinh phí mua sắm thiết bị giáo dục năm học này là 1.067 tỷ đồng, trong đó lớp 4 cần 603,3 tỷ đồng, lớp 9 cần 464,2 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cấp là 745 tỷ đồng.

Việt Anh

Ý kiến của bạn: