Từ di sản đến cuộc sống đương đại
Các Website khác - 08/04/2006
Nhà sưu tập Phạm Dũng bên
những cổ vật gốm của mình.
Hôm qua 7-4, tại Bảo tàng Dân tộc học, nhà sưu tập cổ vật Phạm Dũng đã giới thiệu với công chúng khoảng 120 hiện vật gốm cổ và gốm phục chế, là một phần trong bộ sưu tập hàng nghìn hiện vật của anh.

Với khoảng 85 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 và khoảng 20 hiện vật gốm phục chế, giả cổ và hiện đại của các dòng gốm men nâu Chu Đậu, Hải Dương, trang trí đắp nổi Bát Tràng- Hà Nội, triển lãm chia làm ba chủ đề chính: đồ gốm ẩm thực, thờ tự và trang trí.

Các cổ vật gốm chủ yếu có niên đại thời Trần, thế kỷ 13, 14. Tại đây, có những cổ vật rất có giá trị như những chiếc thạp đắp nổi hoa văn hình cánh sen, hoặc khắc và phết màu hoa lá, chim công từ thế kỷ 13, hoặc những chiếc bát, lư hương từ thế kỷ 11.

Bên cạnh đó, kỹ thuật chế tác, nghệ thuật trang trí của những dòng gốm cổ cũng được làm sống lại trong cuộc sống đương đại qua các hiện vật phục chế, mô phỏng và sáng tạo mới.

Gốm men nâu thời Trần.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Xã hội học thì đây là bộ sưu tập rất có giá trị, cả về khía cạnh bảo tồn văn hóa và kinh tế. “Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc trưng bày cổ vật, mà còn phản ánh sự tiếp nối, kế thừa truyền thống của nghệ nhân làng nghề hôm nay với cha ông xưa. Và có lẽ đây cũng là triển lãm gốm đầu tiên có sự chắp nối giữa quá khứ và hiện tại. Phạm Dũng không chỉ sưu tập, gìn giữ mà anh còn nghiên cứu để phát triển nghệ thuật gốm cổ trong cuộc sống hôm nay. Qua đó cũng có thể thấy được vấn đề bảo tồn giá trị di sản như thế nào” - ông nói.

Phạm Dũng sinh năm 1959 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoá đạo diễn - diễn viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Hiện anh là thạc sỹ văn hóa dân gian, giảng viên Trường ĐH Văn hóa. Anh cũng là một trong những người thành lập Hội Cổ vật Thăng Long.

Triển lãm này là một phần trong kết quả hơn 20 năm sưu tập và nghiên cứu gốm cổ của anh. Hiện tại, anh sở hữu hơn 1600 cổ vật, bên cạnh đó anh cũng tặng các bảo tàng Dân tộc học, Phụ nữ Việt Nam, Viện Văn hóa dân gian và bảo tàng TP Hồ Chí Minh khoảng 600 hiện vật khác.

Bên cạnh mảng gốm cổ thời Trần tại triển lãm này, anh còn có bộ sưu tập gốm thời Lý, Bắc thuộc, Hán, Lê Nguyễn với hàng trăm hiện vật.

“Chúng ta đã có một thời gian dài lãng quên cổ vật, và với triển lãm này, tôi mong muốn nhấn mạnh giá trị của chúng về khía cạnh văn hóa, để góp phần nhận thức tốt hơn về công tác bảo vệ, quản lý cổ vật”- anh nói.

Mong muốn gốm Việt Nam tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường mà không mất đi những giá trị truyền thống của mỗi làng nghề - đó là thông điệp của cuộc trưng bày này. Triển lãm sẽ kéo dài đến trung tuần tháng 6 tới.

HỒNG MINH