Thợ lau kính, nghề mạo hiểm
Các Website khác - 07/04/2006
Những người thợ lau kính đang
làm nhiệm vụ trên công trình.
Treo lơ lửng trên không ở độ cao hàng trăm mét trên các tòa ốc chọc trời là công việc thường ngày của những người thợ lau kính, nghề này đã và đang khẳng định sức lôi cuốn của nó đối với một bộ phận giới trẻ.
Vào nghề

“Lâu nay, người ta cứ nghĩ chỉ có phi công, vận động viên nhảy dù là không sợ độ cao, nhưng những thợ lau kính “người dơi” của chúng tôi cũng nên xếp vào loại này. Nói thế chứ để trở thành “người dơi” đâu phải dễ” - anh Đinh Thanh Nam, Trưởng phòng dịch vụ của Công ty cổ phần dịch vụ và chăm sóc nhà Homecare (27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), nói về công việc của những “người dơi”.

Dưới cái nắng “trái mùa” gay gắt giữa 11 giờ trưa, ngước mắt nhìn lên tòa nhà cao 12 tầng (Trung tâm thư viện ĐH Bách Khoa), ba bóng “người dơi” đang treo bám mình trên những ô kính bé tý ở độ cao hơn 40 mét so với mặt đất. Thỉnh thoảng, gió thổi làm cho “người dơi” đong đưa, chơi vơi như những diễn viên nhào lộn trên không trung. Sau hơn một tiếng đồng hồ sốt ruột chờ đợi, chúng tôi mới gặp được những “người dơi” khi họ vừa tiếp đất. “Làm nghề này tuy vất vả, nguy hiểm nhưng cũng có cái sướng của nó. Có được cảm giác tự do, phóng túng khi treo mình trên không trung”- Duy, một “người dơi” tươi cười nói.

Những “người dơi” đã phải trải qua các kỳ “sát hạch” đầy gian khó và rất khắt khe. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để theo nghề này là sức khỏe phải tốt, không có tiền sử về bệnh tim mạch, có thần kinh vững vàng để có thể làm việc trên độ cao hàng trăm mét lơ lửng giữa khoảng không. Sau khi được tuyển vào, họ được đào tạo để làm quen và thực tập với độ cao. “Mới nghe tưởng là đơn giản, nghề lao động chân tay có sức khỏe là làm được, ấy vậy mà khi tuyển vào đã không ít thanh niên cao to, khỏe mạnh đành bỏ cuộc”-anh Nam cho biết.

Nghề mạo hiểm

Những “người dơi” tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết là dân ngoại tỉnh. Nghề này rất kỵ tuyển thợ là nữ, nhưng điều đặc biệt trong đội lại có một “người dơi” là nữ giới, đó là Hằng (sinh năm 1982). Tham gia vào đội “người dơi”, Hằng đảm nhiệm phần việc ở dưới đất như: giặt khăn lau, trao các dụng cụ hay lấy hóa chất tẩy rửa cho đội. Ngoài ra, cô còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ chuyên theo dõi tình hình thời tiết. Với họ thời tiết chính là “kẻ thù”. Hễ có gió, mưa to, thậm chí trời bị nồm thì cả đội đành bỏ cuộc. Rồi những trường hợp “người dơi” bị say nắng, say gió không phải hãn hữu. Đối với nắng, những buổi trời nắng gắt, nắng nóng hắt vào kính phản xạ lại làm nóng rát mặt mũi. Đối với gió, những cơn gió lớn đột ngột thổi làm toàn thân đong đưa, lơ lửng giữa không gian, thậm chí gây ra những cú va đập rất nguy hiểm.

Hiển - đội trưởng đội “Người dơi” – Công ty Homecare, sinh năm 1982 quê ở Thanh Ba (Phú Thọ), là người có thâm niên cao nhất trong đội, nhớ lại lúc mới vào nghề vẫn dựng tóc gáy. Sáu năm trước đây, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai đất Tổ này đã xuống Hà Nội để “đầu quân” làm “người dơi” cho một Công ty. Khi mới vào nghề, Hiển cứ nghĩ chỉ cần mình có sức khỏe là ổn, ai dè khi treo mình trên cao nhìn xuống mà toát mồ hôi, sợ thót tim, có lần phải bỏ việc. “Lần đầu tham gia vào đội “người dơi”, cũng là lần đầu em phải đối mặt với sự sợ hãi nhất, cảm giác cái chết luôn cận kề. Lần đó khi tham gia vào đội “người dơi” để chăm sóc, bảo dưỡng tòa tháp Hà Nội cao 21 tầng, đang mải mê làm việc trên cao bỗng nhiên một cơn gió lớn đột ngột thổi làm cho một bên ghế ngồi bị tụt khỏi hai sợi dây cáp. Cũng rất may là em đã bám kịp vào khe kính chứ không thì...” - Hiển kể. Sau lần suýt chết, Hiển đã từ bỏ cái nghề mạo hiểm này để về quê. Được một năm, không có công ăn việc làm, cậu lại lên Hà Nội và tiếp tục trở lại với cái nghề này. “Đến giờ khi lập gia đình em mới dám kể cho vợ nghe chứ trước đây mà nói chắc gì chúng em đã lấy được nhau” - Hiển bộc bạch. Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi có nhã ý muốn được chụp vài kiểu ảnh về “người dơi” nhưng họ đều từ chối. “Các anh mà đưa hình bọn em trên báo thì bọn em bị bạn gái bỏ hết mất”.

Công việc hiểm nguy và không phải ai cũng có thể gắn bó lâu dài với nghề, thường thì trên 30 tuổi họ đã phải giải nghệ. Bởi bất cứ lúc nào cảm thấy sức khỏe không còn tốt hay không còn sự dẻo dai thì những “người dơi” phải tự thu xếp nghỉ hoặc đi tìm việc khác để làm. “Em chọn nghề này biết là nguy hiểm, không bền nhưng em vẫn theo nghề bởi thu nhập của nó khá cao”-một thành viên trong đội tâm sự. Nghề này mang lại thu nhập cao! Nhưng khi hỏi: “Cao thế nào?” thì cậu ta hồn nhiên: “Lương từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng, ngoài ra mỗi ngày đu kính, mỗi người còn được thêm 20 nghìn đồng”.

Theo anh Đinh Thanh Nam, các thành viên trong đội “người dơi” đều được công ty đóng bảo hiểm nhân mạng.

Theo Theo Tiền phong