(VietNamNet) - Hôm qua (23/2), 64 gia đình thôn Tâm Hiệp (xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) nhận 400.000 đồng tiền hỗ trợ di dời/hộ và 400m2 đất đồi hoang, lòng ngập nỗi lo dựng lại nhà, bắt đầu lại cuộc sống. 58 hộ còn lại vẫn ngồi chờ trong lều bạt bộ đội hoặc nhà người quen.
Quảng Trị: Đất sụp, di dời gấp hàng trăm hộ dân
Sụt đất ở Quảng Trị: Không có kinh phí để khảo sát
Khẩn cấp chọn vùng đất mới chuyển thôn bị sụt đất
![]() |
Gom đồ đạc nhà cũ, chuyển lên đất mới |
Đi: Rưng rưng nước mắt
Ngày 23/2, 64 hộ gia đình Tân Hiệp có nhà trong vùng sụt, lún nặng nhất, nhà bị sập, hỏng nhiều nhất đi nhận đất mới, ở một khu rừng đồi cách thôn cũ khoảng 4km.
Chưa đến giờ quy định, mọi người đã gọi nhau, tập trung đầy đủ ở đầu thôn. Người nào cũng cầm theo cây rựa, bó cọc tre để phát cây, đóng ranh giới lô đất của mình. Câu chuyện của họ đầy những nỗi lo về vùng đất mới. Người lo sốt rét, người sợ không có nước ăn, đường xa con cái đi học sẽ vất vả. Đất mới rất nhiều gốc cây, biết bao giờ mới đào cho hết? Một người bảo: “Đào xong một gốc bạc hà (bạch đàn) phải mất 5kg gạo”. Người còn trẻ thì đỡ, chứ ông bà già thì sức đâu? Chưa kể nỗi lo đụng phải bom mìn thời chiến tranh sót lại. Nhưng nỗi lo lớn nhất của cả 64 gia đình là biết bao giờ mới có đủ tiền để dựng nhà mới.
Ông Nguyễn Huệ, 70 tuổi nói: “Lên đây là tui mừng lắm rồi. Tui thì muốn đi, để con cháu ở trong vùng đất sụt, tui chẳng yên tâm chút mô. Nhưng mà buồn lắm, cơ ngơi tích cóp xây dựng cả đời giờ tan tành. Không tiền, chắc chỉ làm được cái lán để ở”.
Những dòng nước mắt của người đàn ông, người chồng và người cha rơi lã chã trên vùng đất mới. Mắt đỏ hoe, anh Nguyễn Văn Trợ tâm sự: “Mình chỉ tội cho ba đứa con còn đi học, mấy ngày nay bọn chúng không được chăm lo. Lên đây, các con đi học xa đã đành, nhưng biết khi nào mới xây được mái nhà để có chỗ cho mấy đứa ngồi học. Rồi còn ba mẹ già nữa chứ”.
64 hộ gia đình được 300 chiến sĩ Sư đoàn 968 giúp chuyển nhà, từ cột kèo đến bàn ghế, giường tủ... Họ miệt mài cưa, cuốc, đào bới...
Đến cuối ngày, chưa có cái lán nào kịp hiện ra trên vùng đất mới...
Ở lại: Lo thắt ruột
Ngày 23/2, cả làng Tân Hiệp tiêu điều vắng vẻ. Vì đã được liệt vào khu vực nguy hiểm nên chỉ lác đác một vài người dân thu dọn đồ đạc, gom những thứ còn sử dụng được với hy vọng dựng lại nhà, sẽ chỉ là một cái lán mới để ăn ở. Cả thôn chỉ còn những ngôi nhà bị dỡ mái; những bức tường loang lổ ở lại trơ trọi.
Ông Nguyễn Phượng (86 tuổi) đứng ngẩn ngơ trước ngôi nhà quen thuộc cả gia đình đã sống mấy chục năm nay. Cầm trên tay một cái bao, ông nói: “Tui cố gắng tìm kiếm những vật dụng còn dùng được, chứ chuyển đi chỗ khác biết lấy tiền đâu mà mua lại?”.
Ông Lê Tín - Trưởng thôn Tân Hiệp cho biết: 45 hộ dân không thuộc diện được chia đất đang ở trong 5 lều bạt do bộ đội dựng; 15 hộ khác đang ở tạm trong các nhà dân, nhà bà con không bị ảnh hưởng. Các lều bạt đều có điện máy nổ và nước sạch do xe téc chở đến tận nơi.
Giữa đường lên lán, PV VietNamNet gặp chị Nguyễn Thị Châu, bị di chứng chất độc màu da cam, hai chân teo tóp, luôn ngồi xe lăn. Mỗi bữa cơm, chị được người em gái đưa xuống nhà mình rồi lại đưa về lán ngủ, bởi chị không thể tự lăn xe qua con dốc quá cao trên đường.
Trong 5 cái lều bạt được Sư đoàn 968 căng ra làm chỗ ở cho dân Tân Hiệp, lều to nhất kê được 12 giường. Người tạm cư trong lều đủ các thế hệ, từ 86 tuổi đến trẻ mới 4 tháng tuổi; đều thắt ruột trước cảnh mất nhà chỉ sau 1 đêm.
Anh Nguyễn Văn Sinh bồng con kể: “Năm trước, chúng tôi vay mượn tiền ngân hàng cùng với tiền tích cóp được tu sửa lại cái nhà. Thế mà bây giờ tan hoang hết. Nợ ngân hàng vẫn còn 4 triệu”. Vợ chồng anh Sinh chỉ có 3 sào đất trồng lạc, phải đi làm thêm nhiều việc mới đủ ăn.
Thôn Tân Hiệp hiện có 166 hộ dân với 866 nhân khẩu. Do thiếu đất canh tác (diện tích nông nghiệp của toàn thôn chỉ có 17ha, hầu như không có đất ruộng, chỉ trồng được lạc); phần lớn bà con làm nghề kiếm củi, đánh cá và rà tìm phế liệu sau chiến tranh; đời sống rất khó khăn.
Sau đêm sụt đất, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã cấp tiền và hỗ trợ cứu kéo tài sản khẩn cấp cho dân Tân Hiệp, nhưng phần đông các gia đình vẫn lâm vào tình cảnh thiếu lương thực, ăn ở sinh hoạt tạm bợ.
Ông Nguyễn Đức Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết chiều 23/2 UBND tỉnh lại họp khẩn cấp với huyện Cam Lộ, thôn Tân Hiệp bàn biện pháp khắc phục hậu quả vụ sụt đất. Tuy nhiên, cuộc họp bàn chưa có kết quả cụ thể, do các đề nghị của tỉnh chưa được các ban ngành "phúc đáp".
Việc nghiên cứu tìm nguyên nhân hiện tượng sụt đất ở Tân Hiệp, xác định mức độ phạm vi ảnh hưởng để có hướng xử lý lâu dài vẫn chưa thực hiện được bởi đoàn địa chất từ Trung ương chưa về đến Quảng Trị. Cùng với việc chưa xác định được vùng nguy hiểm, các giải pháp di dân, chọn nơi định cư lâu dài cho các hộ gia đình chưa thể thực hiện (đề nghị xét duyệt một dự án di dân kinh tế mới chưa được Bộ Nông ngiệp & Phát triển nông thôn trả lời). Vì vậy, tỉnh mới chỉ có thể hỗ trợ cho dân Tân Hiệp theo quy định của nhà nước, 400.000 đồng/hộ.
Theo ý kiến của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về lâu dài, tỉnh sẽ cấp đất định cư cho cả 122 hộ dân để đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho họ. Tuy nhiên, cần thời gian cũng như các các dự án, nguồn cứu trợ để san ủi mặt bằng, rà phá bom mìn, làm nhà cố định, mở đường sá, kéo điện, xây các công trình dân sinh... cho nhân dân thôn Tân Hiệp.
Tính đến ngày hôm nay cả thôn đã xuất hiện 35 hố đất sụt lún; 11 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. 8h sáng 23/2, nhà bếp của chị Phạm Thị Huê bị lún sập hoàn toàn. Giếng nhà ông Nguyễn Phượng cũng bị lún mất không còn thấy lòng giếng, chỉ thấy một miệng hố lớn; bên cạnh là một hố đất khác.
Theo nhận định của Đoàn các nhà khoa học địa chất Trường Đại học Khoa học Huế sau khi khảo sát thôn Tân Hiệp, sụt, lún đất ở đây sẽ còn lan rộng.
Cả thôn Tân Hiệp đành khoá cửa nhà, rời xa nơi ở cũ, chờ xây lại cuộc sống.
Tuần tới, xác định xong vùng nguy hiểm nhất |
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa giao Cục Địa chất & khoáng sản Việt Nam cử Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đưa thiết bị vào Quảng Trị để đo đạc, xác định và khoanh vùng có nguy cơ sụt lở. Việc xác định này sẽ là căn cứ cho chính quyền địa phương trong việc cảnh báo và di dời dân, tránh tình trạng di dân khỏi những vùng không sụt lở hoặc để dân ở lại vùng sụt lở, gây lãng phí và thiệt hại đến người và tài sản. Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực yêu cầu các đơn vị này phải tiến hành khẩn trương để sớm có kết quả. Đặc biệt, trong tuần tới phải xác định được khu vực nào nguy hiểm nhất, đồng thời tiếp tục làm rõ các khu vực khác. Ngoài Quảng Trị, với một số địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và một số đoạn phương dọc tuyến đường Hồ Chí Minh có hiện tượng sụt lở đất, Bộ TN&MT cũng giao Cục địa chất & khoáng sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu địa chất & khoáng sản phối hợp tiến hành điều tra đánh giá, xác định nguy cơ để cảnh báo các địa phương trong việc bố trí dân cư phù hợp. |
▪ TP.HCM: Chắn rào xây dựng bịt mắt người đi đường (23/02/2006)
▪ 20 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (23/02/2006)
▪ Điều trị tật khúc xạ học đường như thế nào? (23/02/2006)
▪ Tâm huyết với những vấn đề của đất nước (23/02/2006)
▪ Xây dựng Ðảng ta thật vững mạnh (23/02/2006)
▪ Nơi nào còn người nghèo khổ thì người cán bộ NHCSXH cần phải đến với tất cả trách nhiệm và tấm lòng của mình (*) (24/02/2006)
▪ Hãy chấp nhận luật chơi (23/02/2006)
▪ Kon Tum: Khởi công thuỷ lợi Đak Krông (23/02/2006)
▪ Tây Ban Nha giúp Việt Nam nâng cấp ngành điện (23/02/2006)
▪ Hơn 100 học sinh ở Gia Lai bị ngộ độc thức ăn (23/02/2006)