Thu phí dịch vụ chung cư mỗi nơi mỗi phách
Các Website khác - 04/03/2006

Các hộ gia đình cư trú tại chung cư 9 tầng 39 Nguyễn Trãi vừa thống nhất thành lập một ban đại diện đấu tranh đòi ban quản lý khu nhà đưa ra phí dịch vụ phù hợp hơn, thay vì mức hơn 400.000 đồng bổ đầu một hộ mỗi tháng.

Theo nội quy chủ đầu tư dự án - Công ty Đầu tư xây lắp và phát triển nhà Hà Nội đưa ra, mỗi tháng các hộ gia đình phải trả chi phí vận hành, bảo trì thang máy 150.000 đồng, chi phí bảo vệ và làm vệ sinh khu vực công cộng trong, ngoài nhà 100.000 đồng, duy tu bảo dưỡng ngoài ngôi nhà, hành lang 100.000 đồng/năm, xe máy gửi 60.000 đồng, xe đạp 30.000 đồng. Các tổ chức cá nhân thuê nhà của công ty thì tính chi phí theo hợp đồng cụ thể.

Với mức phí như trên gia đình anh Dương Văn Phương có 2 xe máy, 1 xe đạp phải nộp gần 450.000 đồng mỗi tháng. Anh bức xúc phản ánh: "Ngay tại các khu chung cư cao cấp có chất lượng dịch vụ tốt, mức phí biệt thự đơn lập diện tích 500 m2 chỉ vào khoảng 450.000 đồng, nay căn hộ của chúng tôi chưa đầy 100 m2. Chủ đầu tư thu như vậy là bất công".

Khi được hỏi tại sao lại thu phí cao như vậy, ban quản lý chung cư lý giải do chỉ có 24 hộ ở nên phải chịu phí dịch vụ cao. Cách tính thì đơn giản là lấy tổng chi phí một tháng chia đều cho các dịch vụ.

Trong khi đó theo hợp đồng mua nhà các hộ dân đã ký, mức phí công ty đưa ra ban đầu chỉ vào khoảng 150.000 đồng/hộ mỗi tháng. Quá bức xúc các hộ dân đã thống nhất không đóng tiền và đề nghị để họ tự đứng ra thuê dịch vụ vệ sinh, bảo vệ tòa nhà.

Cùng cảnh ngộ, hàng chục hộ dân đang sống tại Ciputra cũng quyết không đóng phí dịch vụ ban quản lý đưa ra với lý do bất hợp lý. Sự việc dây dưa gần 1 năm trời chẳng bên nào chịu "nhún".

Tại một dự án khác là chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, cư dân lại phản đối cách tính phí đỗ ôtô. Do không đủ chỗ để xe cho hơn 100 hộ gia đình, ban quản lý tòa nhà thông báo tổ chức đấu thầu các ô để xe và đưa ra mức giá trúng là 800.000 đồng/tháng. Do áp giá quá cao, nhiều người dân có xe riêng chạy sang khu khác để khiến bãi để xe đang thiếu thành thừa.

Mạnh ai nấy làm

Cả thành phố Hà Nội hiện có gần 100 chung cư, các cơ quan chủ quản đều cho rằng phải tổ chức quản lý tốt các khu nhà ở cao tầng, nhưng áp dụng mô hình nào thì mỗi nơi một ý kiến. Nơi nào tốt thì ghi nhận phản ánh của người dân để sửa chữa, còn không mạnh ai nấy làm.

Hai khu đô thị mới Bắc Linh Đàm và Định Công áp dụng mô hình chủ đầu tư tổ chức quản lý thông qua việc thành lập Công ty Dịch vụ nhà ở và khu đô thị. Dịch vụ quản lý cho một hộ dân là 130.000-150.000 đồng/tháng (bao gồm tiền vận hành thang máy, bơm nước, xử lý rác...). Trước đây, công ty chỉ thu của các hộ 30.000 đồng/tháng, phần còn lại được bù đắp bằng việc kinh doanh các kiốt tại tầng 1, giữ xe... nay đang có dự kiến tăng thêm.

Khu Đầm Trấu lại chỉ có một chung cư, chủ dự án đang băn khoăn không biết nên tự lập ban quản lý hay thuê công ty dịch vụ đảm nhận, khu đô thị Trung Yên lại thuê một công ty chuyên nghiệp đảm nhận phần vệ sinh, bảo dưỡng các tòa nhà còn các dịch vụ khác tự khai thác.

Trong khi nhiều cư dân kêu ca về chế độ thu phí không công bằng, không thỏa thuận với dân, ban quản lý nhiều khu chung cư lại than phiền thu phí khó khăn vì tâm lý người sử dụng không muốn trả thêm bất kỳ một kinh phí nào ngoài tiền nhà. Trong khi đó lại không có cơ sở pháp lý nào để buộc các hộ phải nộp phí quản lý.

Ông Trần Ngọc Hùng, Tổng thư ký Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng quản lý nhà chung cư phải được chuyên nghiệp hoá, do đó nên giao cho các công ty quản lý chuyên nghiệp. Cách thức phù hợp nhất là tạo ra một số tài sản đồng sở hữu trong chung cư, chẳng hạn tầng 1 cho thuê làm siêu thị, cho thuê để trông giữ xe... rồi lấy nguồn kinh phí đó để hỗ trợ chi phí quản lý.

Mặc cho các chuyên gia tranh cãi, người dân kêu ca, Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội - đơn vị được giao soạn thảo bản quy chế quản lý, sử dụng nhà ở chung cư cao tầng đã tiến hành nghiên cứu hơn 2 năm vẫn chưa hoàn thiện.

Phong Lan

Ý kiến của bạn?