![]() |
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh. |
"Đọc toàn luật thấy người làm sai, gây lãng phí bất cứ mức độ nào cũng chỉ bồi thường, kỷ luật hành chính, không thấy xử lý hình sự. Cứ đà này sẽ còn xảy ra những nhà máy đường, hồ thuỷ lợi không hiệu quả, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của nhân dân", đại biểu Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại Quốc hội, chiều 25/10.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra những minh chứng rất sống động về tệ lãng phí hiện nay khi Quốc hội thảo luận về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
1001 kiểu lãng phí
Theo ông Thanh, lãng phí lớn nhất hiện nay là lãng phí cơ hội, nguồn lực, thời gian. Nhiều cử nhân được đào tạo bài bản rốt cuộc chỉ đánh máy vi tính, nhiều bác sĩ tốt nghiệp ra trường đi bán thuốc. Sách giáo khoa thay đổi xoành xoạch, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của nhân dân.
"Cách đây vài năm, Đà Nẵng bù lỗ mỗi năm 300-400 triệu đồng để in thơ, mà thơ thì giống như ca dao. Rồi tỉnh chi mỗi năm 3 tỷ đồng cho các đơn vị mời thày dạy tiếng Anh. Học tiếng Anh 3 năm, tốn gần chục tỷ đồng, học viên cũng nhớ 5 câu 3 chữ nhưng khi gặp người nước ngoài thì họ chẳng biết mình nói tiếng gì. Ấy thế mà khi tỉnh cắt các khoản này đi thì bị phản ứng", ông Thanh dẫn chứng.
Cùng tâm trạng với ông Thanh, đại biểu Nguyễn Văn Phát mang đến Quốc hội những bức xúc về tệ họp hành tràn lan, lãng phí. Nhiều cuộc họp toàn quốc mời đông đủ các địa phương nhưng đến chỉ nghe đọc tài liệu đã phát sẵn, vài đại biểu nêu ý kiến rồi vị chủ toạ kết luận. Theo ông Phát, dự thảo luật cần phải quy định cụ thể thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức hội nghị để người thẩm quyền có cơ sở phê duyệt.
Năm 2004-2005, Bộ GD&ĐT tổ chức thí điểm hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ toàn quốc qua cầu truyền hình, giảm chi phí đi lại, ăn nghỉ. Tỏ ý tâm đắc với mô hình này ông Phát đề nghị cần phải có quy định khen thưởng những cơ quan đơn vị tiết kiệm chi phí hội họp.
Công khai những cá nhân, đơn vị lãng phí
"Tôi cho rằng, nói phải đi đôi với làm, trung ương phải gương mẫu trước, nghiêm túc phải từ trên. 6 năm thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thấy cuộc tổng kết chỉ rõ tỉnh, bộ nào tiết kiệm, chỗ nào lãng phí nhất. Tôi đề nghị phải chỉ đích danh, không thể cứ hô hào suông", ông Thanh bức xúc.
Đại biểu Đinh Thị Ninh cũng cho rằng, phải coi gây lãng phí là vi phạm pháp luật. Gây lãng phí thì phải bồi thường, gây lãng phí với thiệt hại lớn thì xếp vào diện xử lý hình sự. Tiếp tục chủ đề trên, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, cần bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. "Luật cần có quy định chi tiết hơn về việc cá nhân, tổ chức phải bồi thường khi gây lãng phí cho nhà nước", ông Thân nói.
Đến cuối buổi chiều 25/10, đã có 16 ý kiến thảo luận về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, vẫn còn 5 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu.
Việt Anh
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Tột cùng của sự phản bội (25/10/2005)
▪ Hải Phòng phạt tù chín đối tượng chống người thi hành công vụ (25/10/2005)
▪ Trắng da với mỹ phẩm thiên nhiên (25/10/2005)
▪ Sàng lọc tế bào phát hiện sớm viêm và ung thư tử cung (25/10/2005)
▪ Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (25/10/2005)
▪ Sếp bất công, nhân viên sẽ tổn thọ (25/10/2005)
▪ Tạo điều kiện để sinh viên đang du học cống hiến cho Tổ quốc (25/10/2005)
▪ Miền trung: quốc lộ đang trở thành bờ đê (25/10/2005)
▪ Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (25/10/2005)