Tiêu huỷ lúa bị bệnh vàng lùn: Nhiều nhà nông điêu đứng
Các Website khác - 22/05/2006
Tiêu huỷ lúa bị bệnh vàng lùn ở Đồng Tháp:
Nhiều nhà nông điêu đứng


Thời điểm này, trong một số khu đê bao khép kín ở huyện Tháp Mười thay vì bắt gặp cảnh lúa ngậm sữa, trổ bông, người ta lại thấy những cánh đồng chết. Cái chết theo đúng nghĩa đen của nó, lúa vụ hai giai đoạn 45 -50 ngày tuổi bị bệnh vàng lùn chết đứng trên chân ruộng. Khu đê bao ấp 5 xã Mỹ Đông có trên 100ha ngã màu vàng. Những trà lúa chuẩn bị làm đòng, trổ bông cứ lụn dần rồi héo khô.

Để tránh mầm bệnh vàng lùn lây lan, chính quyền địa phương vận động nhà nông đăng ký tiêu hủy, để được hỗ trợ 120kg giống một héc ta và một số thuốc phá hoang. Giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng" này, hàng loạt máy cày, máy xới cũng được tung ra cày vùi hàng trăn ha lúa bị bệnh.

Nỗi khổ nhà nông

Huyện Tháp Mười hiện có 530ha lúa bị bệnh vàng lùn thiệt hai gần như hoàn toàn. 5.000ha khác cũng có nguy cơ mất trắng. Nông dân các xã Mỹ Đông, Mỹ Quý, Láng Biển đang rất khốn đốn. Một số nông dân bắt đầu rao bán ruộng.

Tiêu huỷ lúa để diệt mầm bệnh, tai hoạ chưa hề có trong lịch sử ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, giờ đã gieo rắc xuống nhiều hộ dân ở huyện Tháp Mười. Hàng trăm héc ta lúa bị tiêu huỷ kéo theo hàng mấy chục hộ gia đình trắng tay.

Bà Dương Thị Lệ ở ấp 5 xã Mỹ Đông hai tay chống cằm ngồi thẩn thờ trên bờ đê, nhìn ra những luống cày đen xì lật phơi trên thửa ruộng còn mới nguyên than: "Năm ha lúa của tôi coi như mất, thiệt hại còn hơn bể đê, trên 27 triệu đồng đổ xuống ruộng, giờ giũ mành mành. Sau gần 2 tháng bỏ công chăm sóc, không thu hoạch được một hột lúa; đã thế còn tốn thêm tiền cày xới. Không biết đào đâu ra hàng chục triệu đồng để thanh toán các món nợ đã đầu tư vào vụ lúa này".

Trong tâm trạng "đồng bệnh tương lân" trước sự hoành hành của căn bệnh vàng lùn trên cây lúa, anh Nguyễn Văn Tại đang cày vùi mấy ha đất nhà mình cứ chép miệng than thở: "Cứ đà này, ba năm nữa tụi tui mới ngóc đầu nổi. Bốn năm tăng vụ trong đê bao, giờ trắng tay chỉ trong một vụ lúa". Trường hợp của anh Nguyễn Văn Hùng ở ấp 5 xã Mỹ Đông - huyện Tháp Mười còn bi đát hơn. Do làm ruộng trong đê bao ăn chắc, không sợ lũ lụt nên ngoài 2ha đất nhà, anh thuê thêm 2ha nữa làm lúa, giờ tiêu hủy lúa, nợ chồng thêm nợ.

Vì sao bệnh vàng lùn bùng phát mạnh? Nhà nông ai cũng biết là do rầy nâu, nhưng rầy nâu do đâu mà sinh sôi nhiều vô kể? Người ta lại bảo do vụ lúa đông xuân trước đó truyền sang? Và một phần cũng rơi đúng chu kỳ dịch bệnh. Có quá nhiều kiến giải khác nhau, nhưng dường như người ta không chú ý đến những cảnh báo của rất nhiều nhà khoa học về nguy cơ trong các khu đê bao khép kín để trồng lúa liên tục. Đó là nguy cơ đất bị nhiễm độc, bạc màu và mầm bệnh sẽ không bị tiêu diệt mà được lưu truyền từ vụ này sang vụ khác. Kiểm chứng thực tế chúng ta sẽ thấy ở huyện Tháp Mười có xã hoàn toàn nằm trong đê bao như xã Mỹ Đông hay Mỹ Quý, những địa phương này có diện tích lúa bị bệnh nhiều nhất.

Vận động giãn cách vụ
Động thái của UBND huyện Tháp Mười là kêu gọi người dân tiêu huỷ lúa bị bệnh vàng lùn, quyết định đình chỉ xuống giống trong các khu đê bao đã thu hoạch. Việc làm này tuy có muộn màng, nhưng đã cứu cho hàng trăm hộ nông dân không lâm vào cảnh trắng tay.

Như cánh đồng gần 300ha ở ấp 1, xã Mỹ Đông, nếu liên tục không có 3 quyết định đình chỉ xuống giống của xã rồi của huyện thì giờ này cũng có thể đã bị dịch bệnh gây hại. Tuy nhiên, người bị nạn thì muốn cho đất nghỉ, một bộ phận nông dân khác thì bất chấp tình hình dịch bệnh quyết tâm gieo sạ vì cái lợi trước mắt. Được biết có nơi nhà nông còn cam kết tự gánh chịu hậu quả, nếu gặp rủi ro và đề nghị được gieo sạ ngay lúc này.

Trong cuộc vận động giãn cách vụ ở Tháp Mười vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nông dân ở ấp 5 xã Mỹ Đông rất thấm thía cảnh trắng tay nên đề nghị phải có thời gian cho đất nghỉ, đón lũ, đón phù sa. Còn người dân trong các khu đê bao khác thì đề nghị tiếp tục làm lúa ba vụ trong đê bao khép kín. Xem ra cuộc vận động nông dân giãn cách vụ không dễ dàng chút nào.

Cách nay 4 năm người ta háo hức vận động thâm canh tăng vụ, nhằm tăng thu nhập cho người dân, bất chấp mọi cảnh báo của các nhà khoa học. Giờ thì vận động giảm vụ để tránh thiệt hại. Vấn đề đặt ra trong chuyện đã rồi. Chỉ tội cho những nhà nông bị mất trắng. Chính sách nào hỗ trợ bà con?

Thanh Hùng