![]() |
Phun thuốc sát trùng cho vịt ở Thái Lan. |
Chính phủ cũng như các tổ chức ở các nước phương tây dường như đang cùng gây ấn tượng rằng sinh mạng của những người ở các quốc gia đang phát triển quan trọng hơn người dân ở phía đằng kia của thế giới.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là ông Chuck Schumer, thượng nghị sĩ New York, người đã đe dọa sẽ gây sức ép buộc Roche - hãng dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ và là nhà sản xuất duy nhất Tamilflu, thuốc chống cúm - phải từ bỏ bảo hộ bản quyền.
Theo lập luận của Schumer, Roche nên cấp phép cho các hãng dược khác sản xuất thuốc Tamilflu bởi Roche không đủ năng lực cung cấp cho cả thế giới.
Cuối cùng, sau khi chịu nhiều sức ép, Roche nhượng bộ và đồng ý cấp quyền cho 4 hãng dược của Mỹ sản xuất loại dược phẩm được coi là phao cứu sinh duy nhất hiện nay để chống chọi căn bệnh cúm quái ác.
Ý tưởng này thật là tuyệt: sức khỏe của công chúng quan trọng hơn nhiều so với lợi nhuận của Roche. Nhưng ý tưởng này chỉ được đưa ra sau khi H5N1 - vốn ám ảnh Đông Nam Á từ tháng giêng năm ngoái - giương đôi cánh của nó đến tận châu Âu.
Các quan chức y tế châu Âu cảm thấy rằng sự thay đổi trong diễn biến của cúm gia cầm như vậy là cơ sở tốt để gọi cúm gia cầm là một mối đe dọa toàn cầu. Và để cứu công dân của mình khỏi nguy cơ của một đại dịch toàn cầu, giới chức EU đã bắt đầu các cuộc đối thoại với ngành công nghiệp dược phẩm.
Các nước châu Á vốn đã bị ảnh hưởng từ lâu bởi cúm gia cầm - Thái Lan với 13 người chết và Việt Nam với 43 người - không có được sự xa xỉ như của các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu.
Những nước này, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, hiển nhiên nhận thức được sự cương quyết của Mỹ và châu Âu trong việc bảo vệ bản quyền của các nhà khổng lồ dược phẩm, cho dù một thực tế là những loại thuốc của họ có thể cứu được sinh mạng của hàng triệu, chục triệu người của thế giới thứ ba.
"Phản ứng của Mỹ và châu Âu không những thể hiện sự hai mặt mà thậm chí còn ngớ ngẩn", Nicola Bullard làm việc cho Focus on the Global South (một viện nghiên cứu có trụ sở ở Bangkok), nói. "Nó ngớ ngẩn là bởi họ muốn Roche từ bỏ bản quyền vì một nguy cơ, chứ chưa phải là đại dịch thực sự với con người".
Trong khi đó, các bệnh nhân ở thế giới thứ ba là nạn nhân của sự phân biệt, đang mắc các bệnh HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. AIDS giết chết hơn 3 triệu người vào năm ngoái, trong khi lao phổi lấy đi sinh mạng của 2 triệu người, sốt rét 1 triệu người.
Cho đến tận tháng trước, một tổ chức nhân đạo - Bác sĩ Không biên giới - mới viết cho Tổ chức Thương mại quốc tế để nói về hậu quả của việc đặt lợi nhuận lên trên nhân mạng mỗi khi động chạm đến thuốc và những căn bệnh đang hoành hành ở các nước thế giới thứ ba.
Một trong những nước nghèo nhất ở Đông Nam Á - Campuchia - là ví dụ rõ ràng về điều này. Một trong các hệ quả khi nước này gia nhập WTO là phải đối mặt với nguy cơ mất quyền tiếp cận nguồn thuốc trị AIDS giá rẻ. Campuchia là nước có tỷ lệ dân số nhiễm HIV cao nhất châu Á Thái Bình dương, với gần 1,9% số người trưởng thành mang trong mình virus chết người này.
Đây không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến các nhà lãnh đạo phương Tây lờ đi một nguyên tắc mà chính họ tôn thờ, đó là: bản quyền của các hãng dược phẩm phải được tôn trọng. Lý do đưa ra là nguy cơ khủng hoảng về sức khỏe. Chính phủ Anh, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand... từng sử dụng quyền này.
Nhưng chính phủ các nước đang phát triển không có được đặc quyền đó. Và việc sức ép của Mỹ buộc Roche trao quyền sản xuất Tamilflu cho các hãng dược chỉ củng cố cái điều tưởng là đúng, rằng: "sức khỏe của công chúng phải được đặt lên trên lợi nhuận của mỗi công ty dược", Bullard nhận xét.
T. Huyền (theo Asia Times)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Tột cùng của sự phản bội (25/10/2005)
▪ Giải thưởng chống tham nhũng (26/10/2005)
▪ Chọn "thủ lĩnh" chống tham nhũng (26/10/2005)
▪ Hải Phòng phạt tù chín đối tượng chống người thi hành công vụ (25/10/2005)
▪ Trắng da với mỹ phẩm thiên nhiên (25/10/2005)
▪ Sàng lọc tế bào phát hiện sớm viêm và ung thư tử cung (25/10/2005)
▪ Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (25/10/2005)
▪ Sếp bất công, nhân viên sẽ tổn thọ (25/10/2005)
▪ Tạo điều kiện để sinh viên đang du học cống hiến cho Tổ quốc (25/10/2005)