Trong Hội thảo bàn các giải pháp thực hiện công tác phòng dịch cúm gia cầm trong thời gian tới diễn ra tại TP HCM sáng 8/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố đã đề nghị người dân không nuôi gia cầm đến 28/2/2007 để đề phòng dịch cúm trở lại.
Những quy định về chuồng trại, và độ an toàn sinh học trong phòng dịch đã khiến 38 cơ sở chăn nuôi lớn và hàng nghìn hộ dân khác của TP HCM không thể đủ điều kiện chăn nuôi gia cầm trở lại.
Hiện thành phố chỉ có 6 hộ chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu của thú y và phòng dịch như chuồng kín, cách xa khu dân cư, bảo đảm an toàn sinh học và không tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Sáu hộ gia đình này có tổng đàn khoảng 120.000 con, ước tính trong năm 2006 số vòng quay chăn nuôi là 4 vòng, giá trị hàng hóa sản xuất đạt 19-20 tỷ đồng và lợi nhuận thu được khoảng 1 tỷ đồng. Theo tính toán của Chi cục Thú y, mức lợi nhuận này quá thấp so với kinh phí phí mà thành phố phải bỏ ra nếu để bùng phát dịch.
Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Văn Liêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP HCM cho rằng, có thể tiếp tục nuôi gia cầm nhưng phải đưa việc chủng ngừa vắc-xin vào chăn nuôi gia như điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, những công bố kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y TP HCM trên các đàn gia cầm đã được tiêm phòng từ các tỉnh nhập về thành phố để giết mổ từ tháng 11/2005 đến tháng 2 vừa qua khiến các nhà chuyên môn và quản lý không khỏi lo lắng. Trong số 92 đàn được xét nghiệm này có đến 72 đàn không đủ kháng thể bảo hộ. Trong đó có 6 đàn đã tiêm phòng 2 lần và 41 đàn đã tiêm phòng 1 lần hoàn toàn không có kháng thể.
Đại diện Sở Khoa học Công nghệ, bà Tường Vân băn khoăn, trong khả năng khống chế dịch bệnh như hiện nay, TP HCM vẫn có thể nuôi trở lại gia cầm, tuy nhiên phải nuôi theo quy trình và tiêu chuẩn phòng dịch. Việc đầu tư này rất tốn kém, chỉ một bộ phận nhỏ người nuôi đáp ứng được. Chính vì vậy, bà Vân cũng nhất trí không cho nuôi lại và TP HCM chỉ nên là nơi tiêu thụ và chế biến.
Đồng quan điểm, đại diện của Cục Chăn nuôi nêu lên nguy cơ tiềm ẩn và hậu quả của dịch cúm nếu để xảy ra ở một thành phố lớn như TP HCM. "Không những không được chăn nuôi gia cầm mà TP HCM phải xem xét đưa các cơ sở giết mổ ra khỏi địa bàn càng sớm càng tốt để bảo đảm an toàn", vị đại diện này khẳng định.
Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong tình hình thế giới đang vất vả chống dịch thì khả năng tái bùng phát dịch trong nước có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an toàn phòng dịch và chuẩn bị cho hội nghị APEC, Sở NN&PTNT khuyến cáo từ nay đến hết tháng 2/2007, người dân TP HCM sẽ không nuôi lại gia cầm. "Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của thành phố sẽ họp bàn và sớm đưa ra quyết định", ông Thảo nói.
Tìm giải pháp thay thế
Để giải quyết bài toán không nuôi gia cầm trở lại, theo ông Nguyễn Phước Thảo, nên chuyển sang nuôi thỏ, bởi đề án này đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên do tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ của người dân đã có từ rất lâu nên chưa thể thay đổi ngay được. Một số nhà chuyên môn khác lại cho rằng, việc tạm ngưng nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố là cơ hội để cơ cấu lại cấu trúc chăn nuôi. Nếu cho nuôi lại gia cầm theo mô hình nuôi khép kín, an toàn sinh học... thì thành phố phải xác định lại và có quy chuẩn rõ ràng cho người nuôi được biết.
![]() |
TP HCM đề nghị không nuôi gia cầm đến hết tháng 2/2007. Ảnh: V.H. |
Việc mở rộng hình thức liên kết chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gia cầm với các tỉnh lân cận cũng được các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm. Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam Đinh Văn Cải cho rằng, đã đến lúc không thể để TP HCM, nơi có hàng triệu dân sinh sống vẫn tự nuôi gia cầm. Theo ông Cải, việc tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi là vừa giúp các tỉnh giải quyết việc làm cho người dân, vừa phục vụ công tác phòng dịch lại bảo đảm nguồn thực phẩm cho thành phố. "Công việc còn lại của thành phố là quản chặt phần đầu ra, hình thức mua bán từ con giống đến sản phẩm trung gian (trứng) và cuối cùng là thịt thành phẩm tiêu thụ trên thị trường. Chắc chắn việc liên kết này sẽ bảo đảm phòng dịch có hiệu quả", ông Cải khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, Công ty Giống gia cầm miền Nam còn đề nghị, thành phố sớm quy hoạch một khu giết mổ tập trung để vài năm sau không phải di dời thêm lần nữa, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Việt Hòa
▪ Gặp mặt phụ nữ quốc tế tại Hà Nội (08/03/2006)
▪ Gặp mặt bạn đọc quận Hai Bà Trưng với báo Nhân Dân (08/03/2006)
▪ Tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia (07/03/2006)
▪ Hòn Nai - Cô Tiên (08/03/2006)
▪ TP Hồ Chí Minh: Bệnh sốt xuất huyết gia tăng trái mùa (08/03/2006)
▪ Du lịch hành hương, lễ hội đắt khách đầu năm (08/03/2006)
▪ Khuyến mại nhân dịp 8-3 (08/03/2006)
▪ Cà Mau: Nhiều cây cầu xuống cấp (08/03/2006)
▪ Chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông (08/03/2006)
▪ Việc nhỏ, ý nghĩa lớn (08/03/2006)