Hiện nay, phần lớn cầu ở nông thôn Cà Mau đang trong tình trạng xuống cấp và không ít cầu bắt đầu rệu rã, không còn đi lại được. Nguyên nhân là do trước đây việc xây cầu theo phong trào đã không tính đến đặt cầu ở vị trí nào cho thích hợp, dài lâu; cầu được làm kiên cố, trong khi hầu hết móng cầu làm tạm bợ.
Ðầu năm 2000, UBND tỉnh Cà Mau chủ trương vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền, vật tư... làm cầu giao thông nông thôn thay thế chiếc cầu khỉ vốn đã có từ lâu đời ở khắp các làng quê vùng sông nước trong tỉnh. Ðến cuối năm 2003, Cà Mau đã xây dựng, làm mới hơn 3.200 chiếc cầu và trong số này có gần 2.000 cây cầu làm cơ bản bằng vật liệu sắt, bê-tông; số còn lại làm bán cơ bản bằng cây gỗ địa phương. Bình quân mỗi chiếc cầu xây cơ bản trị giá 15 triệu đồng; làm bằng gỗ 4-5 triệu đồng.
Cũng trong thời điểm này, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai "Chương trình cầu thanh niên" tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đã xây dựng tại các vùng nông thôn Cà Mau 90/130 chiếc cầu bê-tông cốt thép, trị giá hơn 120 triệu đồng/cầu. Với cách làm cụ thể, thiết thực này, Cà Mau đã cơ bản xóa được cầu khỉ, tạo thuận lợi cho đồng bào ở nông thôn và các em học sinh đi lại dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn cầu ở nông thôn Cà Mau đang trong tình trạng xuống cấp và không ít cầu bắt đầu rệu rã, không còn đi lại được. Tại huyện Ðầm Dơi và nhiều địa phương khác trong tỉnh, đã có hàng chục cây cầu trong tình trạng như thế. Người dân phàn nàn, lo lắng: "Cầu có cũng như không"; việc đi lại rất khó khăn do cầu không có móng, đường dẫn cầu nằm chênh vênh giữa dòng sông do tàu, thuyền máy chạy, gây xói lở, hư hỏng, khoảng thông rất thấp, gây cản trở giao thông thủy...
Nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây việc xây dựng, làm cầu theo phong trào; từng địa phương không tính đến đặt cầu ở vị trí nào cho thích hợp, dài lâu; cầu được làm kiên cố, trong khi hầu hết móng cầu làm tạm bợ, không gia cố vững chắc và từ đó khó tránh được tàu, thuyền máy chạy thường xuyên làm xói lở móng, làm hỏng cầu, gây lãng phí lớn.
Cầu giao thông nông thôn ở Cà Mau hiện còn rất ít, việc làm mới các công trình này là rất cần thiết. Tuy nhiên, trước mắt, ngành giao thông vận tải và các địa phương ở Cà Mau cần kịp thời tu bổ, sửa chữa những cây cầu đã xuống cấp hư hỏng. Ðồng thời, khi làm mới các công trình này phải tính đến các yếu tố dài lâu, vững bền và trước khi làm cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân, nhằm tránh tình trạng gây lãng phí lớn như vừa qua.
NĂM VĨNH (Cà Mau)
|