Năm-mười nghìn đồng chỉ là số tiền nhỏ, nhưng với nhiều lần số tiền nhỏ này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê (Gia Lai) đã làm nên những việc lớn: Xây dựng nhà đoàn kết tặng những chị em nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày dọn về nhà mới của chị Rơ Lan H'Tơi, người dân tộc Gia Rai, làng Mép, xã Dun có khá đông người đến chia vui, không chỉ có cán bộ phụ nữ huyện, tỉnh; cán bộ xã mà còn có cả bà con trong làng. Ai cũng vui, nhưng có lẽ Rơ Lan H'Tơi là vui nhất, bởi như chị nói :"Gia đình mình nghèo lại đông con, hằng ngày lo cho chúng cái ăn đã khó, lấy đâu tiền làm nhà. Ðược ở trong căn nhà rộng rãi, thoáng mát như thế này, trước đây mơ mình cũng chưa nghĩ đến...".
Cùng hoàn cảnh chị Siu H'Seo, làng Tao Kó, xã Ia Hrú, cũng được Hội Phụ nữ xã xây tặng một ngôi nhà từ số tiền quyên góp, ủng hộ của chị em. Nhìn ngôi nhà mới khang trang, với diện tích 28 m2, mái lợp tôn, nền xi-măng thoáng mát, ít ai nghĩ rằng, cũng chính tại mảnh đất này trước là căn lều ọp ẹp, ngoài cửa ra vào, vài tấm ván còn lại chủ yếu là bao tải, ni-lông... che chắn mấy mẹ con chị trước những cơn mưa giật, gió lùa. Chị kể, gia đình nghèo, sống chủ yếu nhờ vào làm rẫy mỗi năm một vụ, năm được, năm mất... bây giờ được sống trong căn nhà đàng hoàng thế này thấy vui và yên tâm.
Chị Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ya Hrú, nói thêm: Ðây là một trong hai nhà được Hội xây dựng trong năm 2005, với số tiền hơn sáu triệu đồng từ sự ủng hộ, đóng góp của chị em trong xã. Trong quá trình thi công, Hội còn đứng ra hợp đồng mua vật liệu và giám sát thi công cho nên công trình giảm được chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng, tránh được lãng phí thất thoát.
Bà Dụng Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê, cho biết: Xuất phát từ thực tế của địa phương, nhiều chị em, nhất là chị em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi họp bàn và thống nhất phát động phong trào quyên góp xây dựng nhà đoàn kết để tặng những chị chưa có nhà, hoặc nhà ở dột nát, tạm bợ với mức đóng góp 10 nghìn đồng với chị em là người Kinh và 5.000 đồng với chị em là người dân tộc thiểu số, ngoài ra còn kêu gọi các gia đình có mức sống khá đóng góp cao hơn tùy theo khả năng. Ðiều đáng trân trọng là khi chủ trương trên được đưa ra, không chỉ các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng, mà còn nhận được sự ủng hộ và nhiệt tình tham gia của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể khác. Từ khi phát động đến nay, huyện đã xây dựng được 14 nhà, bình quân mỗi nhà 5 triệu đồng. Có thể nói, cùng với các hoạt động tình nghĩa hưởng ứng phong trào: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo" do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, như vận động chị em kinh tế khá giả giúp và hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn về ngày công, cây con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; thậm chí cho vay bằng tiền, vàng... không tính lãi. Những ngôi nhà tặng phụ nữ chưa có nhà ở hoặc nhà dột nát, đã giúp các gia đình yên tâm hơn, dành nhiều thời gian hơn cho sản xuất, ổn định cuộc sống và có điều kiện vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Ðánh giá về phong trào xây nhà đoàn kết ở Chư Sê, bà Trần Thị Hoài Thanh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết: Phong trào xây dựng nhà đoàn kết cho phụ nữ nghèo là ý tưởng của Hội LHPN Chư Sê và đây cũng là đơn vị làm tốt nhất. Từ phong trào này, tỉnh đã phát động trong các cấp Hội và nhận được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp phụ nữ ở 9/15 huyện, thị xã, thành phố. Ðến nay, các cấp Hội đã xây dựng và bàn giao 30 nhà cho 30 phụ nữ nghèo, trong số này có 11 chị là đồng bào dân tộc thiểu số. Ðây là một phong trào mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, do vậy trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia, với mong muốn góp phần cùng phong trào xây nhà đoàn kết, xây nhà tình nghĩa của Mặt trận Tổ quốc, phấn đấu xóa nhà tranh tre dột nát cho tất cả chị em trong tỉnh, trong đó sẽ ưu tiên trước nhất cho chị em là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
PHAN HÒA
|