TP.HCM: Đột phá vào quy hoạch, bồi thường giải tỏa
Các Website khác - 10/01/2006

Hàng loạt vấn đề "gay cấn" được đặt ra tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 9/1 cho thấy năm nay sẽ có những thách thức rất lớn đối với guồng máy chỉ đạo, điều hành TP.

Quy hoạch quá chậm

Soạn: AM 673023 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dự án đại lộ Đông Tây đã xong phần giải tỏa từ lâu nhưng nhiều người dân bị giải tỏa vẫn chưa được bố trí tái định cư. Ảnh: D.Đ.M

Mặc dù theo Nghị quyết của HĐND TP thì năm 2006 là năm "cải cách hành chính" nhưng rất nhiều đại biểu dự hội nghị vẫn cho rằng mũi đột phá để phát triển trong năm nay phải là việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch (QH) và QH phải có chất lượng, khả thi.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê khẳng định: "Công tác QH vẫn đứng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định đối với việc thu hút đầu tư. Không đảm bảo chất lượng QH sẽ làm giảm sút tốc độ tăng trưởng".

Ông Thái Văn Rê cũng cho biết trong năm 2005, TP đã tập trung bố trí đủ vốn để thực hiện công tác QH và đã giao cho các sở ngành, quận huyện thực hiện 564 đồ án QH với tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng nhưng số lượng đồ án QH được phê duyệt mới chỉ được... 34 đồ án.

Ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cho biết trong năm 2005, số lượng đồ án QH được duyệt ít, nhưng số lượng hồ sơ QH được Sở thẩm định nhiệm vụ thiết kế là rất lớn với 165 hồ sơ trên tổng diện tích 12.777 ha.

Theo ông Dũng, nếu cộng chung việc thẩm định thiết kế QH cả 2 năm (2004 và 2005) thì diện tích hồ sơ QH được thẩm định lên đến 93.012 ha, bằng tổng diện tích thẩm định QH trong vòng 10 năm trước. Điều đó có nghĩa việc lập và phê duyệt QH chậm là do các quận huyện. Thế nhưng, theo UBND Q.5 thì dù đã hoàn tất việc lập QH chi tiết toàn bộ các phường trên địa bàn quận và trình lên Sở QH-KT để thẩm định cách đây 1 năm nhưng đến nay, mới chỉ thẩm định được có 1 phường.

Ông Nguyễn Văn Đua - Phó chủ tịch UBND TP cho rằng việc người dân và doanh nghiệp bức xúc với vấn đề QH chậm, QH thiếu tính khả thi đặt ra một trách nhiệm rất lớn đối với cơ quan đảm trách công tác QH. Tuy nhiên, ông Đua cũng khẳng định việc phân cấp phê duyệt QH chi tiết 1/2.000 cho quận huyện vẫn được tiếp tục đồng thời trong tháng 2.2006, UBND TP sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề để "mổ xẻ" vấn đề này.

Đại diện UBND Q.4 cũng cho biết tại các khu vực QH trên địa bàn Q.4 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền thì lãnh đạo quận cũng đã có chủ trương cấp giấy chủ quyền nhà đất cho người dân (ví dụ các khu QH dự án đường 14 nối dài có 792 hộ dân đã có quyết định thu hồi đất năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, quận đều cấp giấy chủ quyền. Tại khu vực QH công viên hồ Khánh Hội (17,6 ha), những hộ dân nằm trong khu QH nhưng chưa đầu tư xây dựng thì vẫn được cấp giấy chủ quyền...).

Với cách làm linh hoạt như vậy, người dân tại các khu QH trên địa bàn Q.4 rất ít thắc mắc về vấn đề liên quan đến QH "treo". Đây cũng là quan điểm rất "thoáng" trong lĩnh vực QH liên quan đến quyền lợi của người dân, cần có một chính sách chung để áp dụng trên toàn TP.

Thay đổi quan điểm về đền bù giải tỏa

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2006:

GDP tăng từ 12% trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (6 triệu đồng/người/năm) xuống dưới 6,8%; giải quyết việc làm cho 230.000 lao động (trong đó có 100.000 việc làm mới); tỷ lệ 10 bác sĩ/10.000 dân và 40 giường bệnh/10.000 dân; 86,5% hộ dân được cung cấp nước sạch...

(Nguồn: UBND TP.HCM)

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong quan điểm về đền bù giải tỏa hiện nay khiến cho tiến độ các dự án chậm. Vấn đề được thảo luận nhiều nhất vẫn là việc tái định cư (TĐC).

Lãnh đạo UBND Q.5 bức xúc cho biết, lô B chung cư Phan Văn Trị là dự án TĐC đã xây dựng xong 1 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được định giá để bán hoặc dự án chung cư 42 Hàm Tử có mục đích là TĐC cho người dân bị giải tỏa trong dự án Đại lộ Đông Tây nhưng dù đã giải tỏa dân từ lâu mà dự án này vẫn chưa được khởi công.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải nhanh chóng áp dụng quy trình đền bù - TĐC - giải tỏa thay vì quy trình đền bù - giải tỏa - TĐC như lâu nay. Theo ông Nhân, một khi đã được an cư thì lòng dân sẽ yên và việc thay đổi chính sách đền bù giải tỏa như vậy là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Đua cũng kêu gọi lãnh đạo các quận huyện phải chú trọng chất lượng các căn hộ TĐC và chủ động thực hiện các dự án TĐC để bố trí cho người dân trong khu vực QH các dự án, không để cho người dân tạm cư quá lâu, không để xảy ra tình trạng có dự án giải tỏa rồi để người dân tạm cư đến mức ăn 2 cái Tết trong nhà tạm cư như ở Q.12 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Đua cũng cho biết vẫn tiếp tục phân cấp cho quận huyện duyệt phương án đền bù. Giá đền bù vẫn sẽ được xây dựng trên cơ sở khung giá đất do UBND TP ban hành cộng với mức hỗ trợ do UBND quận huyện định ra.

"Phải để người dân sờ được, thấy được chính phủ điện tử"

Cải cách hành chính là một trong những vấn đề phải đạt những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2006 của TP.HCM. Đó là việc hợp lý hóa, công khai hóa các dịch vụ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; triển khai xây dựng đề án Chính quyền đô thị; phân cấp ủy quyền quản lý mạnh hơn... "Chúng ta đưa ra giải pháp và hô hào kêu gọi phấn đấu giảm các cuộc hội họp không thật sự cần thiết ở mức bình quân 25-30% nhưng theo tôi, nếu đã không cần thiết thì đâu có họp. Vì vậy, chúng ta phải tính đến việc làm sao để các cuộc họp đạt chất lượng chứ không phải chỉ là giảm về số lượng. Khi đó mới thực sự là cải cách", bà Trần Thị Thanh Diệu, Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM nói. Theo kế hoạch, đến hết quý 1/2006, 80% quy trình hành chính của quận huyện sẽ được chuẩn hóa và đưa lên mạng; hết năm 2006, các quận huyện đều sử dụng các phần mềm thống nhất; hình thành các cổng giao dịch điện tử cho các ngành... "Việc triển khai chính phủ điện tử nhằm hỗ trợ công cuộc cải cách hành chính sẽ được thúc đẩy. Làm thế nào để người dân sờ được, thấy được chính phủ điện tử này thật sự là gì", Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

(Theo Thanh Niên)