(VietNamNet) - Ngày 15/3/2006, "Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Cơ hội tiếp cận đầu tư hậu WTO" đã diễn ra tại Hà Nội, bàn về cơ hội và thách thức sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tất cả các đại biểu có mặt tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đều thừa nhận: Gia nhập WTO sẽ có tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam. Những làm sao để tận dụng được cơ hội và tránh được rủi ro thách thức trong tiến trình gia nhập là vấn đề lớn cần được đánh giá để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất.
Cơ hội cất cánh
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tỏ ra rất lạc quan trước nhận định: 2006 là thời điểm Việt Nam cất cánh. Theo ông Phúc, trong 5 năm liền từ 2001-2005, tốc độ phát triển kinh tế luôn tăng cao là một yếu tố tạo đà cho sự cất cánh của Việt Nam.
Trong lĩnh vực quản lý của mình, ông Phúc cũng cho biết, những tháng đầu năm 2006 rất thuận lợi mở ra khả năng phát triển cao trong năm 2006. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, rất nhiều nhà đầu tư lớn từ Mỹ, EU và Nhật Bản đã đến Việt Nam làm ăn và qua các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, tất cả đều khẳng định Việt Nam đang có một cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Tham dự diễn đàn lần này, Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đã cử Tổng giám đốc của mình, ông Michael Smith đến Việt Nam và sắp xếp một lịch trình làm việc khá bận rộn với các quan chức Việt Nam như muốn khẳng định mong muốn mở rộng đầu tư và gắn bó lâu dài với Việt Nam. Ông Michael Smith khẳng định, Việt Nam đang là một điểm nóng đầu tư và trong kế hoạch của mình, HSBC vẫn chọn Việt Nam là điểm ưu tiên đầu tư ở châu Á Thái Bình Dương.
HSBC đầu tư vào Việt Nam là vì tiềm năng tương lai của Việt Nam. Việt Nam sẽ là con rồng châu Á dù đã là thành viên WTO hay chưa. Theo tôi việc vào WTO chỉ có nghĩa ý nghĩa tượng trưng vì không ai ngồi đợi lễ ký kết chính thức Việt Nam vào WTO. Việt Nam vẫn liên tục phấn đấu và chuyển đổi nền kinh tế một cách hợp lý. Các công ty nước ngoài vẫn đến Việt Nam đầu tư các dự án lớn vì tin rằng Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế năng động nhất châu Á - Ông Michael Smith khẳng định.
Trao đổi với các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Bích Đạt khẳng định nỗ lực gia nhập WTO của Việt Nam thể hiện thông điệp tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Điều này cùng với những cam kết mở cửa thị trường sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khác nhau. Việc gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng xuất khẩu. Và đây chính là một sức hút lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tận dụng các lợi thế về lao động, tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường pháp lý minh bạch hơn cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong hoàn cảnh mới.
Cảm nhận rõ thách thức
Lĩnh vực ngân hàng đang được Nhà nước bảo hộ với nhiều biện pháp và trên bàn đàm phán việc giữ cho các ngân hàng trong nước một khoảng thời gian để lớn mạnh đang diễn ra rất căng thẳng. Và các ngân hàng đã cảm nhận rất rõ sức ép của quá trình hội nhập. Ông Huỳnh Nam Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho rằng: vấn đề đặt ra với hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay là làm thế nào để nâng cao tính cạnh tranh và khai thác tối đa các cơ hội trong thị trường mở mang lại. Và ngay từ bây giờ, MHB đã bắt đầu triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của mình trong quá trình hội nhập.
![]() |
Thiếu những công trình hạ tầng tốt như thế này vẫn là một thách thức lớn. |
Theo ông Nguyễn Bích Đạt, thách thức khi gia nhập WTO trước hết đó là sức ép cạnh trạnh của môi trường kinh doanh khi giảm thuế, cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, loại bỏ trợ cấp, mở cửa thị trường dịch vụ. Ông Đạt cảnh báo, trong bối cảnh này, một bộ phận doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu tố tâm lý dựa vào bảo hộ thì trước lựa chọn sống còn buộc phải tự vươn lên và thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, gia nhập WTO tất yếu sẽ dẫn dến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những ngành và sản phẩm không có sức cạnh tranh tất yếu không tồn tại và có thể dẫn đến rủi ro về mặt kinh tế và xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp để nâng cao tính năng động và thích ứng với thị trường.
Đặc biệt, Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực và những hạn chế kết cấu hạ tầng. Việc gia nhập WTO đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật và quản lý để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế. Đồng thời phải huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra yêu cầu xây dựng pháp luật và cải cách hành chính cũng đang là những thách thức yêu cầu chúng ta có nhưng nỗ lực rất lớn.
Ông Đạt nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết từ khi gia nhập WTO sẽ tuân thủ toàn bộ các hiệp định quan trọng của tổ chức này, tuân thủ các nguyên tắc không phân biệt đối xử... Với tiến trình đàm phán hiện nay, chúng ta không còn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cho những biến đổi trong thời kỳ hậu gia nhập WTO.
Chuẩn bị sẵn các phương án
Ông Huỳnh Nam Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB - cho biết, cùng với việc tái cơ cấu theo chủ trường nhà nước, MHB đã thực hiện đầy đủ những thông lệ quốc tế trong quản lý rủi ro và quy trình kinh doanh. Đây là điều kiện tốt để ngân hàng tăng trưởng bền vững trong hội nhập.
Để đối phó với sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các ngân hàng nước ngoài theo lộ trình mở cửa, MHB đang hướng tới việc khai thác tối đa cơ hội trong thị trường bán lẻ thông qua các dịch vụ chất lượng cao cũng như hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ... MHB tin rằng việc thực hiện thành công các các mục tiêu chiến lược về nâng cao năng lực cạnh tranh mà cụ thể là phát triển nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới phục vụ, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại... Thì khi gia nhập WTO và mở cửa thị trường ngân hàng, MHB cũng như các ngân hàng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức để tận dụng các cơ hội.
Trong khi đó, trên bình diện môi trường đầu tư, ông Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tập trung vào 7 vấn đề chính là: hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý xây dựng cơ chế thị trường, nhất là các luật liên quan đến thương mại và đầu tư; Phát triển đồng bộ các loại thị trường như tiền tệ, vốn; Đảm bảo xây dựng một môi trường thống nhất, cạnh tranh lành mạnh; Xây dựng chính sách hội nhập sâu rộng hơn, đảm bảo tính cạnh tranh khi gia nhập WTO; Phát triển hạ tầng kinh tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng; Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực công nghệ cao; Cải cách hành chính, hướng tới các cơ quan nhà nước là người hướng dẫn, đảm bảo thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Về hai vấn đề sát thực với nhà đầu tư là đào tạo nhân lực và phát triển hạ tầng, ông Đạt cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định lực lượng lao động là một tiềm năng lớn và coi cải cách giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việt Nam đã tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo, mở rộng việc xã hội hoá giáo dục để huy động nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước.
Ông Đạt cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, nhất là các trường đại học lớn, các trung tâm công nghệ cao. Đồng thời các doanh nghiệp cũng nên chú ý tới việc đào tạo nhân lực vì đó là tương lai của các doanh nghiệp.
Trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng, trong những năm qua, Nhà nước đầu tư rất lớn chiếm khoảng 9-10% GDP cho các công trình điện, giao thông, thuỷ lợi... Việt Nam cũng xác định muốn phát triển ở mức 7-8% thì đầu tư hạ tầng không dưới 7-8% GDP. Việt Nam coi đầu tư hạ tầng là bước đột phá để phát triển bền vững. Hạ tầng phải đi trước một bước, thậm chí trong một số lĩnh vực quan trọng như điện, giao thông, cảng biển cần phải có sự tăng trưởng gấp đôi.
Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng không chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước mà phải đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư từ ODA, đầu tư tư nhân, áp dụng nhiều hình thức đầu tư phù hợp với công trình và các chủ đầu tư khác nhau. Việt Nam đã rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch hạ tầng các lĩnh vực điện, cảng biển, đô thị cho phù hợp với tình hình mới để thu hút đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị 1 danh mục 100 dự án hạ tầng lớn để kêu gọi các nguồn vốn.
Ông Đạt nhấn mạnh, Việt Nam chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế cả phần cứng và phần mềm, cho cả sản xuất và lưu thông và đây chính là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
▪ Nơi bảo tồn nguồn gen quý (15/03/2006)
▪ Giới thiệu rối nước dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học (15/03/2006)
▪ Phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với tiến trình cổ phần hóa DNNN (15/03/2006)
▪ Mở cửa thị trường lao động xuất khẩu ở Trung Đông (15/03/2006)
▪ Những Việt kiều xóa cầu khỉ (15/03/2006)
▪ Gánh nặng dành cho ai? (15/03/2006)
▪ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Venezuela (15/03/2006)
▪ Công an TP HCM nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu (15/03/2006)
▪ Giả danh tổ chức từ thiện đi quyên góp (15/03/2006)
▪ Bộ GTVT xin lùi thời hạn kiểm điểm trách nhiệm vụ PMU18 (15/03/2006)