Trẻ tự tử: Cha mẹ ở đâu khi con cái cần?
Các Website khác - 15/12/2008

 “Con quá cô đơn vì không có ai để chia sẻ. Áp lực phải thi đỗ vào trường chuyên của ba vẫn luôn ám ảnh con. Con phải làm gì nếu không thi đỗ? Chết đi cho hết lo”.

Một trẻ tự tử cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh  - Ảnh: Lê Nguyễn

 “Mẹ nghi em đã có người yêu, không lo học mà suốt ngày mơ mộng. Mẹ còn bảo em “chôm” tiền để đi chat nữa. Sao mẹ không chịu hiểu em”.

Tâm sự trên của những đứa trẻ có hành vi tự tử được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, được các chuyên gia tâm lý, bác sỹ... đưa ra tại một hội thảo mới đây như gióng thêm một tiếng chuông cảnh báo.

Khi đôi vai em quá mỏng!

Tỉnh lại sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống, Đặng T. Đ. 11 tuổi, ngụ tại Kiên Giang kể lại trong nước mắt: “Mấy hôm trước em có lấy trong ví mẹ 10.000 đồng để đi chơi game. Mẹ biết rồi rầy la và đánh em. Buồn quá em bỏ học, tìm đến cái chết bằng cách lấy khăn quàng treo cổ”.

Kể đến đây, Đ. cúi đầu ân hận: “Lẽ ra em không nên làm như vậy, nhưng la mắng rồi đánh em xong, mẹ còn dọa tối về mách bố để bố đánh tiếp nên em sợ quá mới làm chuyện dại dột”.

Phạm Thị M. 14 tuổi, ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai cũng tìm đến cái chết để giải toả nỗi oan ức của mình. Sau khi phát hiện M. hay viết nhật ký mà không chuyên tâm vào học hành, mẹ M. rầy la.

“Mẹ bảo em có “bồ” và đánh em. Em giải thích nhưng mẹ không nghe nên em mới uống thuốc diệt cỏ để chứng minh sự trong sáng của mình” - M. kể lại với các bác sĩ ở Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1.

Sinh ra trong gia đình giàu có, N. 15 tuổi ở Đồng Nai được cha mẹ đưa lên thành phố học tại một trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm lên 9 tuổi đến nay, lúc nào cậu cũng mặc cảm rằng mình bị bố mẹ phân biệt vì học không giỏi bằng người anh trai.

Từ sự tự ti, mặc cảm ấy, trong đầu N. đã hình thành ý định cắt tay và mua thuốc để tự tử. Biết những bất thường của con, cha mẹ N. đã nhờ Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - chuyên gia tâm lý tư vấn giúp đỡ. Sau nhiều bài trắc nghiệm, N. thú nhận muốn tự tử vì “mình quá xấu xí”.

Không giống như N., Nguyễn V. T là chàng trai khỏe mạnh, học giỏi. Nhưng mới đỗ vào năm thứ nhất trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, T. bị tai nạn chấn thương cột sống cổ và liệt tứ chi phải nằm một chỗ. Mọi chuyện từ sinh hoạt đến ăn uống của T. từ đó đều phải nhờ người thân giúp đỡ.

Buồn, chán nản, mỗi lần bàn tay cử động được là T. lấy dao lam giấu dưới giường tự cắt vào tay mình…để chết. “Em không thiết sống nữa! Sống mà gia đình phải chịu khổ thế này thì sống để làm gì” - T. kể lại sau khi được một chuyên gia tâm lý trợ giúp.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP Hồ Chí Minh cho biết, ông gặp khá nhiều cô cậu tuổi 15 - 16 nhưng lại chán sống vì đang mang căn bệnh “ết”. Có những đứa trẻ  sau khi được cứu sống cho biết, lý do tìm đến cái chết là vì cha mẹ ly thân, bố có “bồ”...

Cha mẹ ở đâu?

Hầu hết trẻ có hành vi tự tử vì không có mục tiêu rõ ràng của cuộc đời. Trong khi cha mẹ là người có vai trò quan trọng với con cái thì lại không hướng cho con sống có lý tưởng, mục tiêu từ khi chúng còn nhỏ. Đó là chưa kể đã có không ít trẻ tìm đến cái chết vì đang “gánh” một áp lực quá sức từ người lớn…

 Tiến sỹ tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Từ một nghiên cứu sâu về nguyên nhân tự tử ở giới trẻ, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết: Hầu hết trẻ có hành vi tự tử vì không có mục tiêu rõ ràng của cuộc đời. Trong khi cha mẹ là người “có vai trò quan trọng” với con cái thì lại không hướng cho con sống có lý tưởng, mục tiêu từ khi chúng còn nhỏ.

Đó là chưa kể đã có không ít trẻ tìm đến cái chết vì đang “gánh” một áp lực quá sức từ người lớn. Câu chuyện mà tiến sĩ Sơn kể lại khiến cho nhiều bậc làm cha mẹ không khỏi đau lòng. Mới tháng 8 vừa qua, anh nhận tư vấn tâm lý cho một nữ sinh lớp 11 có hành vi tự tử chỉ vì áp lực và kỳ vọng của người cha là phải đỗ đại học trong năm tới.


TS. Huỳnh Văn Sơn

“Trong cuốn nhật ký mà H. đưa cho tôi xem có những dòng ghi ngày tháng mà em sẽ chết. Cô bé cho rằng, cha mẹ đã dồn cô vào chân tường khi buộc phải đỗ đại học mà không phải là những lời khuyên hay là sự động viên” - Tiến sĩ Sơn kể lại.

Có nhiều năm nghiên cứu về tâm thần, bác sĩ  Lê Quang Huy - Khoa tâm thần Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, khi trẻ bị trầm cảm có nghĩa chúng đang đối diện với một nỗi lo lớn. Vì vậy, giai đoạn này cha mẹ và người thân động viên, chia sẻ tinh thần là điều rất quan trọng.

“Một khi trẻ có biểu hiện bệnh lý rối loạn tâm thần thì bác sĩ chuyên về tâm thần và các nhà tâm lý mới có thể chia sẻ được. Nhưng ai biết trẻ bị “bệnh” để đưa chúng đến đúng địa chỉ? - người đó chỉ có thể là cha mẹ. Thế nhưng, từ nhiều trường hợp tự tử trên, chúng ta phải đặt câu hỏi: Cha mẹ đang ở đâu khi con trẻ cần!”- Bác sĩ Huy chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, tư vấn cho 14 ca trẻ có hành vi tự tử, tiến sĩ Sơn cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến các em tìm đến cái chết đó là thiếu kỹ năng sống, trẻ không có nội lực thực sự để sống lạc quan, tích cực. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ người thân.

Đó cũng là lý do dẫn đến hành động tự tử của 18 trường hợp trẻ em mà Bệnh viện Nhi đồng 1 cứu sống, được bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang- Chuyên viên tâm lý lâm sàng Nhi khoa của bệnh viện này nghiên cứu.

Bác sĩ Trang cho biết: Số trẻ được tư vấn đều cho biết tìm đến cái chết vì buồn chuyện gia đình. Vì vậy, yếu tố gia đình và người thân là quan trọng vô cùng. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, rèn luyện kỹ năng sống để trẻ được trải nghiệm và sống thực tế là rất cần thiết. Ngoài ra, nên thay đổi mối quan hệ giữa trẻ với gia đình, người thân; tạo cho trẻ thói quen sống tích cực.

Sai lầm khủng khiếp!

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - Trưởng Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Đừng để trẻ cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình

“Áp lực từ học hành, kỳ vọng của bố mẹ hay những mối quan hệ bạn bè và thầy cô gặp trục trặc, không được giải tỏa dễ dẫn đến trầm cảm ở trẻ. Một nghiên cứu đã cho thấy 90% trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu, cảm thấy cô đơn, muốn giãi bày, thể hiện cảm xúc nhưng không có cơ hội”.

Trong hơn 300 ca tự tử đã được các bác sỹ tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP Hồ Chí Minh cứu sống từ giữa năm 2007 đến tháng 5/2008, hầu hết đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi vì một phút nông nổi mà suýt mất mạng. Có em đã nhận ra tự tử là sai lầm và đáng xấu hổ.

Tại một hội thảo tổ chức ngày 11/12, bác sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong 310 trường hợp có hành vi tự tử phải nhập viện này có hầu hết các thành phần, từ những người có học vấn cao đến những người mù chữ và nhiều nghề nghiệp khác nhau. Công nhân là đối tượng chiếm cao nhất với 59 trường hợp, tiếp đến là nhóm học sinh - sinh viên với 50 trường hợp…

Theo bác sĩ Tuấn, có 57,1% người tìm đến cái chết đều có triệu chứng trầm cảm trước khi có hành vi tự tử và có 6,1% bệnh nhân trước khi có hành vi này đã có tiền căn mang bệnh tâm thần.

“Liên quan đến tiền bạc dẫn đến tự tử chiếm đa số với 191 ca, tiếp đó bệnh tật và áp lực của thi cử. Quan hệ gây ra “sự cố” này chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng, tình yêu nam nữ và mối liên quan giữa cha mẹ, con cái”- Bác sĩ Tuấn nói. Theo bác sĩ Tuấn, đa số bệnh nhân nhập viện đều uống thuốc trừ sâu sẵn có trong nhà và mua thuốc ngủ để tự tử.

Tuy nhiên, ngoài 4 ca tử vong thì hầu hết các ca cứu sống đều trở lại cuộc sống bình thường và họ được tư vấn tâm lý nhiều lần. “Nhiều người trong số đó cho rằng “giải quyết vấn đề” bằng tự tử là một sai lầm khủng khiếp”- Bác sĩ Tuấn nói.

Tự tử: Gánh nặng cho gia đình và xã hội

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, tự tử không chỉ để lại nỗi ám ảnh cho nhiều người trong gia đình mà người tự tử còn để lại gánh nặng về tiền bạc cho người liên quan.

Viện phí để điều trị mỗi ca tự tử từ 15-20 triệu đồng, là một gánh nặng thực sự với những gia đình nghèo hiện nay. Trong khi đó, bệnh viện không phải là nơi mong muốn tiếp nhận những “bệnh nhân bất đắc dĩ” này.

Theo bác sĩ Tuấn trong 310 trường hợp tự tử, những người có trình độ cao chiếm tỷ lệ thấp.

Lê Nguyễn
                                                                                                                    Theo Tiền Phong Online