Nhà khoa học đó là Johan Hultin, năm nay 81 tuổi. Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày đầu thu năm 1949 tại Khoa Vi sinh học Trường Đại học Iowa, Mỹ. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu mặc áo choàng trắng làm việc chăm chú. Trong số này có Johan Hultin, một thanh niên Thụy Điển 25 tuổi, đến trường y Iowa để làm luận án về virus cúm nhưng chưa biết theo hướng nào.
Virus ở trong phổi
Anh được giới thiệu với giáo sư William Halle, nhà virus học lừng danh thế giới tình cờ ghé qua Đại học Iowa trong ngày hôm ấy. Trong bữa ăn trưa với Johan, giáo sư Halle đề cập đến cúm Tây Ban Nha 1918: “Vấn đề mấu chốt là phải tìm cho ra dấu vết con virus trong phổi của nạn nhân. Như vậy phải lên tận bang Alaska, vùng có băng vĩnh hằng, mới hy vọng tìm thấy xác bệnh nhân còn nguyên vẹn. Chưa ai làm việc đó cả”.
Cơ hội đã đến, với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, Johan lên kế hoạch truy tìm “sát thủ” Tây Ban Nha vào tháng 6-1951. Vớ được một bản đồ của hải quân Mỹ, anh chọn ba làng người Inuit (người phương Tây gọi là người Eskimo). Trước khi đi, Johan liên lạc với mục sư Lee, người còn lưu giữ danh sách người Inuit chết vì cúm Tây Ban Nha và biết rõ những mồ chôn tập thể những người này.
Trong ba làng nói trên, hai làng không còn nữa, chìm xuống biển hoặc trở thành sông băng. Chỉ còn làng Brevig. Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã đi qua đây vào mùa đông 1918. Lúc đó làng có 80 người thì có đến 71 người thiệt mạng trong vòng chưa đến ba ngày.
Muốn khai quật mồ, phải xin phép hội đồng bô lão tám người, trong đó có ba người thoát chết trận cúm năm ấy. Hội đồng họp rất lâu, cãi nhau rất hăng nhưng cuối cùng họ cũng cho phép Johan đào mồ vì Johan hứa nếu tìm thấy virus cúm Tây Ban Nha sẽ hy vọng bào chế được vắc-xin chống lại nó. Nhưng năm đó, Johan thất bại hoàn toàn. Anh tìm thấy virus trong phổi một cô gái chết trẻ nhưng nó đã chết. Lúc đó, y học chưa biết nhiều về gien, cho nên không biết cách hồi sinh nó. Thất vọng não nề, Johan cố quên đi virus cúm Tây Ban Nha.
Lucy
Một buổi sáng tháng 4-1997, Johan - lúc đó đã về hưu, định cư tại San Francisco - tình cờ đọc một bài báo trong tạp chí Science tháng 3 nói về công trình nghiên cứu của GS-TS Jeffery Taubenberger, 36 tuổi, về ADN virus cúm Tây Ban Nha. Bài báo cho biết GS-TS Taubenberger rất cần mẫu bệnh phẩm nhưng không tìm đâu ra.
Lập tức, Johan viết thư về Viện Mô bệnh học của quân đội ở bang Maryland, nơi GS-TS Taubenberger đang công tác, kể lại chuyến đào mồ ở Alaska. Một tuần sau, Johan nhận được một cú điện thoại của GS-TS Taubenberger: “Ông có sẵn sàng trở lại Alaska không?”. Johan lại khăn gói lên đường trở lại làng cũ.
Lại phải thuyết phục hội đồng bô lão, lúc này đã thay đổi nhiều so với 46 năm trước. Nhiều cụ sợ virus lây lan nếu đào bới mồ chôn tập thể. Johan phải thuyết phục mãi hội đồng mới cho phép. Cùng với bốn dân làng, Johan đào lớp băng đầu tiên, tìm thấy 10 xác nhưng tất cả đều có bộ phổi dập nát. Đào sâu thêm một lớp băng nữa, xuất hiện Lucy ở độ sâu 1,8 mét. Johan kể lại: “Cô ấy xuất hiện giống như một luồng ánh sáng trong tăm tối. Tôi đặt tên cô ấy là Lucy theo từ Lux có nghĩa là ánh sáng”. Lucy khoảng 30 tuổi, người mập tròn, mặc áo vải xanh. Nhờ lớp mỡ dày và băng giá mà các cơ quan nội tạng không bị thời gian tàn phá. Johan dùng dao mở buồng ngực làm lộ ra hai buồng phổi đầy, đỏ bầm. Phổi người chết bình thường xẹp lép chỉ có phổi người chết vì cúm mới no tròn. Johan cắt bốn cục phổi mà anh tin chắc chứa đầy virus còn sống cho vào formol.
Trên đường bay về San Francisco, anh giấu rất kỹ bệnh phẩm virus cúm Tây Ban Nha. Về đến nhà, anh gửi chúng cho GS-TS Taubenberger. Vị giáo sư này vô cùng mừng rỡ. Từ Maryland, mẩu bệnh phẩm được chuyển về trường y Mount Sinai ở New York, về bang Atlanta để các chuyên gia ở Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật bí mật làm hồi sinh virus cúm Tây Ban Nha và lập bản đồ gien của nó. GS-TS Taubenberger xác nhận: “Không có Johan Hultin, chúng tôi sẽ không bao giờ biết được gien của virus cúm Tây Ban Nha”.
Đặc biệt, không nhờ sự kiên trì của Johan thì người ta không bao giờ biết được một bí mật quan trọng tồn tại từ 87 năm nay: Virus gây ra bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến từ các loài chim hoang dã. Nghiên cứu kỹ con virus mà Johan mang về từ Bắc cực, người ta hy vọng sẽ bào chế được vắc-xin ngừa cúm gia cầm hiện nay đang đe dọa toàn cầu.
|