Tuyển sinh đại học 2006 sẽ xiết chặt kỷ luật
Các Website khác - 10/03/2006

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến chiều nay tại VnExpress, Vụ trưởng vụ ĐH sau ĐH Trần Thị Hà và ông Đỗ Duy Dự thường trực ban chỉ đạo tuyển sinh đã trả lời hàng trăm câu hỏi của bạn đọc về cách khai hồ sơ đăng ký, nguyên tắc xét tuyển, ra đề, công bằng trong thi cử...

Bà Trần Thị Hà và ông Đỗ Duy Dự. Ảnh: A.T
Bà Trần Thị Hà và ông Đỗ Duy Dự. Ảnh: A.T
- Xin chào Vụ trưởng Trần Thị Hà và ông Đỗ Duy Dự. Tôi là người rất quan tâm đến quy chế tuyển sinh đại học. Bà có thể cho biết, trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ có những thay đổi đặc biệt nào? Môn ngoại ngữ sẽ thi trắc nghiệm cả bài hay chỉ một phần? (Lê Thủy, 48 tuổi, Hà Nội).

- Bà Hà: Quy chế tuyển sinh năm nay có mấy điểm mới sau: Bổ sung thêm hai đối tượng ưu tiên là con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Bỏ điểm thưởng vào kết quả thi tuyển sinh đối với thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi; Tăng hình thức kỷ luật đối với thí sinh và cán bộ coi thi.

Môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm cả bài.

- Cháu có thể dự thi cả 2 khối A, B được không? Nếu trúng tuyển cả hai thì có được lựa chọn trường theo học không? (Nguyễn Ngọc Nhung, 18 tuổi, Hà Nội).

- Ông Dự: Cháu có thể dự thi cả hai khối A và B vì hai khối thi khác ngày nhau. Trong trường hợp trúng tuyển cả hai, cháu có quyền chọn một trường để học theo nguyện vọng.

- Tôi có hộ khẩu tại tỉnh, hiện đã cùng gia đình chuyển vào TP HCM và có đăng ký tạm trú tại thành phố (diện KT3), con tôi đã học 2 năm phổ thông tại TP HCM. Vậy ở mục: Nơi đăng ký hộ khẩu tôi phải khai như thế nào? Xin chân thành cám ơn. (Truong Phu Trung, 49 tuổi, TP HCM)

- Ông Dự: Trong mục đăng ký hộ khẩu, bạn phải khai là tại TP HCM (diện KT3).

- Nếu muốn đăng ký dự thi vào CĐ Sư phạm thì phải nộp một hồ sơ riêng trực tiếp ở trường hay ghi chung vào một hồ sơ đăng ký thi vào đại học? (Nguyễn Thị Thu Trang, 18 tuổi, Hải Phòng).

- Ông Dự: Nếu muốn thi vào CĐ Sư phạm, em phải nộp một hồ sơ riêng cho trường này, chứ không được ghi chung vào hồ sơ đăng ký dự thi đại học.

- Cho cháu hỏi hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tự do có quy định gì thêm so với hồ sơ của thí sinh bình thường? Đó là quy định gì, nếu có? (Đỗ Hoành Cường, 18 tuổi, Hà Tây).

- Bà Hà: Hồ sơ đăng ký của thí sinh tự do không có quy định gì thêm so với thí sinh bình thường.

- Năm nay, em thi ĐH lần thứ hai, xin hỏi có phải xin giấy xác nhận của địa phương và gửi hồ sơ đến trường, hay đến trường mình đăng ký? Em có hộ khẩu tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. (Trịnh Minh Hảo, 18 tuổi, Hà Nội).

- Ông Dự: Mọi hồ sơ đăng ký dự thi đều phải xin xác nhận. Nếu là học sinh đang học lớp 12, thì xin xác nhận của trường THPT. Nếu là thí sinh tự do, tức là đã tốt nghiệp những năm trước thì xin xác nhận của UBND phường, xã, nơi thí sinh đang cư trú.

- Em muốn hỏi rằng kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới môn ngoại ngữ cấu trúc câu hỏi sẽ như thế nào? Chủ yếu tập trung vào lớp 10, 11 hay 12?(Phạm Văn Đạt, 18 tuổi, Hà Nội).

- Bà Hà: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương ra đề thi phải bám sát nội dung chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề không quá khó, quá phức tạp, phù hợp với thời gian làm bài và có khả năng phân loại thí sinh. Riêng với đề thi ngoại ngữ sẽ theo phương pháp trắc nghiệm khách quan. Các câu trắc nghiệm dùng trong đề thi đều là câu có 4 lựa chọn A, B, C, D, trong đó chỉ có một phương án đúng. Và thí sinh phải lựa chọn một phương án đúng.

- Tôi thi vào một ĐH ở TP HCM, nhưng hộ khẩu tại Đà Nẵng, để đỡ tốn kém chi phí, tôi xin được dự thi tại cụm thi Quy Nhơn có được không? (Huỳnh Tịnh Sao, 19 tuổi, Đà Nẵng).

- Ông Dự: Cụm thi tại Quy Nhơn chỉ dành cho thí sinh tốt nghiệp THPT tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, có nguyện vọng thi vào các ĐH ở Hà Nội hoặc TP HCM. Vì vậy, nếu em ở Đà Nẵng có nguyện vọng thi tại TP HCM thì phải vào thi trực tiếp tại trường.

- Tôi sinh tháng 5/1976. Do yêu cầu công việc tôi có dự định đăng ký thi ĐH Luật Hà Nội, khối C. Vậy tôi có thể đăng ký dự thi như thí sinh bình thường được không? (Nguyễn Văn Thoả, 30 tuổi, Nghệ An).

- Ông Dự: Bạn được đăng ký dự thi như một thí sinh bình thường, vì các ĐH không hạn chế tuổi dự thi, trừ các trường thuộc khối quốc phòng, công an và một vài ngành năng khiếu nghệ thuật.

- Em đang là sinh viên năm 1 ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, là thành viên hội doanh nhân trẻ 8X. Năm nay em muốn dự thi vào ĐH Ngoại Thương, em đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và muốn nộp hồ sơ ở Hà Nội. Vậy em có thể nộp hồ sơ theo địa chỉ nào? (Trần Mạnh Công, 20 tuổi, HN).

- Ông Dự: Trước hết, em phải xin được một giấy đồng ý của hiệu trưởng ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội. Nếu hiệu trưởng đồng ý thì em nộp hồ sơ qua đường Sở GD&ĐT Hà Nội (từ ngày 10/3 đến 10/4) hoặc nộp trực tiếp tại trường ĐH Ngoại Thương (từ ngày 11/4 đến 17/4).

- Theo cháu và nhiều người khác thì đề thi năm ngoái quá là đơn giản so với một kỳ thi đại học khối A. Vậy đề thi năm nay sẽ như thế nào? (Lê Thọ Cường, 21 tuổi, Đà Nẵng).

- Bà Hà: Theo đánh giá của các ĐH, chuyên gia ra đề thi thì đề thi khối A năm 2005 đã bám sát chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nằm trong chương trình và sách giáo khoa THPT, không quá khó, quá phức tạp (mang tính đánh đố). Việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ, không chỉ nhằm lựa chọn những người thực sự xuất sắc, mà hướng vào số đông những người đủ trình độ tiếp thu kiến thức giáo dục ĐH.

Đề thi 2006 sẽ tiếp tục theo hướng chỉ đạo như năm 2005, vẫn bám sát vào chương trình và sách giáo khoa, không quá khó và quá phức tạp.

- Cháu muốn thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, các nguyện vọng của cháu như sau: NV1: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, NV2: ĐH Giao thông vận tải TP HCM, NV3: Hệ cao đẳng của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Về nguyên tắc cháu có được đăng ký như thế không? Và cháu phải ghi hồ sơ như thế nào? (Tran Van Thanh, 18 tuổi, Vũng Tàu).

- Ông Dự: Về nguyên tắc không được đăng ký như vậy. Khi khai hồ sơ đăng ký dự thi tại mục 2 chỉ ghi trường sẽ dự thi. Đó chính là nguyện vọng 1 của những thí sinh có nguyện vọng học tại những trường có thi tuyển sinh. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã dự thi, nhưng có kết quả bằng hoặc cao hơn điểm sàn quy định, thí sinh sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển NV2 và NV3. Việc đăng ký xét tuyển được tiến hành trong thời hạn từ 25/8 đến 10/9 (đối với NV2) và từ 15/9 đến 30/9 (đối với NV3). Hồ sơ nộp trực tiếp cho trường theo đường bưu diện chuyển phát nhanh. Hồ sơ gồm: 1 giấy chứng nhận kết quả thi và 1 phong bì đã dán tem và ghi địa chỉ liên lạc của thí sinh.

- Trong quy chế tuyển sinh đại học 2006, Bộ có cộng điểm ưu tiên cho con cán bộ hoạt động cách mạng từ 1945 trở về trước. Nếu là cán bộ hoạt động cách mạng từ 1945 về trước liệu còn có con nhỏ để thi ĐH hay không mà quy chế lại đề cập vấn đề này? (Hồng Hoa, 20 tuổi, Thuận Thành, Bắc Ninh).

- Ông Dự: Quy chế tuyển sinh 2006 có bổ sung 2 đối tượng ưu tiên: con người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Việc bổ sung này là thể theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Pháp lệnh người tàn tật. Đối tượng này có thể ít nhưng không loại trừ.

- Nếu em có bằng tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, có được phép dự thi vào các ĐH ở Việt Nam không? (Nguyen Minh Trang, 20 tuổi, Berlin).

- Ông Dự: Thí sinh là người Việt Nam có bằng tốt nghiệp tương đương bằng phổ thông trung học VN, được phép dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng không được hưởng ưu tiên theo khu vực. Nếu đạt điểm trúng tuyển do trường quy định thì được vào học.

- Em xin hỏi điểm liệt thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH có gì thay đổi không? (Nguyễn Thị Thu Hương, 17 tuổi, TT Huế).

- Ông Dự: Nếu một trong ba môn thi tuyển sinh ĐH, CĐ bị điểm 0 thì không được xét tuyển vào trường.

- Xin Vụ trưởng cho biết bao giờ thì Việt Nam có một quy chế thi vào ĐH và trung học chuyên nghiệp ổn định cho một giai đoạn nhất định, chứ không phải cứ thay đổi hằng năm như hiện nay? (Trần Văn Vinh, 45 tuổi, TP HCM).

- Bà Hà: Nói chung quy chế thi vào ĐH và trung học chuyên nghiệp về cơ bản ổn định trong nhiều năm nay như đối tượng dự thi, cách tổ chức thi, cách ra đề... Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ cần phải phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn. Do vậy, có một số sửa đổi để phù hợp với phương pháp đánh giá và đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các thí sinh khi tham gia dự tuyển.

Ví dụ, năm 2006 thì quy chế tuyển sinh về cơ bản vẫn ổn định như năm 2005, chỉ bổ sung một số điểm: ưu tiên đối với con của người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; bỏ chế độ cộng điểm thưởng vào kết quả thi ĐH CĐ của thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi; quy định chặt hơn xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật phòng thi; phương pháp thi môn ngoại ngữ là theo trắc nghiệm khách quan.

- Chào bà, năm nay con tôi thi ĐH, cháu muốn thi ĐH Ngoại thương khối A. Nếu không đỗ thì có được chuyển xuống khoa khác đủ điểm không? (Nguyễn Lê Bích Hằng, 45 tuổi, Phú Thọ).

- Bà Hà: Cháu có thể chuyển xuống khoa khác nếu khoa đó có xét tuyển nguyện vọng 2 và điểm của cháu đủ để xét tuyển nguyện vọng 2 vào khoa này.

- Em đăng ký thi khối V ĐH Kiến trúc, nếu trượt nguyện vọng 1 thì có thể vào những trường nào? (Nguyễn Ngọc Hương, 18 tuổi, 35 Lò Đúc, Hà Nội).

- Ông Dự: Nếu dự thi khối V vào ĐH Kiến trúc Hà Nội không đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể đăng ký xét tuyển vào trường không tổ chức thi ngành này, nhưng có chỉ tiêu xét tuyển. Chi tiết, bạn xem trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006.

- Tôi có con trai sinh 1/1/1989 đang học lớp 12. Khi tốt nghiệp THCS, cháu phải xin xác nhận tuổi. Năm nay thi ĐH, cháu có phải làm thủ tục xác nhận gì không? Và nếu có thì làm ở đâu, khi nào thì kịp thời? (Nguyen Hoang Trung, 50 tuổi, HN).

- Ông Dự: Thi tuyển sinh đại học không phải làm giấy xác nhận tuổi vì thi tuyển sinh ĐH, CĐ không quy định về tuổi, trừ các trường thuộc khối quốc phòng, công an và một vài ngành năng khiếu nghệ thuật.

- Xin Vụ trưởng cho biết liệu Bộ có thể ứng dụng đăng ký thi qua mạng được không, tôi nghĩ cách này đỡ tốn kém và tránh sai sót, quản lý đơn giản và mất thời gian hơn? (Nguyễn Tiến Dũng, 35 tuổi, Vĩnh Phúc).

- Bà Hà: Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai trương cổng thông tin tuyển sinh http://ts.edu.net.vn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc tra cứu các thông tin, lấy mẫu hồ sơ đăng ký dự thi. Thời gian tới, khi hệ thống công nghệ thông tin của các Sở Giáo dục và Đào tạo các trường đã được đồng bộ với hệ thống của Bộ, cơ sở pháp lý thừa nhận chữ ký trên mạng thì thí sinh có thể đăng ký thi qua mạng.

- Làm thế nào để chống tiêu cực trong khi thi cử từ phía Hội đồng chấm thi và nhà trường. Chúng tôi muốn một cuộc thi hoàn toàn công bằng. Xin ông và bà cho biêt chiến lược giảm thiểu hiện tượng tiêu cực trong thi cử năm 2006? (Nguyen Thanh Vinh, 31 tuoi, Hue).

- Ông Dự: Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Trong các kỳ thi tuyển sinh vẫn còn xảy ra các hiện tượng tiêu cực, kể cả trong quá trình chấm thi. Để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, trong quy chế tuyển sinh đã quy định nhiều biện pháp chặt chẽ cùng với chế tài cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường và các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra thanh tra, việc thực hiện các quy định của quy chế. Nếu phát hiện sai phạm thì kiên quyết xử lý. Chẳng hạn, những thủ tục đánh số phách, dồn túi bài thi, giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi, đáp án, thang điểm, việc xử lý điểm khi có sự chênh lệch giữa các giáo viên chấm theo 2 vòng độc lập, việc ghi điểm từ bài thi vào biểu... đã được quy định rất chi tiết. Nếu làm sai các quy định này thì đều bị xử lý.

- Bà Hà: Mong muốn đảm bảo sự công bằng trong các kỳ thi là yêu cầu của tất cả thí sinh, đây là yêu cầu rất chính đáng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các hội đồng thi phải có trách nhiệm đảm bảo yêu cầu này. Vì vậy, trong việc ban hành văn bản chỉ đạo thi cũng như những chỉ đạo cụ thể trong các kỳ thi đều nhằm đảm bảo công bằng, nghiêm túc và hạn chế đến mức tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

Trong năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường việc sử dụng công nghệ thông tin để kiểm tra, rà soát và tránh gian lận trong thi cử. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chuẩn bị tổ chức thi, thi, chấm thi, xét trúng tuyển của các ĐH, CĐ.

- Theo Vụ trưởng, những ngành học nào sẽ có điểm chuẩn cao nhất trong mùa tuyển sinh? Ngành Điện, Điện tử (ĐH Bách khoa), có phải là ngành sẽ có điểm chuẩn cao không? (Lê Văn Toàn,, 19 tuổi, Huế).

- Bà Hà: Điểm chuẩn phụ thuộc vào chỉ tiêu của từng ngành theo từng trường và số thí sinh dự thi, kết quả thi của thí sinh năm 2006. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn vào ĐH Bách khoa năm 2005 để tham khảo, thông tin đó có thể tìm được trên mạng của ĐH Bách khoa và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Cháu là học sinh đang học ở Đức. Theo quy định ở đây chỉ cần thi 1 lần rồi sau đó xét tuyển luôn vào đại học, nói như vậy nếu về Việt Nam cháu phải thi lại 1 lần nữa đúng hay không ạ? (Nguyen Minh Trang, 20 tuổi, Berlin).

- Ông Dự: Nếu cháu chưa hề dự thi đại học ở Việt Nam và đã trúng tuyển đại học ở Đức, thì cháu có thể làm đơn xin chuyển về học tại một trường đại học ở Việt Nam phù hợp với ngành nghề cháu đã dự thi ở Đức. Kèm theo đơn phải có giấy chứng nhận trúng tuyển ĐH, học bạ phổ thông trung học, bằng tốt nghiệp THPT.

- Cháu muốn hỏi các ngành cụ thể trong hệ quân sự của Học viện kỹ thuật quân sự. Trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng chỉ ghi đúng một dòng "kỹ sư quân sự" là như thế nào? (N Minh, 18 tuổi, Hà Nội).

- Bà Hà: Chi tiết về việc thi tuyển sinh vào các trường quân sự, bạn có thể hỏi trực tiếp tại Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã nơi bạn có hộ khẩu thường trú.

- Cháu đang học ĐH Kiến Trúc Hà Nội, nay cháu có nhu cầu học thêm một ĐH thứ 2 nữa (trường Kinh Tế). Vậy cháu có được phép học không? Nếu được thì cháu phải làm những thủ tục gì? Cháu xin cám ơn! (Phong, 20 tuổi, Hà Nội).

- Bà Hà: Bạn có thể thi vào một trường ĐH khác năm nay, với điều kiện đơn xin dự thi của bạn phải được hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội chấp nhận.

- Em là học sinh tiếng Pháp nên em sẽ thi khối D3 trong kỳ thi đại học sắp tới. Nhưng nếu em có thể thi được tiếng Anh thì em có thể thi cùng lúc cả hai khối D là D1 và D3 hay không? (Nguyen Hien Anh, 18 tuổi, Ha noi).

- Ông Dự: Không thể cùng một lúc dự thi cả khối D1 và D3 vì hai khối này thi cùng một ngày.

- Em xin hỏi có phải năm nay tất cả trường trung cấp đều chỉ xét tuyển mà không thi đầu vào? (Minh Thành, 17 tuổi, Hà Nội).

- Các trường trung cấp có 2 hình thức tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển. Chi tiết bạn cần xem cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 2006.

- Thưa ông, bà, nếu trắc nghiệm ngoại ngữ như năm nay thì có ổn không, tôi thấy vừa rồi chấm bài rất lâu. Nếu có sai sót thì ai là người chịu trách nhiệm (Nguyễn An Nghĩa, 54 tuổi, Hà Nội).

- Ông Dự: Theo lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ thì từ năm 2006 sẽ thi trắc nghiệm các môn ngoại ngữ. Thí sinh đã được làm quen với phương pháp này qua các đợt thi thử. Việc chấm thi sẽ tiến hành bằng máy do đó sẽ bảo đảm khách quan và rút ngắn thời gian chấm. Nếu có những trục trặc trong quá trình chấm như thí sinh không tô hết các ô tròn hoặc phiếu trả lời trắc nghiệm bị rách, quăn thì hội đồng chấm thi sẽ có biện pháp xử lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

- Mùa tuyển sinh năm nay có ưu tiên điểm xét tuyển vào đại học cho thí sinh là con thương binh không? Nếu được ưu tiên thì điểm ưu tiên là bao nhiêu? Cháu xin chân thành cảm ơn cô, chú (Nguyễn Thị Vân, 18 tuổi, Thanh Hoá)

- Ông Dự: Con thương binh, con bệnh binh, con những người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động trên 81% thuộc nhóm ưu tiên 1, nghĩa là được hưởng điểm trúng tuyển thấp hơn học sinh bình thường 2 điểm. Còn người mất sức lao động dưới 81% thuộc nhóm ưu tiên 2, nghĩa là được hưởng điểm trúng tuyển thấp hơn học sinh bình thường 1 điểm.

- Cho cháu hỏi, nếu cháu thuộc KV2-NT khi thi đại học cháu có được điểm ưu tiên gì không? Cháu dự định thi vào trường quân đội thì có được không và yêu cầu về tuổi như thế nào? Cháu xin cảm ơn cô chú (Nguyen Thanh Tan, 21 tuổi, Quảng Ngãi).

- Ông Dự: Thí sinh tốt nghiệp THPT tại KV2-NT sẽ được hưởng điểm trúng tuyển thấp hơn so với học sinh ở KV3 là 1 điểm. Các trường quân đội có quy định riêng về điều kiện dự thi (kể cả quy định về tuổi). Cháu cần hỏi trực tiếp tại Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã nơi cháu đang cư trú.

- Theo một bài báo đã đăng, có đề thi riêng cho học sinh phân ban. Cấu trúc thi gồm hai phần, câu hỏi bắt buộc và câu hỏi tự chọn theo chương trình phân ban. Thí sinh học chương trình không phân ban có nên chọn câu hỏi của chương trình phân ban không? Nếu làm được có được cộng thêm điểm không? (Nguyen Hoang Trung, 50 tuổi, Hà Nội).

- Ông Dự: Đề thi tuyển sinh năm nay sẽ có hai phần. Phần bắt buộc cho tất cả thí sinh. Phần tự chọn sẽ gồm hai câu hỏi: một câu biên soạn theo chương trình không phân ban, một câu theo chương trình phân ban thí điểm. Hai câu này có cùng mức điểm như nhau. Thí sinh được quyền chọn một trong hai câu, không phụ thuộc vào việc đã học theo chương trình nào. Nếu thí sinh có làm cả hai thì cũng không được ưu tiên nào.

- Tôi là du học sinh tại Liên bang Nga. Gần đây, các báo hay tư vấn về tỷ lệ chọi. Xin hỏi bà Hà nếu trường A có tỷ lệ chọi 1/100 có dễ thi vào hơn trường B có tỷ lệ 1/50? (Hải Nam, 24 tuổi, Liên bang Nga).

- Bà Hà: Chỉ sử dụng tỷ lệ chọi để so sánh khả năng đỗ là không phù hợp vì nó còn phụ thuộc người chọi với mình giỏi hơn hay kém hơn. Ví dụ ĐH Bách khoa, số lượng thí sinh thi không nhiều, nhưng toàn người giỏi thì tỷ lệ chọi có thể thấp, nhưng để đỗ thì không dễ.

- Em thi khối D và muốn làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng gia đình em không có điều kiện để đi thi ở Đà Lạt. Cho em hỏi là ở Đà Nẵng có trường du lịch nào ko? Còn nếu thi ở Đà Lạt thì có những trường nào? Cam on a! (Pham Thi Thanh Thuy, 18 tuổi, Tam Hoa - Dai Quang - Dai Loc - Quang Nam)

- Ông Dự: Trường Đại học kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng có đào tạo ngành quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ. Ở Đà Lạt, trường Đại học Đà Lạt có tuyển sinh ngành du lịch. Còn Đại học dân lập Yersin (ở Đà Lạt) có ngành du lịch khách sạn và nhà hàng.

- Cho em hỏi, hiện nay em đang học ĐH khối K hệ tại chức của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Vậy em muốn thi thêm vào hệ chính quy khối K của trường này có được hay không ? Nếu được thì thủ tục như thế nào? (Trung, 22 tuổi, TP HCM)

- Ông Dự: Bạn cần phải có giấy đồng ý của hiệu trưởng trường mà bạn đang học. Nếu hiệu trưởng đồng ý thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi như mọi thí sinh bình thường.

- Cháu xin hỏi là những trường nào năm nay xét tuyển nguyện vọng 2. Và điểm có phải cộng thêm không ạ? (Trần Duy Nam, 18 tuổi, Ngõ Quỳnh Hà Nội)

- Ông Dự: Năm 2005 chỉ có khoảng 28 khoa và trường đại học không xét tuyển nguyện vọng 2, còn lại đều có xét tuyển nguyện vọng hai và ba. Điều kiện để trúng tuyển nguyện vọng hai và ba là đạt điểm quy định của trường. Theo quy định thì điểm trúng tuyển nguyện vọng hai và ba không được thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng một.

- Em muốn hỏi một vấn đề ngoài lề chủ đề tuyển sinh năm nay. Bằng đại học do Bộ GD&ĐT cấp, hiện nay do một sự cố, em bị mất. Vậy em có thể xin cấp lại được không? Xin lỗi vì đã làm phiền các thầy cô, nhưng chuyện này rất quan trọng, và em nghĩ là mình đang hỏi đúng người. Xin cảm ơn! (Nguyen Minh, 25 tuổi, TP Ho Chi Minh)

- Ông Dự: Về nguyên tắc, các trường đai học không cấp lại bằng tốt nghiệp. Nếu chẳng may bị thất lạc, bạn cần làm đơn đến trường để trường xem xét, cấp giấy chứng nhận.

- Để được sự chấp nhận của hiệu trưởng trường sở tại đồng ý cho cháu học ở 1 trường ĐH khác, cháu có cần phải có thêm điều kiện gì không? (ví dụ như về học lực). Cháu xin cảm ơn. (Phong, 20 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Cháu chỉ cần làm đơn trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng để hiệu trưởng xem xét quyết định.

- Em tôi thi vào khối N trường Đại học sư phạm Hà Nội. Nếu trượt nguyện vọng 1 thì có thể đăng ký vào trường nào?(Tran Ha, 25 tuổi, Ha Noi)

- Ông Dự: Nếu trượt nguyện vọng 1, bạn có thể đăng ký vào những trường đại học hoặc cao đẳng khác có chỉ tiêu tuyển sinh ngành này nhưng không tổ chức thi. Chi tiết xem tại cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2006.

- Cho cháu hỏi về mức độ khó của đề thi hai khối A và B môn Toán và Hóa (Trần Văn Hiếu, 17 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Nguyên tắc ra đề thi tuyển sinh 2006 là bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu lớp 12, không quá phức tạp, không quá khó, có khả năng phân loại thí sinh và tránh những câu hỏi chỉ bắt thí sinh học thuộc lòng.

- Em xin hỏi nếu thi Đại học Bách khoa thì có phải đăng ký ngành học ngay không ạ, hay là vào trường rồi mới phân khoa?(Đỗ Thiện, 18 tuổi, HN)

- Ông Dự: Ngay trong hồ sơ đăng ký dự thi, bạn đã phải ghi rõ khối thi và ngành học. Điểm trúng tuyển của Đại học Bách khoa được xác định theo khối thi.

- Hiện em đang học lớp 12 tại Quảng Nam, em dự định thi vào một trường thuộc Đại Học Quốc Gia TP HCM, em có thể thi tại cụm thi TP HCM được không? Nếu được em phải làm thủ tục đăng ký như thế nào?Em xin cảm ơn! (Duong Anh Tuan, 18 tuổi, Quảng Nam)

- Ông Dự: Em có thể dự thi tại trường ở TP HCM. Hồ sơ cần nộp trực tiếp cho trường.

- Vụ trưởng vừa nói là năm nay Bộ khai trương cổng thông tin tuyển sinh, nhưng em đã thử vào rất nhiều lần và đều bị lỗi, không vào được. Vụ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này? (Nguyễn Lan Hương, 17 tuổi, Nam Định)

- Bà Hà: Tôi vừa điện thoại cho ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin và được ông Ngọc cho biết, tại thời điểm này, việc truy cập vào cổng thông tin vẫn bình thường. Bạn gặp lỗi truy cập có thể do nhiều lý do, do máy tính, do đường truyền hoặc có quá nhiều người cùng truy cập. Tốt nhất bạn nên truy cập vào sáng sớm hoặc đêm khuya, lúc ít người vào mạng.

- Cháu muốn thi vào ĐH Kiến trúc nếu không đậu sẽ chuyển kết quả vào 1 trường ĐH dân lập không tổ chức thi tuyển. Vậy cháu sẽ làm hồ sơ đăng ký như thế nào? (Trần Đức Huy, 18 tuổi, TP HCM)

- Ông Dự: Về nguyên tắc, nếu bạn dự thi khối V trường ĐH kiến trúc nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, được quyền đăng ký xét tuyển theo NV2, NV3 vào những trường có chỉ tiêu tuyển ngành này nhưng không tổ chức thi. Chi tiết, bạn xem kỹ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng.

- Xin bà và ông vui lòng cho biết: Thi vào Trường ĐHNN Hà Nội (Thanh Xuân), môn ngoại ngữ tính hệ số 1 hay 2. Xin trân trọng cám ơn. (Nguyễn Hương Lan, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Bạn có thể hỏi trực tiếp tại trường theo số điện thoại 04 8547453 để có thông tin cụ thể.

- Cho cháu hỏi năm nay thi nếu không trúng tuyển đợt 1 của khối A nhưng đủ điểm vào một trường khác ở cùng khối thì có được học không ạ? (Trần Duy Nam, 18 tuổi, Ngõ Quỳnh, hà nội)

- Ông Dự: Nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, bạn có thể đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào những trường có cùng khối thi.

- Năm ngoái việc xét tuyển nguyện vọng 3 kéo dài và khá phức tạp. Năm nay có hai đợt xét tuyển nguyện vọng 2 và 3, liệu có xảy ra tình trạng trên? (Kiều Liên, 25 tuổi, Ngân hàng nhà nước)

- Bà Hà: Xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 vẫn thực hiện như năm 2005. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 từ 25/8 đến 10/9, công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo điểm tới các Sở Giáo dục Đào tạo trước ngày 15/9. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 từ 15/9 đến 30/9. Công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo trước ngày 15/10.

Với việc quy định thời gian nhận hồ sơ và xét tuyển như trên sẽ thuận tiện cho các thí sinh trong việc lựa chọn các trường để đăng ký nguyện vọng 2, 3 và các trường có đủ thời gian để thực hiện việc xét tuyển.

- Cháu mới thi đội tuyển quốc gia về môn hoá học? Xin hỏi, cháu được giải quốc gia thì cháu có được tuyển thẳng vào trường ĐH Dược HN không? (Đỗ Thị Thu Hường, 18 tuổi, Thanh Hoá)

- Ông Dự: Những học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia được dự tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu cháu đạt giải môn Hoá học thì được quyền đăng ký tuyển thẳng vào ĐH Dược Hà Nội.

- Hiện nay, vào các kỳ thi đại học có một số bộ phận sinh viên các trường ĐH làm đáp án của các môn và bán tại cổng các trường mà có thí sinh thi. Việc này gây ra tâm lý không tốt cho các thí sinh khi thi các môn tiếp theo. Các bác nghĩ sao về vấn đề này? (Nguyễn Hữu Cường, 25 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Trong những năm qua vẫn còn hiện tượng ở tại cổng trường thi có một số người bán đáp án các môn thi gây tâm lý không tốt cho thí sinh. Theo quy định, khi thí sinh ra khỏi phòng thi trước giờ kết thúc môn thi thì không được đem đề thi ra ngoài. Vì vậy, nếu có những đáp án này, thì có lẽ chỉ nghe qua lời kể của những thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Vì vậy chắc chắn không chính xác và không đầy đủ. Sau mỗi đợt thi, Bộ GD&ĐT đều công bố công khai đề thi, đáp án và thang điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng để thí sinh tự kiểm tra và tự chấm bài của mình. Vì vậy, bạn không nên bận tâm vào những đáp án bán tại cổng trường thi.

- Thưa chị Trần Thị Hà, theo như chị vừa nói thì đề thi đại học không quá khó, vậy tại sao có sự chênh lệnh giữa kết quả thi đại học và THPT. (Trần Tuấn, 32 tuổi, Nghiên cứu sinh tại Đức)

- Bà Hà: Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT khác với mục tiêu tuyển sinh ĐH. Vì vậy việc đánh giá hai kỳ thi này là khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu đào tạo của giáo dục phổ thông và học sinh học tập đạt trình độ trung bình trở lên thì sẽ đạt yêu cầu tốt nghiệp. Còn thi tuyển sinh ĐH chỉ lựa chọn một số tiêu biểu của số đã tốt nghiệp THPT.

- Tôi đang ở Califonia, xin hỏi ĐH Y Dược có tuyển sinh người Việt định cư ở nước ngoài không? Có giới hạn tuổi không? (Binh, 38 tuổi, California)

- Ông Dự: Thí sinh là người Việt Nam nếu có bằng tốt nghiệp tương đương bằng trung học phổ thông Việt Nam thì được phép dự thi vào các ĐH - CĐ tại Việt Nam và không hạn chế tuổi trừ các trường thuộc khối quốc phòng, công an và một vài ngành năng khiếu nghệ thuật. Cứ là người có quốc tịch VN, bất kể đang ở nước nào thì đều có thể được dự thi như người trong nước nếu đủ điều kiện về bằng.

- Bộ GD&ĐT có biện pháp gì để chống hiện tượng đổi bài thi khi chấm thi? (Hoang Minh, 18 tuổi, HA NOI)

- Ông Dự: Theo những quy định hiện hành, thì không thể đổi bài thi trong khi chấm thi được. Cụ thể là bài thi đã được dọc phách, số phách bài thi do máy tính tự động xác định. Việc dồn những bài thi nào vào phong bì để chấm thi cũng do máy tính thực hiện. Khi chấm thi, các giám thị lại bốc thăm túi bài thi để chấm. Quan hệ giữa số báo danh và số phách là tài liệu mật do chính trưởng ban chấm thi quản lý. Ngoài ra, khi thí sinh trúng tuyển vào trường còn phải qua khâu hậu kiểm tức là, bài thi của thí sinh sẽ được kiểm tra một lần nữa và sẽ được đối chiếu với chữ viết của chính thí sinh.

- Thưa cô Hà, năm nay, điểm của thí sinh được công bố ngay sau khi chấm xong, sau đó mới xác định điểm trúng tuyển. Liệu có xảy ra tiêu cực trong việc xác định điểm chuẩn không vì chỉ tiêu của các trường có thể xê dịch đôi chút? (Bá Anh, 19 tuổi, Ba đình, Hà nội)

- Bà Hà: Việc này không phải năm nay mới thực hiện mà đã thực hiện từ kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2004. Và đã được dư luận xã hội đánh giá tốt. Việc xác định điểm chuẩn của các trường căn cứ vào chỉ tiêu được giao, kết quả thi tuyển của thí sinh. Vì vậy không có khả năng để xảy ra tiêu cực.

- Tôi năm nay 45 tuổi. Xin hỏi tôi có được đăng ký dự thi ĐH Quốc gia năm nay không? Nếu trúng tuyển, tôi có được chuyển thẳng vào học "tại chức ban đêm" hay loại hình nào khác? (Trần Trọng, 45 tuổi, TP Hà Nội)

- Ông Dự: Thứ nhất, bạn được đăng ký dự thi vào ĐH Quốc gia hệ chính quy. Nếu trúng tuyển, bạn sẽ được học hệ chính quy. Còn nếu có nguyện vọng học hệ tại chức ban đêm thì bạn phải thi tuyển sinh vào hệ đó, chứ không chuyển từ hệ nọ sang hệ kia.

- Thí sinh là người nước ngoài muốn đăng ký thi đại học để học ở Việt Nam trong các trường công lập thì có được không? (Đỗ Duy Dự, 56 tuổi, Ngọc Hà, Hà Nội)

- Ông Dự: Hiện chưa có quy định cụ thể về việc này. Tuy nhiên, trong những năm qua, một số trường đóng tại những vùng hoặc khu công nghiệp có nhiều người nước ngoài sinh sống, đã cho phép thí sinh là người nước ngoài có bằng tốt nghiệp tương đương THPT Việt Nam được dự thi.

- Tôi là phụ huynh có con năm nay thi đại học. Tôi đã tìm hiểu quyển "Những điều cần biết" để có những góp ý cho con. Nhưng tôi cũng được nghe và biết một số trường có phản ánh rằng mã tuyển sinh của trường, và một số mã ngành có in sai(chẳng hạn như thi sư phạm Hát mà thi khối B). Vậy cho tôi hỏi Vụ có ý kiến gì với việc này. (Nguyễn Hiển Minh, 46 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

- Bà Hà: Bạn nên cho biết cụ thể là mã ngành của trường nào in sai. Trong cuốn "Những điều cần biết", những thông tin về trường ĐH Sư phạm Hà Nội thể hiện trên trang 51, 52 thì thí sinh thi nội dung năng khiếu là hát, sẽ phải thi khối M: Văn, Toán (thi theo đề thi khối D). Nếu thí sinh thi khối H: Văn sẽ thi theo đề khối C và năng khiếu hình hoạ.

- Cháu đang rất phân vân vì học phân ban, mọi bài kiểm tra đều là trắc nghiệm (Toán, Lý , Hoá). Vậy đối với kỳ thi đại học sắp tới, bọn cháu có phải thi trắc nghiệm không? Đề thi phân ban và không phân ban có gì khác nhau ạ? (Đinh Thu Phương, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Theo lộ trình cải tiến tuyển sinh, từ năm 2006 sẽ thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ; từ năm 2007 thi trắc nghiệm các môn: Lý, Hóa, Sinh; từ 2008 thi trắc nghiệm các môn còn lại. Riêng môn Văn, kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm.

Đề thi theo chương trình nào thì biên soạn theo chương trình đó.

- Tôi được biết, do chênh lệch điểm xét tuyển vào các trường đại học ở TP HCM trong nhiều năm qua thường thấp hơn rất đáng kể so với các trường ở Hà Nội , nên nhiều thí sinh ở phía Bắc đã đăng ký dự thi ở các trường phía Nam để dễ dàng trúng tuyển. Nhưng sau đó 1 năm lại có thể chuyển trường ra Hà Nội, như vậy có đảm bảo công bằng không? (Dinh Huy, 51 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- Ông Dự: Theo quy chế hiện hành thì sinh viên đang học năm thứ nhất hoặc năm cuối cùng không được phép chuyển trường. Những trường hợp được phép chuyển trường thì không được chuyển vào những trường có điểm trúng tuyển cao hơn kết quả thi của mình tại kỳ thi tuyển sinh.

- Liệu có khả năng máy chấm thi trắc nghiệm ngoại ngữ có sai sót vì tôi nghe nói hệ thống máy chấm được làm từ những năm 1970? (Do Bich Van, 47 tuổi, Ha Noi)

- Bà Hà: Để trả lời câu hỏi này, tôi đã gọi điện cho ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, ông Ninh khẳng định các máy chấm thi trắc nghiệm ngoại ngữ hiện nay Bộ và một số Sở đã được trang bị đều là những máy hiện đại. Bạn có thể yên tâm về độ chính xác của máy.

- Cho cháu hỏi có thể học 2 trường cùng một lúc không? (Nguyen Tien, 19 tuổi, HN)

- Ông Dự: Chỉ sau khi học hết năm thứ nhất và có điểm trung bình chung đạt từ 9 trở lên thì được hiệu trưởng 2 trường xem xét để cho học đồng thời 2 trường theo một thời khóa biểu thích hợp.

- Cháu nghe nói Bộ mới ban hành 1 cách mới để chống hiện tượng thi hộ, bác có thể nói rõ hơn về việc này được ko ạ? (Thảo, 20 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Hiện nay các trường áp dụng nhiều biện pháp chống thi hộ như: kiểm tra ảnh, sắp xếp cho những thí sinh trùng tên ngồi cách xa nhau, sau khi trúng tuyển thì tiến hành hậu kiểm để so sánh chữ viết trên ba bài thi và chữ viết thực tế của sinh viên. Nhờ đó đã phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp thi hộ, thi kèm.

- Cho cháu hỏi đại học và học viện khác nhau như thế nào? Tấm bằng khi ra trường có tương đương nhau không?Năm nay cháu định thi vào Học viện Hành chính quốc gia. Vậy học viện đào tạo những ngành gì và khi ra trường có thể đi làm ở những đâu? Cháu xin cảm ơn. (Trương Khắc Hiệp, 19 tuổi, Long Biên, Hà Nội)

- Ông Dự: Bằng tốt nghiệp của trường đại học và học viện tương đương nhau. Năm nay học viện Học viện Hành chính quốc gia đào tạo ngành Cử nhân hành chính học.

- Xin hỏi, có bao nhiêu trường đại học không tổ chức thi năm nay? Xin thầy Dự trả lời câu hỏi này ạ. (Hưng, 28 tuổi, Hưng Yên)

- Ông Dự: Có 59 trường đại học, cao đẳng năm nay không tổ chức thi nhưng sử dụng kết quả thi theo đề chung để xét tuyển. Danh sách các trường đó được in tại trang 16-17 cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đai học, cao đẳng năm 2006.

- Học sinh tốt nghiệp PTTH tại nước ngoài phải khai hồ sơ ĐKDT mục 10 và 13 như thế nào? (Hải Anh, 18 tuổi, Hà Nội)

- Ông Dự: Tại mục 10 thí sinh phải khai nơi học lớp 10, 11, 12. Tại mục 13, thí sinh phải khai nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Mã đơn vị của nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi sẽ được hướng dẫn ngay tại nơi nộp hồ sơ.

- Vụ trưởng nói gi khi ngày càng nhiều sinh viên vào đại học, trong khi các trường tuyển sinh càng nhiều, thì càng nhiều kỹ sư, cử nhân thất nghiệp? (Vũ Đức Long, 26 tuổi, Đông anh - Hà Nội)

- Bà Hà: Hiện nay tỷ lệ sinh viên ở Việt Nam là 145 người trên 10.000 dân, đang thấp hơn Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều nước trong khu vực. Yêu cầu đến năm 2010, chúng ta phải đạt 200 sinh viên trên 10.000 dân. Đây cũng là một thách thức đối với giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Cũng có thể có trường hợp đã tốt nghiệp song chưa có việc làm, theo tôi là do nhiều lý do khác nhau, như: lựa chọn ngành nghề chưa hợp lý, lựa chọn nơi làm việc...

- Vì sao muốn tham gia thi tuyển vào đại học thì phải có bằng tốt nghiệp THPT? Nếu không hạn chế tuổi thì như tôi đã lớn tuổi và đã học xong cấp 3 từ lâu và không có bằng thì xử lý thế nào? (Nguyễn Khuyến, 50 tuổi, TP Nam Định)

- Ông Dự: Theo Luật Giáo dục thì phải tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương mới được dự thi đại học, cao đẳng. Nếu không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương thì dù lớn tuổi cũng không được dự thi.

- Em có thể nộp hồ sơ dự tuyển ngay tại trường dự thi có được không (Quang Long, 24 tuổi, Hai phong)

- Ông Dự: Có hai cách nộp hồ sơ đăng ký dự thi:

Nộp qua con đường Sở GD&ĐT: nếu đang học lớp 12 thì nộp ngay tại lớp. Nếu là thí sinh tự do thì nộp tại địa điểm do Sở quy định. Thời hạn từ 10/3 đến 10/4.

Nộp trực tiếp cho trường đại học, cao đẳng từ ngày 11/4 đến 17/4.

Còn đối với hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 thì nộp trực tiếp cho trường qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh theo đúng thời hạn quy định.

- Em muốn học ngành Quản trị kinh doanh. ĐH Kinh tế, khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP HCM , khoa Quản lý công nghiệp ĐH Bách khoa đều đào tạo ngành này nhưng không biết có sự khác nhau gì giữa các trường đó? Xin cho em một lời khuyên! (Duong Anh Tuan, 18 tuổi, Quảng Nam)

- Ông Dự: Vấn đề này đề nghị bạn hỏi trực tiếp tại Đại học quốc gia TP HCM, điện thoại 08.7242181.

- Em xin được hỏi, nếu em thi vào khoa điểm cao của ĐH Kinh tế quốc dân, mà không đủ điểm vào thì em có được chuyển xuống khoa thấp hơn không ạ? (Nguyên, 22 tuổi, TQ)

Hai vị khách mời (giữa) tại tòa soạn VnExpress.

- Ông Dự: ĐH Kinh tế quốc dân có quy định điểm sàn vào trường theo từng khối thi đồng thời lại quy định điểm tuyển theo từng ngành. Nếu thí sinh đủ điểm vào chuyên ngành đã đăng ký ban đầu thì không phải đăng ký xếp chuyên ngành sau khi nhập trường. Nếu đủ điểm sàn vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm tuyển vào chuyên ngành đã đăng ký ban đầu thì được đăng ký vào chuyên ngành cùng khối còn chỉ tiêu tuyển sinh.

- Cháu đang ở Vũng Tàu, bác cho cháu hỏi liệu cháu có thể thi một trường ở Hà Nội được không ạ? Có những trường nào tuyển sinh cả những học sinh trong Nam ạ? (Nguyễn Chí Tân Trung, 18 tuổi, Vũng Tàu)

- Ông Dự: Bạn được quyền đăng ký dự thi vào các trường đại học ở Hà Nội vì các trường này đều tuyển sinh trong cả nước.

- Thưa cô Hà và chú Dự, rất cảm ơn cô chú đã dành thời gian tư vấn cho chúng cháu. Là người thi đến năm thứ 3 mới trúng tuyển, cháu rất thấm thía cảm giác của thí sinh trượt ĐH. Tại sao ở Việt Nam kỳ thi đại học năm nào cũng căng thẳng? Trong tương lai Bộ có giải pháp gì để giảm áp lực này không? Trước mùa thi mới, cô chú có nhắn gửi gì tới các thí sinh?(Huy Hoàng, 21 tuổi, ĐH Giao thông vận tải TP HCM)

- Bà Hà: Đúng như bạn nói, kỳ thi ĐH, CĐ bao giờ cũng căng thẳng vì chỉ tiêu tuyển so với số người dự thi chỉ 1/4, tức trong 4 người tốt nghiệp THPT, chỉ có 1 người có cơ hội vào ĐH, CĐ. Để giảm áp lực các kỳ thi này, cần tăng cường phân luồng sau THCS, tăng cường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề, đặc biệt có biện pháp để sử dụng những người có bằng trung cấp chuyên nghiệp và bằng nghề.

Trước mùa thi mới, trước hết thí sinh nên bình tĩnh, chuyên cần ôn tập theo chương trình và sách giáo khoa THPT, không nên mất thời gian và tiền của vào các lò luyện thi cấp tốc. Con tôi khi thi vào ĐH cũng không tham gia vào các lò luyện thi cấp tốc, song cháu vẫn trúng tuyển tới 3 trường ĐH. Thí sinh nên liệu cơm gắp mắm, chọn ngành và trường thi phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện của mình. Nên tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2006 và điểm tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2005 có đăng trêng mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Dự: Thí sinh cần hết sức bình tĩnh trong khi làm bài, tuyệt đối không nên vi phạm quy chế vì rất dễ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị đình chỉ thi. Hằng năm, có hàng nghìn thí sinh bị đình chỉ thi chỉ vì mang tài liệu vào phòng thi.

Trong 2 giờ có mặt tại toà soạn, Vụ trưởng ĐH sau ĐH Trần Thị Hà và Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh Đỗ Duy Dự đã trả lời hơn 70 câu hỏi của độc giả. Do điều kiện thời gian, hàng trăm câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp. VnExpress sẽ chuyển các câu hỏi này tới chuyên gia tuyển sinh để trả lời trong thời gian sớm nhất tại trang Tuyển sinh.