Lời cảnh báo này là của nhà vi sinh vật học Yi Guan, thuộc ĐH Hồng Công, được đưa ra sau khi tờ tạp chí về y học The Lancet công bố hai bản nghiên cứu cho thấy hiện tượng kháng thuốc chống virus cúm trên toàn cầu đã gia tăng 12% so với thập kỷ trước. Ông Guan là người đã nghiên cứu virus H5N1 từ khi nó bùng phát tại Hồng Công năm 1997.
Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tại một vài quốc gia châu Á, thí dụ như Trung Quốc, hiện tượng kháng thuốc đã vượt quá 70%, và một số loại thuốc như amantadine và rimantadine có thể sẽ nhanh chóng không có hiệu lực điều trị hoặc phòng ngừa sự bùng phát dịch cúm.
Ông Guan xem điều này như một tai họa khủng khiếp bởi amantadine, một loại thuốc rẻ hơn rất nhiều so với oseltamivir, đã giúp kiểm soát dịch cúm H5N1 tại Hồng Công khi loại virus này lần đầu tiên lây lan sang người vào năm 1997. Khi đó, bệnh dịch này đã giết chết sáu trong số 18 người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, ông Guan cho biết đến năm 2003, khi bệnh dịch bắt đầu lan tràn ở một số khu vực Đông-Nam Á, thuốc amantadine đã không còn tác dụng điều trị.
Ông Guan cho rằng việc sử dụng khôn ngoan loại thuốc oseltamivir, được biết nhiều hơn dưới nhãn hiệm Tamiflu, là một điều hết sức quan trọng nếu thế giới muốn sử dụng nó để ngăn ngừa một đại dịch H5N1. Ông nói: "Giờ đây chúng ta phải hết sức thận trọng. Chúng ta không muốn virus kháng lại thuốc Tamiflu bởi nếu khi bùng phát dịch bệnh, loại thuốc này sẽ trở nên vô dụng... và khi đó chúng ta sẽ không còn biện pháp chống đỡ".
Mặc dù đã có một số chuyên gia nói rằng một loại thuốc chống virus khác là zanamivir có khả năng kiểm soát hữu hiệu virus H5N1 trên người nhưng Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo rằng các chính phủ nên lưu trữ oseltamivir. Tuy nhiên, mức giá cao của loại thuốc này đã khiến nó trở nên quá đắt đỏ đối với các quốc gia nghèo.
Đơn cử như Indonesia, hiện chỉ có khoảng 10 nghìn viên oseltamivir, tương đương với một đợt điều trị cho 1.000 người. Quốc gia này đã ban bố lệnh báo động sau khi virus H5N1 giết chết bốn người. Ngoài ra, hiện còn có khoảng 11 người khác đang bị cách ly do nghi nhiễm bệnh tại thủ đô Jakarta và các quan chức nước này cũng đang chờ đợi kết quả kiểm tra từ các phòng thí nghiệm để xác nhận xem nguyên nhân cái chết của hai trẻ em khác có phải là do virus này gây ra hay không.
Các chuyên gia đang rất lo ngại rằng virus H5N1, có khả năng giết chết ½ số người nhiễm virus, có thể tạo ra một đại dịch nếu nó có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Mặc dù các chuyên gia đã phát hiện được một số trường hợp virus lây lan giữa những người có những tiếp xúc gần gũi và liên tục nhưng hiện nó vẫn chưa biến đổi sang một dạng thức khác có thể lây lan một cách dễ dàng.
Theo ông Guan thì amantadine đã có thể là một lựa chọn tốt để giúp kiểm soát bệnh dịch H5N1, khi virus chưa có khả năng kháng lại nó. Ông cũng cho rằng chính bệnh SARS đã khiến cho tình hình kháng thuốc chống virus H5N1 ở Trung Quốc tăng vọt. Khi bệnh SARS bùng phát, tất cả mọi người đều sợ hãi. Và khi họ bị mắc bệnh cúm thì ai cũng cho rằng mình bị cúm gia cầm và sử dụng amantadine.
Ông nói: "Hiện amantadine đã bị kháng thuốc ở Trung Quốc. Liệu Tamiflue có trở nên giống amantadine? Tôi không biết. Nếu mọi người lạm dụng nó thì mọi việc sẽ trở nên rắc rối. Chúng ta nên lo ngại về tình trạng kháng thuốc này".
|