Những thủ lĩnh đi tìm bạn
Các Website khác - 24/09/2005

Những thủ lĩnh đi tìm bạn

Những bí thư đoàn phường được tuyên dương tại liên hoan (từ trái qua): Nguyễn Văn Trường (P.Hiệp Thành, Q.12), Tham Vị Hào (P.11, Q.5), Nguyễn Thị Phương Thảo (P.14, Q.4), Trần Hồng Nhân (P.5, Q.5) - Ảnh: K.Anh

TT - Trong hai ngày 24 và 25-9, tại khu du lịch Madagui (Lâm Đồng), 317 bí thư đoàn phường, xã, thị trấn TP.HCM sẽ có mặt tại liên hoan dành riêng cho họ - một cuộc tôn vinh cần thiết những thủ lĩnh trẻ, lặng thầm với hành trình tìm đến những người trẻ cùng trang lứa với mình.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO (bí thư Đoàn P.14, Q.4):

“Không quên bạn trẻ nào”

Tắt nắng chiều, Thảo vội phóng xe ra đường Tôn Đản, len lỏi vào con hẻm dẫn vào khu phố 1. Dừng trước nhà Hằng, một công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Thảo gọi lớn: “Hằng ơi, sắp 15-10 rồi (ngày truyền thống thanh niên công nhân), tham gia đội văn nghệ nhe”. Hằng gật đầu ngay vì được bắt... đúng mạch rất mê văn nghệ.

Trở thành thủ lĩnh thanh niên phường khi mới 19 tuổi (bí thư đoàn phường trẻ nhất quận 4, TP.HCM), Thảo xộc khắp hang cùng ngõ hẻm, “nghe ở đâu nói có bạn chưa đến tham gia các hoạt động của Đoàn là mình tìm xuống liền". Từ những rủ rê tận nhà ấy, từ đầu năm đến nay phường có thêm 46 đoàn viên mới và hơn 100 bạn vào Hội LHTN.

Cô bí thư tâm đắc: “Có bạn chưa một lần sinh hoạt tập thể được rủ đi khoái lắm. Như Mai Trung Thông từ không biết gì về Đoàn - Hội mà giờ kỹ năng giỏi đến mức đang trong Ủy ban Hội LHTN phường”. Bài học “tìm thanh niên” Thảo thuộc nằm lòng kể từ lần Thảo mon men ra phường mình cư trú xem các bạn sinh hoạt mà “không ai thèm kêu mình vô, buồn dễ sợ”.

Chưa hết, qua tìm hiểu Thảo còn lặn lội tìm việc làm cho 52 bạn. Chú Phạm Xuân Khải - phó chủ tịch MTTQ phường - cho biết: “Nhỏ bí thư đoàn ở đây giỏi xoay xở lắm, không có sân chơi thì chạy qua phường khác mượn. Tôi thấy nhỏ đi suốt, nhiều đêm vẫn thấy đang cùng nhóm thanh niên bận bịu với công việc...”.

Mới đây “nhỏ Thảo” còn đứng ra mời công an phường cùng phối hợp quản lý số lượng thanh niên phường hơn 4.000 người để đưa các bạn vào sinh hoạt tại 52 tổ thanh niên...

PHẠM VĂN THANH (bí thư Xã đoàn Trung An, Củ Chi):

Tìm lại những mảnh đời bạn bè

Phạm Văn Thanh (giữa) và những bạn trẻ "trên từng cây số" với các hoạt động của xã - Ảnh: Q.L.
“Mày thử đi, cảm giác lạ lắm”; “Có gì hổng dám mày”. Tôi nổi máu anh hùng và... nghiện ma túy từ đó; có tên trong danh sách “đối tượng cần quản lý” với biên bản theo dõi hằng tháng. Anh Thanh cùng mấy người nữa trong xã đoàn đến nhà, thường xuyên mời gọi tôi vào những sinh hoạt tập thể. Bây giờ tôi đang sinh hoạt trong đội văn nghệ xung kích xã...”.

“…Nhà nghèo quá, không có nổi chiếc xe đạp đi làm. Nhà bên cạnh có chiếc xe “để không” (!), tui... Ba tháng trong diện phải quản lý, mấy anh bên Đoàn thanh niên bỗng đến với tui thường hơn. Có việc đi đâu ngang nhà, anh Thanh cũng ghé chơi…”.

Bùi Trọng L. (ấp Chợ) và Nguyễn Chí Đ. (ấp An Bình) không giấu giếm “chuyện đời trai” của mình như vậy. Và đó chỉ là hai trong số hàng chục bạn trẻ mà bí thư xã đoàn Phạm Văn Thanh đứng ra bảo lãnh giáo dục. L. giờ là nhân viên một đơn vị chuyên về trang trí nội thất; Đ. làm thợ hồ; đồng thời cả hai đã thật sự là những hạt nhân tích cực trong đội công tác xã hội, văn nghệ xã.

“Có lúc tôi rùng mình vì sự bồng bột ngày ấy, lỡ bị nhiễm HIV thì đời tôi giờ sẽ ra sao!”, L. tâm sự. Thanh bảo: “Giành lại từng bạn trẻ về với mình cảm xúc khó diễn tả lắm, nhưng mỗi khi thất bại rất buồn”. Đã có lần Thanh bất lực nhìn thanh niên của mình bị đưa đi trường cai nghiện.

Về Trung An, hỏi “Thanh bí thư” ai cũng rành. Cũng vì trước giờ chưa ai làm bí thư xã đoàn lâu như vậy. Mười năm bốn tháng lẻ... mấy ngày, bốn nhiệm kỳ liên tiếp, dù đến với Đoàn lại là chuyện hoàn toàn tình cờ sau ba năm tình nguyện đi bộ đội biên phòng tại Cần Giờ. Gắn bó rồi mê luôn, anh thật thà: “Thấy có lỗi với vợ vì ngoài mấy công ruộng tự tay mần quanh nhà, tôi toàn đi học và hoạt động thanh niên...”.

Trong khi đó, với anh em, Thanh vừa là bạn lại như người anh. Những nguồn vốn để anh em làm ăn, mở rộng quan hệ tìm cho các bạn chỗ làm, không có việc gì không nhảy vào. "Đừng viết về mình, còn nhiều anh em đồng cam cộng khổ nữa", Thanh bảo, dù trong câu chuyện của "anh em" không lúc nào thiếu tên anh...

K.ANH - Q.LINH