Đón xuân trên đỉnh Sài Khao
Đỉnh Sài Khao cao tới gần 800 m so với mặt nước biển, dân bản Sài Khao có 54 hộ đồng bào dân tộc Dao áo dài sinh sống, nghe theo lời Đảng, Nhà nước, dân Sài Khao không ở trên núi cao, mà xuống ở định cư dưới chân núi Sài Khao lập thành bản Cọ Cỏm - Sài Khao. Người Sài Khao chăm làm, chịu khó, bỏ được tập tục phát nương làm rẫy, không đốt rừng, phá rừng. Dân Sài Khao nghe và học theo cách dạy của cán bộ khuyến nông làm lúa nước. Nhà nào cũng có của ăn của để, vụ nào cũng được mùa, nhà ít một bồ thóc, nhà nhiều hai, ba bồ thóc có dư lượng thức ăn quanh năm.
Tết năm nay, ở Sài Khao có nhiều cái vui. Bởi nhà nào cũng được mùa như nhà Bàn Văn Toán thu gần hai tấn thóc, bán được ba con trâu, nhà Toán vừa dựng được ngôi nhà gỗ ba gian mới, có nhà để đón Tết. Hay như nhà ông Bàn Thế Minh cũng thu từ vườn cam được trên 20 triệu đồng. Có lẽ vui nhất là đám trẻ con vì chúng có được sân chơi rộng ở nhà văn hóa của bản vừa mới dựng xong. Tết này tha hồ tung còn và kéo co trên sân chơi rộng rãi. Nhà văn hóa thôn có đầy đủ loa, đài để dân bản sinh hoạt cộng đồng. Nhưng có lẽ điều mà tôi ấn tượng nhất là phong tục đón Tết của đồng bào Dao áo dài trên đỉnh Sài Khao này.
Trưởng thôn Lý Văn Quyền hào hứng kể cho tôi nghe về phong tục Tết của đồng bào Dao. Tết của người Dao được chuẩn bị từ 23 Tết âm lịch cơ. Tết đến, người Dao áo dài Sài Khao ai cũng vui, người dân trong thôn đã bàn tính chuyện mổ lợn, hái lá dong gói bánh tét, bánh chưng nhộn nhịp từ hăm ba, hăm tư Tết. Người dân có phong tục đón Tết rất đặc sắc, 27 - 28 Tết là mổ lợn, ngày 28, 29 gói bánh chưng, bánh gai (tiếng dân tộc Dao bánh chưng là "Dúa trống", bánh gai là "Dúa ít"); ngày 30 Tết làm lễ cúng tổ tiên (tiếng Dao là "cha phin miến"); ngày 1 Tết cúng thần linh, thổ địa; ngày 2 Tết cúng ông bà ngoại (tiếng Dao là "cố ta"). Ngày Tết khách đến chơi là phải ở lại dùng cơm, khi về còn được té nước cầu may cho cả năm gặp điều tốt lành. Những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp luôn được giữ gìn và bảo tồn.
Đánh thức nàng "sơn nữ"
Yên Lâm được ví như một nàng "sơn nữ" tươi trẻ đầy sức sống. Cái Tết như đến sớm hơn với người dân Yên Lâm, khi mà bố con anh Dương Văn Thành, thôn Quảng Tân đang cặm cụi lau chùi chiếc xe máy mới để ngày mai hai bố con xuống chợ huyện sắm Tết. Đã mấy năm nay, Yên Lâm thực hiện nếp sống mới, ăn Tết tiết kiệm, không còn đón Tết linh đình kéo dài hàng tuần như trước kia nữa. Bây giờ, Tết ở Yên Lâm đang dần được người dân khôi phục lại nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: các trò chơi dân gian, tung còn, hát đối, đánh pao để cái Tết sao cho thật vui, mà đậm đà bản sắc dân tộc. Chuẩn bị đón Tết cổ truyền, bà con cũng không quên việc chăm sóc mạ, cày bừa ruộng để chuẩn bị cho vụ lúa xuân. Theo kế hoạch của xã, đón Tết xong là 10/10 thôn, bản cùng đồng loạt xuống đồng làm đất gieo cấy lúa xuân đúng thời vụ. Người dân Yên Lâm vui xuân, đón Tết thật rộn ràng, vui tươi, nhưng cũng không quên việc đồng áng. Một nét mới trên miền sơn cước đẹp như mùa xuân này.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm Đinh Văn Năm cho biết: Hiện nay xã có 729 hộ, 3.795 khẩu, gồm tám dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Chỉ, Tày, Mông, Nùng, La Chí và người Kinh. Đất Yên Lâm rừng núi thì nhiều, nhưng ruộng thì ít. Sản xuất nông nghiệp vẫn là chính, bà con trong xã chỉ canh tác cây lúa, trồng ngô và một số cây mùa vụ khác như đậu tương, lạc, nên cũng đủ cho nhân dân ổn định lương thực, đặc biệt là phát triển trồng cam, quýt.
Thực tế cho thấy, do diện tích đất canh tác nông nghiệp của xã ít, nên đời sống của đồng bào nơi đây vẫn còn khó khăn. Đây chính là trở ngại lớn. Tuy nhiên, để chủ động sản xuất, xã coi trọng công tác chỉ đạo sản xuất là yếu tố quyết định thắng lợi.
Chính những bất lợi về địa hình đòi hỏi Yên Lâm phải có những biện pháp thích hợp để phát triển kinh tế. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được xã ưu tiên hàng đầu. Từ năm 1999, xã Yên Lâm được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Với số tiền đầu tư từ 400 đến 500 triệu đồng/năm xã Yên Lâm tập trung xây dựng đường giao thông, khai hoang đất sản xuất, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng, phai đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 đã giúp Yên Lâm xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ các công trình như: đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, đất sản xuất. Xã đã công khai dân chủ trước dân, lấy ý kiến của dân để xây dựng các công trình sao cho thiết thực nhất. Với chủ trương xã có công trình dân có việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Trong sáu năm thực hiện Chương trình 135, xã Yên Lâm đã xây dựng được kết cấu hạ tầng nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã làm mới 33 km đường giao thông liên thôn bản, xây dựng bê-tông hóa 7.000 m kênh mương, bốn đập chứa nước góp phần bảo đảm tưới chắc cho 156 ha đất lúa hai vụ, khai hoang trên 12,2 ha đất nông nghiệp, san ủi mặt bằng trường THCS xã, chợ xã, 10/10 thôn có đường ô-tô đến thôn bản, đào hàng chục giếng nước sạch... số ngày công lao động huy động từ sức dân trị giá trên 700 triệu đồng. Thực tế lợi ích của các công trình 135 đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của xã, nhờ có hệ thống kênh mương hoàn chỉnh phục vụ đắc lực cho việc tưới tiêu, nên hệ số sử dụng đất nông nghiệp của xã từ 1,56 tăng lên 2,0 lần/năm, năm 2005. Năng suất lúa lai đạt 57 tạ/ha, nhân dân trong xã đã chủ động về lương thực, bình quân 500 kg/người/năm, giao thông đi lại thuận lợi... Yên Lâm đang thay đổi rõ nét sắc diện nông thôn miền núi...
Phá thế độc canh
Theo Chủ tịch HĐND xã Lý Văn Chinh, Đảng bộ xã Yên Lâm xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ lực, đặc biệt là phát triển kinh tế trang trại, tập trung vào cây cam, hiện nay toàn xã có 306 ha cam sành đạt sản lượng 1.740 tấn/năm. Có nhiều hộ gia đình có trang trại cam từ 1.500 - 2.500 gốc mỗi năm thu nhập từ cam hàng trăm triệu đồng. Thế mạnh của cây cam đã rõ, nên hướng phát triển kinh tế trang trại đã được triển khai ở nhiều thôn, bản trong xã.
Xã đã thành lập ban xóa đói, giảm nghèo do Chủ tịch xã làm trưởng ban, các thành viên trong ban xóa đói là cán bộ trong diện 19 chức danh của xã là ủy viên. Các ủy viên được phân công phụ trách ở từng thôn, bản, trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất, điều tra và tìm ra nguyên nhân đói nghèo của mỗi hộ. Như nghèo vì thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác hay nghèo do bệnh tật, hay lười lao động. Hằng tháng, các ủy viên báo cáo tình hình sản xuất ở thôn, bản và hộ gia đình mình theo dõi đến trưởng ban xóa đói, giảm nghèo của xã để có biện pháp tổ chức sản xuất đúng thời vụ, giúp đỡ các hộ nghèo khắc phục khó khăn.
Ở đây, ngoài các ủy viên phụ trách thôn, thì vai trò của các khuyến nông viên, các trưởng thôn và các hội đoàn thể luôn có kế hoạch phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thâm canh tới từng hộ dân. Với cách quản lý, điều hành như vậy đã nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp họ tiếp cận được với cách thức sản xuất có khoa học. Với những biện pháp tích cực trong phát triển kinh tế.
Hiện nay mức sống của người dân Yên Lâm đã được cải thiện đáng kể. Xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, hiện có 14 máy nông nghiệp làm đất. Trong chăn nuôi, tập trung phát triển đàn trâu và chăn nuôi lợn, gia cầm. Toàn xã hiện có 919 con trâu, bò sinh sản, đàn lợn 1.520 con, gia cầm các loại 16.500 con. Đến nay, thông qua các tổ chức tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình dự án khác... Nhân dân trong xã đã vay gần hai tỷ đồng phát triển sản xuất, chăn nuôi, số vốn vay được bà con sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Lớp cán bộ xã Yên Lâm ngày càng được trẻ hóa, họ đều có năng lực, có lòng nhiệt tình dám nghĩ, dám làm. Như Chủ tịch HĐND xã Lý Văn Chính 43 tuổi, Phó Chủ tịch, Trưởng công an xã, Đinh Văn Năm 32 tuổi... tất cả họ đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và tất cả đều có một nhiệm vụ gánh trên mình trách nhiệm xây dựng Yên Lâm ngày một ấm no hạnh phúc.
Đến Yên Lâm trong không khí đón Tết náo nức của người dân. Bữa cơm có thịt lợn xào, luộc và nồi canh đắng, thứ lá đắng được hái từ rừng về, người mệt chỉ cần ăn một bát canh đắng là khỏe khoắn dễ chịu, món canh này cũng là một thứ trị say rượu hữu hiệu của người dân xứ núi. Trong bữa cơm ân tình giản dị, trưởng thôn Ngòi Sen, Dương Văn Thu giãi bày: Dân Yên Lâm tin vào Đảng và Nhà nước mình lắm. Chỉ có Đảng mới đem lại cuộc sống ấm no cho dân mình thôi.
|