Xuất hiện hiện tượng mù sương ở khu vực Nam Bộ
Các Website khác - 03/03/2006
Sáng ngày 2-3, tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện sương mù, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Phó trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết:
- Sáng 2-3 ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện hiện tượng mù ở nhiều nơi. Theo quan trắc từ trạm khí tượng Tân Sơn Hòa (TP Hồ Chí Minh), hiện tượng này xảy ra từ trước 7 giờ và kéo dài cho đến trước 13 giờ. Tôi cũng xin lưu ý: khi có hiện tượng mù thì tầm nhìn xa giảm xuống từ 4-10km, còn khi có sương mù thì tầm nhìn xa giảm xuống dưới 1km.

Cũng theo số liệu quan trắc, thời điểm từ 1 giờ cho đến 10 giờ ngày 2-3, nhiệt độ không khí và nhiệt độ điểm sương gần bằng nhau. Điều này đã cho thấy độ ẩm trong không khí rất cao: lúc 1 giờ sáng độ ẩm tương đối là 89%, lúc 4 - 7 giờ là 94%. Tuy nhiên, lúc 13 giờ thì độ ẩm giảm hẳn đi.

* Vì sao hiện tượng mù xuất hiện vào thời điểm nắng nóng khá gay gắt? Gần đây, ở khu vực Nam Bộ hiện tượng này đã từng xuất hiện chưa?

- Khi không khí ẩm xuất hiện trong điều kiện gió nhẹ, lại có sự kích động của không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống khá mạnh nên hơi nước không di chuyển đi xa mà ngưng tụ lại ở gần mặt đất (độ cao khoảng 50m tính từ mặt đất), gây ra hiện tượng mù. Thật ra, vào ngày 25-2, theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP Hồ Chí Minh cũng có hiện tượng mù từ 7 giờ nhưng đến trước 10 giờ thì tan. Còn ngày 28-2 hiện tượng mù xuất hiện ở một số nơi khu vực miền Tây như Cà Mau, Châu Đốc… Tuy nhiên, hiện tượng mù xuất hiện lần này nhiều hơn và kéo dài hơn các lần trước.

Hiện tượng mù có khả năng sẽ còn xảy ra. Còn thời tiết thì gió mùa đông bắc ở khu vực Nam Bộ sẽ mạnh trong một, hai ngày nữa. Nhiệt độ miền nam sẽ giảm nhẹ, đêm và sáng sớm trời mát. Với điều kiện thời tiết này, tình hình nắng nóng sẽ dịu bớt đi. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên có mưa nhỏ, có nơi mưa vừa; vài nơi ở phía bắc miền Đông và TP Hồ Chí Minh, Rạch Giá - Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có mưa rào...

Giải thích hiện tượng mù tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện dày đặc và kéo dài vào sáng 2-3, Thạc sĩ ngành thủy văn môi trường Nguyễn Ngọc Anh, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho biết:

Ở một số thành phố có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, các lớp mù đôi khi được tạo ra do sự tích lũy của khói bụi. Tuy nhiên, việc mù đột biến xuất hiện dày đặc ở TP Hồ Chí Minh có thể bắt nguồn từ những cơn mưa trái mùa mới xảy ra trong những ngày gần đây.

Tuy có hiện tượng mù kéo dài, nhưng điều này sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như không ảnh hưởng đến tầm nhìn của phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông có tốc độ cao như máy bay.

Tôi nghĩ rằng hiện tượng này sẽ còn xảy ra trong một vài ngày tới rồi mới chấm dứt.


Theo Theo Tuổi trẻ