Điện thoại đã giúp chúng ta dù cách xa hàng ngàn cây số, vẫn nghe được tiếng nói thương yêu của người mình yêu dấu. Đã bao nhiêu đôi nam nữ yêu nhau vì nghe giọng nói dịu dàng ấm áp qua điện thoại. Thế nhưng... Tại sao "số tôi long đong" Một anh chàng đã gọi điện tới văn phòng "dịch vụ kết bạn" khiếu nại rằng: "Văn phòng giới thiệu thế nào, mà sao tôi gọi điện cho cô nào cũng bị người ta từ chối. Tôi cũng con nhà khá giả, đẹp trai, có học hành chứ có phải vớ vẩn đâu?". Khi nói chuyện với nhân viên văn phòng, anh thanh niên nọ luôn miệng: "Hả?", "Cái gì cơ?", "Nói to lên nào!", "Đã nghe rõ chửa?", "Này nhá!"... Khai thác một hồi mới biết rằng khi được giới thiệu cho cô nào là anh chàng vội vã bấm số điện thoại luôn, bất kể đó là đêm khuya hay sáng sớm. Đã vậy, người ta vừa "a lô", anh chàng đã "nổ" luôn rằng: "Em bao nhiêu tuổi? Trông em thế nào? Đã từng yêu ai bao giờ chưa hay bây giờ mới đăng kí tìm bạn? Làm ăn có khá không? Tháng có được đôi triệu hay lại vài trăm "bọ"?..." Khi thấy phía kia tỏ ý khó chịu, anh ta "thẳng thắn nhắc nhở" rằng: "Đừng có mà kiêu ngạo nhá. Đây cũng không đến nỗi nào đâu!".
Chắc không cần bình luận gì thêm, các bạn cũng đã hiểu vì lý do gì mà anh bạn trai của chúng ta lại có số long đong, muộn mằn trong chuyện tìm kiếm bạn gái. Có lần tôi gọi điện đến nhà một anh bạn. Sau hai hồi chuông đã thấy máy tự động gài đặt câu nói: "Đây là nhà riêng của T. Hiện nay T đi vắng. Xin vui lòng gửi lại lời nhắn. Cảm ơn." Vì có việc gấp nên tôi gọi điện thoại di động cho T. Thấy tôi, T bảo dập máy để T gọi lại. Hóa ra T không đi đâu cả, nhưng không muốn nghe điện thoại bàn. Thắc mắc về chuyện này, tôi được T giải thích: "Người yêu em quan tâm quá, khiến em mệt mỏi. Em có nhiều việc phải làm, cần tập trung suy nghĩ. Vậy mà cứ một tiếng cô ấy lại gọi cho em một lần chỉ để hỏi "ăn chưa?", "ngủ chưa?", "đang làm gì đấy?". Hôm nào cô ấy đi trực đêm, có sẵn điện thoại cơ quan thì em còn chết nữa. Nói thì cô ấy giận. Không nói thì khổ quá. Em đành nghĩ ra trò "ma mọi" này vậy". Tôi bảo: "Không sợ cô ấy gọi di động hay sao?", T cho biết: "Cô ấy cũng xót tiền nên không gọi di động nhiều". Một cô gái đã phải thường xuyên tắt di động chỉ vì người yêu hay gọi vào giờ khuya. Có khi đi chủ rồi anh chàng còn gọi chỉ để "Chúc ngủ ngon". Sáng sớm anh ấy đã nhắn tin rằng: "Em dậy chưa cưng?". Không những thế anh ấy còn theo sát em từng bước. Em đi công tác, chốc chốc lại có điện thoại, lần nào cũng một câu giống nhau: "Em đi đến đâu rồi?". Cô bảo anh cứ yên tâm, khi nào đến nơi em sẽ gọi báo. Vậy mà anh ấy không nghe. Đã có anh bạn bị gia đình người yêu rất ghét, chỉ vì hay nói chuyện qua điện thoại với "con người ta" vào những giờ cả nhà chuẩn bị ăn cơm một cách... vô tư hàng tiếng đồng hồ. Suýt chết vì điện thoại Người yêu của chàng trai tên Dũng là một cô gái có máu "Hoạn Thư", nên cô cũng sử dụng điện thoại như một công cụ "quản người yêu". Khi người yêu gọi, anh vừa mở máy "a lô" là cô đã hỏi: "Anh đang ở đâu đấy?". Cô luôn quan tâm xem anh có đi cùng với một cô gái nào không, khách hàng của anh là nam hay nữ, trẻ hay già, có người yêu hay chưa. Hôm nào thấy xung quanh anh ồn ào, cô lại tra khảo rằng: "Sao bên ấy ồn thế, hay là anh đang ngồi quán?". Nếu thấy quá im lặng, cô lại nghĩ hay là trong nhà nghỉ. Có lần cô còn kiểm tra chặt hơn bằng cách yêu cầu đưa máy điện thoại cho anh bạn cùng phòng, để cô chào anh ấy một câu, mà thật ra là cô kiểm tra xem có đúng anh đang ở phòng làm việc như anh đã "khai báo" không. Có người ghen tỵ với tình yêu của anh, song mấy anh bạn cùng phòng lại bảo: "Người yêu tao mà thế, tao cho phăng teo lâu rồi!". Chuyện theo dõi bằng điện thoại chỉ chấm dứt sau vụ Dũng bị tai nạn phải nằm viện. Hôm ấy anh đang đi xe máy trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Mọi khi thấy chuông của người yêu, anh không trả lời. Không ngờ hôm ấy cô người yêu "cao tay", gọi cho anh bằng điện thoại của người khác. Sợ công ty hay khách hàng có việc gấp, anh đi xe máy một tay, còn một tay móc điện thoại trong túi. Loạng choạng thế nào anh ngã sấp xuống mặt đường. Sau vụ ấy, Dũng không sử dụng điện thoại di động nữa. Điện thoại là phương tiện liên lạc vô cùng tiện lợi. Nhưng nếu không học cách xử thế, không am hiểu văn hóa điện thoại thì...lợi bất cập hại. Nhiều người chỉ bởi cách nói qua điện thoại, cách dùng điện thoại thiếu văn hóa mà mất bạn bè, mất người yêu, thậm chí mấy việc đấy! Theo Duy Bình |
▪ "Mổ xẻ" tính bền vững về giới tính của đàn ông (29/09/2008)
▪ Kiểu sống "nhiễm" phim (29/09/2008)
▪ Quần áo tiết lộ 'chuyện ấy' (29/09/2008)
▪ Mất “cái ngàn vàng” chỉ vì... ngớ ngẩn (29/09/2008)
▪ Giáo dục giới tính khi trẻ còn nhỏ (29/09/2008)
▪ Con khổ vì "siêu cạnh tranh" (29/09/2008)
▪ Những bà vợ “quái chiêu” (29/09/2008)
▪ Lối sống nửa mùa của Teen (29/09/2008)
▪ Gió vẫn rì rào, nhưng tóc tôi không rối nữa (29/09/2008)
▪ Gian truân phụ nữ làm sếp (27/09/2008)