Con khổ vì "siêu cạnh tranh"
Các Website khác - 29/09/2008

Có nhiều cha mẹ khi phát hiện ra con có chút năng khiếu, là tìm mọi cách biến con thành chuyên nghiệp một cách quá sớm. Cái văn hóa “siêu cạnh tranh” của xã hội chúng ta đã bắt lũ nhỏ quanh năm vật lộn với một môn nào đó, mà cha mẹ cứ nghĩ con mình phải... nhất thế giới mới được”.

Dù đã là người có tuổi, khi nhắc lại những kí ức về trò chơi ngày thơ bé cũng khiến trong lòng nhiều người thổn thức. Một bầy trẻ nhỏ nắm tay nhau hát vang dưới ánh trăng: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Mà tuổi thơ đâu có chỉ hát vang dưới trăng, nó còn đắm ngọt trong hoạt động thần tiên là chọi dế, đánh đáo, đánh khăng, nấu cơm, nhảy dây, cút bắt, đá bóng...

Đừng gây áp lực hay quá kỳ vọng vào con để vô tình bạn đã đẩy con phải sống trong môi trường "siêu cạnh tranh"

Chị Vân Anh, có 2 cô con gái đang học tiểu học và cũng là một nhà báo kể: “Tôi luôn ủng hộ con mình tiếp cận các trò chơi mà nhiều người gọi là làm “sung túc tuổi thơ” như học bơi để giữ an toàn, đi học võ để phòng thân, học đàn, học vẽ... Khi các con không thích hoặc không thật sự có năng khiếu, tôi cũng ủng hộ chúng dừng lại.

Nhưng có nhiều cha mẹ khi phát hiện ra con có chút năng khiếu, là tìm mọi cách biến con thành chuyên nghiệp một cách quá sớm. Con gái mới tỏ ra mê vẽ chút xíu thì mua cho nó giấy và bút màu là quá đủ rồi, nhưng họ phải cho nó theo học các lớp “nghệ thuật đặc biệt” thì mới xứng đáng. Con mới mê nhảy vài đường là lật đật đi ghi tên vào các khoá học nhảy. Cái văn hoá “siêu cạnh tranh” của xã hội chúng ta đã bắt lũ nhỏ quanh năm vật lộn với một môn nào đó, mà cha mẹ cứ nghĩ con mình phải... nhất thế giới mới được”.

Điều đáng buồn là tình trạng làm “sung túc tuổi thơ” hiện nay khiến nhiều trẻ bị bận rộn với bao chương trình, nên không biết... chơi ra làm sao! Theo kết quả nghiên cứu toàn cầu có tên gọi “Hãy để trẻ em tự do vui chơi” được thực hiện tại 11 quốc gia, độ tuổi từ 6-12, thì có đến 91% số bà mẹ Việt Nam được phỏng vấn cho biết hoạt động vui chơi chủ yếu của con họ là xem tivi, trong khi tỷ lệ này với các bà mẹ trên toàn thế giới là 71%.

Chỉ có 4% bà mẹ Việt Nam cho biết, con mình thường xuyên tham gia vào các trò chơi vận động, tỷ lệ này với các bà mẹ trên toàn thế giới là 22%. 80% bà mẹ Việt Nam cũng chia sẻ, khi thiếu các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời, trẻ sẽ khó lòng thấy hạnh phúc.

Chị Hoài Thu, công tác tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thế hệ của chị không hề biết âm nhạc, học võ và học ngoại ngữ. Những môn đó lớn lên mới được học. Khi còn nhỏ, hễ đi học về đến nhà là quăng cặp chạy ra đầu ngõ nô đùa cùng chúng bạn. Hồi đó đâu có học thêm, học ngoại khoá mà chị thấy mình vẫn lớn lên và giúp ích cho xã hội.

Chị Thu cho biết, chị không muốn ép con phải học hành quá căng thẳng, mà dành nhiều thời gian cho chúng được chơi. Đứa con gái học lớp 4 của chị không học gì ngoài buổi học chính khoá ở trường. Đi học về là chơi với mấy đứa em không biết mệt, nào là đạp xe, vẽ lên đá, chơi trò làm cô giáo với em, nuôi kiến lửa nữa chứ! Mỗi tối, chị Thu nghe tiếng ngáy đều của con, yên bình, thảnh thơi, chị nói thèm được tiếng ngáy thiên thần đó.      

Theo Lê Mạnh Hà
gdvaxh