Giới trẻ cần nhận thức đúng đắn về tình yêu, hôn nhân và gia đình
Các Website khác - 03/07/2009
 
Hội thảo “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá gia đình Việt Nam” tại Đà Nẵng

(VH)-Sở VH, TT và DL Đà Nẵng vừa tổ chức buổi hội thảo “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá gia đình Việt Nam”.

Nội dung cuộc hội thảo bao gồm nhiều vấn đề trao đổi, tìm giải pháp, phương thức đúng đắn và hợp lý nhất để vừa giữ gìn nhưng cũng đồng thời phát huy giá trị văn hoá của Gia đình Việt Nam ở TP Đà Nẵng không ngừng phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Theo TS Nguyễn Ngọc Hòa (Trưởng khoa Văn hoá và phát triển Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II): “Nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy hầu hết các gia đình ở Đà Nẵng đều dành khoảng chi tiêu lớn nhất cho việc học tập và tạo dựng nghề nghiệp. Ở Quảng Nam, khi điều tra về truyền thống hiếu học, đã có đến 68% cho là nên phát huy truyền thống này. Tình yêu con cái ngày nay cũng có sự thay đổi khá lớn do có sự thay đổi về quan niệm trong quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tàn dư của những tật xấu không phải vì thế mà lại hoàn toàn mất đi. Nhiều người cha, người mẹ, vì một lý do nào đó mà vẫn có những hành vi phi nhân tính, tàn bạo đến ghê sợ”.

Ông nêu ra dẫn chứng: “Ngày 7.10.2008 vừa qua, tại quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng, Trần Trúc Giang vì dan díu với gái mại dâm dẫn đến tình trạng không tiền uống rượu đã cắt cổ vợ, chà nát mặt con mới 25 ngày tuổi và bắt làm con tin. Sự kiện này đã cảnh báo tình trạng tha hóa nghiêm trọng trong một bộ phận gia đình hiện nay ở Đà Nẵng mà ở đó tốc độ đô thị hóa quá nhanh, thiếu bền vững đã ảnh hưởng tiêu cực làm xói mòn truyền thống văn hóa gia đình. Lối sống gia đình tác động mạnh mẽ đến nhân cách, đặc biệt là lớp trẻ”. Ông cũng cho biết  thêm, theo điều tra ở thành phố Đà Nẵng, số trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%; 30% số trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút ma túy. Tình trạng bạo lực gia đình cũng diễn ra thường xuyên do sự thiếu ổn định trong nghề nghiệp.

Do vậy, theo TS Nguyễn Ngọc Hòa :”Việc phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và bồi đắp văn hóa gia đình. Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phong trào này nhưng cũng không tránh khỏi những biểu hiện thành tích và hình thức. Chẳng hạn, vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc năm 2007. Kết quả cho thấy, qua 5 năm triển khai, toàn thành phố có 82.695 hộ được công nhận gia đình văn hóa 5 năm liên tục; có 1.576 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Nhiều địa phương có tỷ lệ đạt chuẩn cao 5 năm liền như Hải Châu (84%), Thanh Khê, Sơn Trà (74%), Hòa Vang (56,5%)... Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tạo cho người dân ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, đoàn kết, tương thân tương ái... góp phần xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư ngày càng lành mạnh”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết- Phó chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng trong tham luận “Vai trò của phụ nữ trong việc phát huy giá trị văn hoá gia đình Việt Nam” đã cho biết: “Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội trại “Người phụ nữ mới”, Hội thi “Duyên dáng tuổi 40”, Ngày hội “Phụ nữ Đà Nẵng tài năng và sáng tạo”. Hằng năm  tổ chức hội thi “Phụ nữ Đà Nẵng khéo tay”, “Gia đình điểm 10”, “Bếp ăn dinh dưỡng”, “Tiếng hát ru và dân ca”... Tất cả vì mục tiêu khơi dậy niềm tự hào, kiêu hãnh về một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống gia đình bền vững gắn kết với văn hóa cộng đồng bằng tình làng, nghĩa xóm yêu thương mà bất cứ kẻ thù, thế lực nào có ý đồ phân hóa chia rẽ cũng không thể thực hiện được”.
Bà Tuyết cho rằng, Luật Bình đẳng giới ra đời là công cụ đắc lực để Hội tích cực cùng các ngành, các cấp nỗ lực tuyên truyền đến từng thành viên, từng gia đình về nhận thức mới sự tôn trọng, chia sẻ nhau sự công bằng, hài hoà trong phân công lao động theo xu hướng tiến bộ. Bà khẳng định: “Tất cả đang rất cần sự khéo léo của người phụ nữ trong hoạt động chi tiêu “liệu cơm, gắp mắm”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; Huy động mọi thành viên góp sức sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, những bữa ăn đoàn tụ, hợp túi tiền... Hãy chú trọng hơn nữa cuộc sống văn hóa tinh thần, tình cảm để tạo nên hạnh phúc gia đình bền vững. Đó là tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình; Biết kính trọng, lễ độ và hiếu thảo; Biết trung thực, thật thà, khiêm tốn mà tự tin. Biết sống văn minh mà tiết kiệm giản dị; Ham học hỏi để phát triển trí tuệ; Biết khen chê đúng lúc đúng mực, tạo ra sức sống mới trong mái ấm gia đình”.

Ông Nguyễn Đình An (nhà nghiên cứu văn hoá) nhấn mạnh, cần quan tâm hơn quan điểm của giới trẻ trong các vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình. Chính lối yêu đương, sống thử như hiện nay dẫn đến hệ lụy: nước ta đang dẫn đầu về tỉ lệ phá thai, bỏ rơi con sơ sinh... Điều quan trọng, là hãy làm thế nào để xây dựng trong giới trẻ nhận thức đúng đắn về vấn đề này, thì mới hạn chế được các vấn đề phức tạp, mở ra lối đi tốt đẹp cho việc giữ gìn và  phát huy giá trị văn hoá gia đình Việt Nam.

Sau 14 năm (1995-2009) triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 9 năm xây dựng gia đình văn hóa theo Chỉ thị số 25- CT/TƯ ngày 04.8.2000 của Thành ủy, Đà Nẵng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm góp phần quan trọng làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục, quan hệ ứng xử trong từng gia đình, trong cộng đồng dân cư ngày càng tốt đẹp. 

Cuộc vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, xây dựng được nhiều hộ gia đình văn hóa với 5 tiêu chuẩn: “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người để cướp của); gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, tham gia sinh hoạt tổ dân phố đều dặn; đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ xóm giềng; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Hằng năm, qua bình xét từ khu dân cư, số gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2008 tổng số gia đình văn hóa trong toàn thành phố là 148.828 hộ/170.268 hộ đạt tỷ lệ 87,4% tổng số hộ (tăng hơn năm 2007 là 6.566 hộ), trong đó số hộ đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục là 88.077 hộ chiếm 59,18% tổng số hộ đạt chuẩn văn hóa.

Linh Thy