Nỗi khó chịu của tuổi 'hậu mãn kinh'
Các Website khác - 29/12/2004

Khi phụ nữ bước vào độ tuổi 65, cơ bắp và các tổ chức toàn thân bị teo lại, trương lực cơ giảm, người có xu hướng béo lên. Sự suy thoái buồng trứng dẫn đến bệnh loãng xương và nhiều phiền toái khác như sa tử cung, đái dầm...

Các bệnh thường gặp ở phụ nữ cao tuổi gồm:

Viêm âm đạo do tuổi già: Do chức năng của buồng trứng suy thoái, nội tiết tố nữ giảm, độ axit trong âm đạo giảm, sức đề kháng yếu đi nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Triệu chứng chủ yếu là chất tiết ra ở âm đạo tăng lên nhiều, có dạng nước vàng, người bị nặng có thể thấy khí hư có mủ như máu. Âm hộ bị ngứa hoặc có cảm giác bỏng rát; còn nếu niêm mạc âm đạo bị sung huyết và chảy máu thì có thể bị viêm loét.

Sa tử cung: Tử cung (dạ con) từ vị trí bình thường bị tụt xuống theo đường âm đạo, miệng của cổ tử cung bị tụt xuống, thậm chí toàn bộ tử cung thòi ra ngoài miệng âm đạo. Phụ nữ sau khi đẻ tham gia lao động quá sớm, bị ho mạn tính, táo bón đã thành nếp, làm việc lâu ngày ở tư thế ngồi xổm, đứng, gánh vác lâu ngày... sẽ làm cho áp lực trong bụng tăng lên, khiến tử cung dịch chuyển xuống phía dưới. Những phụ nữ thể chất yếu và dinh dưỡng kém, tổ chức màng bao xung quanh tử cung ít và yếu hoặc tổ chức đáy chậu bẩm sinh phát triển khác thường thì dù chưa sinh đẻ cũng có thể bị sa tử cung.
Để phòng bệnh này, ngoài việc tránh những yếu tố gây sa tử cung đã nêu trên, sản phụ còn nên thường xuyên nằm ngửa để cho tử cung nghiêng về phía sau.

Tử cung sa kéo theo các tổ chức màng bụng, dây chằng và đáy chậu, gây ra cảm giác đau lưng. Khi đi lại và làm việc mệt mỏi thì chứng đau càng nặng. Khi bệnh đã nặng, bệnh nhân cảm thấy như có một khối vật tụt ra từ âm đạo, khi đứng lâu, ho, đại tiểu tiện hoặc lao động, khối đó càng tụt ra, sau khi nằm nghỉ thì nó lại co lại.

Khối tụt ra ngày càng to và không thể tự co lại được nữa, bệnh nhân phải dùng tay đẩy vào. Cuối cùng thì hễ họ đứng lên là lại tụt. Cổ tử cung thường xuyên bị cọ xát, dễ bị thương tổn, nhiễm trùng hoặc bị trợt rỉ ra chất giống như mủ máu. Sa tử cung khiến cho bàng quang bị lệch vị trí và niệu đạo bị chèn, nên thường kèm theo đái khó, đái rắt hoặc đái dầm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới: Phụ nữ tuổi già dễ bị nhiễm trùng bàng quang và niệu đạo. Bệnh thường phát bất ngờ, không gây sốt, không gai rét, chỉ có triệu chứng đái rắt và đái buốt, nhiều khi đi tiểu bụng dưới và âm hộ cũng bị đau. Lượng nước tiểu ít nhưng vẩn đục, có thể đái ra máu. Nếu kèm theo đái rắt thì thường có đau bụng âm ỉ, nếu kèm theo nhiễm trùng đường niệu trên (viêm thận - bể thận) sẽ có các triệu chứng như rét từng cơn, sốt, mỏi lưng.

Đái dầm do tăng áp lực: Chỉ xảy ra lúc ho, hắt hơi, cười to hoặc đột ngột thay đổi tư thế, do áp lực bụng tăng lên bất ngờ khiến nước tiểu không tự chủ được, chảy ra ngoài. Phụ nữ sau khi tắt kinh dễ bị đái dầm do tăng áp lực. Phụ nữ đã qua sinh đẻ, nhất là những người sinh quá khó, khi sinh đã bị tổn thương càng dễ bị đái dầm.

Khi có một trong những biểu hiện trên, người bệnh cần gặp bác sĩ sản phụ khoa để được khám và tư vấn cách điều trị. Có thể chỉ cần dùng thuốc (viêm âm đạo, nhiễm trùng tiết niệu), tập luyện, hoặc phải phẫu thuật (sa tử cung, đái dầm).

BS Hồng Hạnh, Sức Khỏe & Đời Sống