Phá thai tuổi vị thành niên: Lỗi tại cha mẹ?
Các Website khác - 09/07/2008

 

Ngoài việc được tiếp cận thông tin đầy đủ, giới trẻ cũng rất cần sự hướng dẫn từ cha mẹ (Ảnh: H.Hải)

Tìm hiểu về tình dục là xấu?

 

Cô sinh viên năm thứ hai trường KHXH & NV L.H “nổi tiếng” bởi làn da trắng mịn, khuôn mặt xinh xắn, đúng đặc trưng của “gái Tuyên” mà các cụ từng ca ngợi. Vậy nên chuyện có nhiều chàng trai theo đuổi rồi có người yêu không có gì phải bàn cãi.

H. không thể lý giải được cảm xúc của mình những khi hai người gần gũi, âu yếm nhau. Nhiều khi, trong H. có một cái gì đó thôi thúc muốn khám phá cảm giác gì đó hơn cả nụ hôn.

 

Trong một lần về quê, đem điều thầm kín này chia sẻ với mẹ, H. liền bị mẹ mắng té tát là hư, đang học mà đã nghĩ đến những chuyện xấu. Không giải thích cho con những cảm xúc rất đỗi tự nhiên, bản năng đó hay căn dặn con về những giới hạn cần thiết, mẹ H cấm tiệt chuyện yêu đương. Rồi tiếp đó, mẹ H. chuyển cô con gái cưng về nhà bác họ ở nhờ thay vì cho ở KTX như trước kia.

 

Hay như chuyện của một phóng viên nữ trẻ vừa về làm việc ở một tờ báo nọ. Cô gái này không đến mức khù khờ phải hỏi mẹ những cảm xúc đó, vì dù gì cô cũng có kinh nghiệm sống, cũng biết chút ít về giới tính, tình dục qua sách báo, rồi những buổi giáo dục sinh hoạt giới tính thời đi học.

 

Nhưng cô lại gặp sự cố với cái “bao cao su” trong một lần đi dự hội thảo về DS & KHHGĐ. Chẳng là cùng với sấp tài liệu, ban tổ chức còn tặng mỗi người một hộp quà rất nhỏ xinh là vài chiếc BCS cùng những tờ rơi tuyên truyền phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng BCS.

 

Tối đó, cô đang tắm thì mẹ mang ly nước cam lên phòng cho con gái. Thấy túi xách của con vứt bừa trên ghế, giấy tờ bừa bộn trên bàn, bà mới dọn phòng giúp con và tình cờ phát hiện chiếc hộp nhỏ xinh xắn, liền tò mò mở ra xem. Choáng vấng nên không kịp tìm hiểu đầu cua tai nheo, bà xuống gọi con ra ngay, dù cô đang tắm rồi “dạy” cho con một bài học về đạo lý, về trinh tiết người phụ nữ, rằng người phụ nữ có giáo dục, gia giáo không bao giờ được mang cái “của nợ” này trong túi…

 

Tỉ lệ người dân sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ở Việt Nam tăng khá cao trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu năm 2001, có 61,1% người dân sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại thì con số này năm 2007 lên tới 68,2% - mức khá cao so với thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1 triệu phụ muốn trì hoãn hoặc tránh mang thai nhưng không sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả. (Thanh Trầm)

“Mò mẫm” nên gặp sự cố!

 

Tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ có con gái lớn chưa kết hôn đều không muốn con tiếp cận, tìm hiểu nhiều về vấn đề rất nhạy cảm là giới tính và tình dục. Chính vì không được tiếp cận những thông tin chính xác về tình dục, KHHGĐ, nên không ít bạn trẻ quan hệ tình dục trước hôn nhân phải “méo mặt” mỗi lần “dính chưởng”.

 

Như H, cô sinh viên đến từ tỉnh miền núi Tuyên Quang đã phải 4 lần tới “thăm” bệnh viện vì dính bầu. Đến lần thứ 5, vì người bạn thân từ chối đưa H. đi “giải quyết”, H mới yêu cầu bạn trai tổ chức cưới dù còn đang học năm thứ 3 ĐH.

 

Thực tế là tình trạng nạo phá thai như cơm bữa khi chưa lập gia đình xảy ra rất phổ biến, đến mức báo động. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED), Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới với hơn 500.000 ca mỗi năm. Con số thực tế còn có khả năng cao hơn do báo cáo và ghi chép không đầy đủ khi tình trạng phá thai không an toàn tại các cơ sở y tế tư nhân rất khó kiểm soát…

 

Trong đó, 30% ca phá thai là ở lứa tuổi chưa lập gia đình. Đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo đó, những bà mẹ sinh con trước 18 tuổi là khoảng 5% và khoảng 15% sinh con trước tuổi 20.

 

Chưa kể có khoảng 65% các ca nhiễm HIV là ở những người dưới 29 tuổi và một phần không nhỏ rơi vào những đối tượng chưa lập gia đình,...

 

Chính vì chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin và dịch vụ về Sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ nên quan hệ trước hôn nhân mà không có các biện pháp bảo vệ hoặc bảo vệ không đúng cách, dẫn tới có thai ngoài ý muốn. Tại Việt Nam, hơn 50% trường hợp phá thai là do thất bại trong tránh thai. Theo thống kê của UNFPA, mỗi ngày có 5 - 7 phụ nữ chết do mang thai và sinh nở.

 

Tình trạng nạo phá thai của nữ vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam luôn là một thực trạng nhức nhối cho gia đình và xã hội khi giới trẻ ngày càng dễ dãi, truyền thông thì hạn chế, còn cha mẹ lại ngại, rất ít đề cập đến vấn đề nhạy cảm này vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì thế, cởi mở hơn với vấn đề này cũng là một cách để tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận đầy đủ thông tin về tình dục, hôn nhân và thai nghén.

 

Hồng Hải