Mua “hoa” và những nguy cơ
Mặc dù việc điều tra chỉ giới hạn ở 300 nam giới lao động ngoại tỉnh trên địa bàn phường Phúc Tân và An Dương (Hà Nội), nhưng những con số được các chuyên gia thuộc Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (TT Ánh Sáng) thống kê đã đặt ra một thực tế không thể xem nhẹ. Đó là vấn đề tình dục an toàn cho người lao động ngoại tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang – Phó giám đốc trung tâm Ánh Sáng, số người lao động ngoại tỉnh hành nghề tự do ở Hà Nội rất lớn, đặc biệt vào lúc nông nhàn. Riêng ở chợ Long Biên, ước chừng có khoảng 500 người thường xuyên hoạt động từ 2 giờ sáng đến tận đêm khuya với đủ nghề bốc vác, xe ôm, đánh giày, buôn bán....
Với thu nhập từ 600.000đ - 1 triệu đồng/tháng (chưa trừ sinh hoạt phí hằng ngày), họ ít được tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thiếu thông tin, không có tiền mua sắm “dụng cụ bảo vệ”, việc những anh trai làng khỏe mạnh, sống xa vợ con cả năm trời thường hay giải quyết sinh lý một cách “tự nhiên” là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Để bù đắp nhu cầu thiếu thốn, sự đồng cảm đã khiến nhiều “ông nọ” thuê nhà ở chung với “bà kia”. Và khi đó, chẳng có lý do gì khiến những cặp “vợ chồng thời vụ” này phải dùng tới “thiết bị bảo vệ” khi “sinh hoạt”. Với những người không kiếm được “đối tác” dài hạn, tình trạng tìm tới gái bán hoa để giải quyết nhu cầu khá phổ biến. Do không có nhiều tiền nên những lao động ngoại tỉnh thường tìm gái mãi dâm cấp thấp. “Chỉ cần bỏ ra 15.000 – 20.000 đồng là đã được đi chuyến “tàu nhanh” ngay tại nhà trọ hoặc ngoài bãi sông. Thậm chí, nếu là khách quen, nhiều người còn “đi”… nợ, khi có tiền trả sau - Anh Pho nêu lên một thực tế ở xóm lao động mà ít người tin là thật. Nhưng chính thực tế này đã giải thích tại sao số người nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục đang có xu hướng phát triển ở nông thôn.
Ở một vùng thuộc tỉnh Hoà Bình mà chúng tôi có dịp khảo sát, trong số 76 hộ gia đình, có tới 29 hộ có người nhiễm HIV sau một thời gian dài ra chốn đô thành kiếm sống”-Bác sĩ Giang nhấn mạnh.
Những “trạm” bao cao-su di động
Theo tiến sĩ Quan Lệ Nga, Giám đốc TT Ánh Sáng, thu nhập thấp là một trong những yếu tố tác động mạnh tới nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn đối với nhóm lao động ngoại tỉnh. “Ở trong những ngôi nhà trọ 2.500 - 3.000đồng/ngày, ăn suất cơm bụi vài nghìn đồng, đến dép họ còn chẳng buồn đi huống hồ là mang “mũ bảo hiểm” khi quan hệ”-Tiến sĩ Nga dí dỏm.
Xuất phát từ thực tế này, bà đã cùng những cộng sự tiến hành dự án khuyến mãi bao cao-su cho người lao động. Sau một năm triển khai dự án, 21.000 bao cao su và 7.000 tờ rơi đã được phát. Đồng thời, các chuyên gia của TT Ánh Sáng còn tiến hành tư vấn, khám bệnh miễn phí cho hơn 500 lượt nam giới lao động ngoại tỉnh tại chợ và tại trung tâm.
Để đưa bao cao-su vào… cuộc sống, các chuyên gia của TT Ánh Sáng đã tuyển chọn 15 đồng đẳng viên nhiệt tình, năng nổ. Họ chính là “dân” lao động ngoại tỉnh, cũng hành nghề xe ôm, đánh giày, bán hàng nước…
Sau khi “tốt nghiệp” khóa đào tạo 15 ngày, những tư vấn không chuyên này bung ra các ngả đường, bến xe, góc chợ… quanh địa bàn 2 phường Phúc Tân và An Dương. Trong lúc hành nghề, họ tranh thủ tư vấn và… cho không biếu không các “dụng cụ bảo hộ”, được gói trong những chiếc ví nhỏ xinh xinh, kín đáo.
Ngoài 15 “trạm” cung cấp bao cao-su di động này, TT Ánh Sáng còn thiết lập cơ sở cấp bao cao-su cố định tại 1 nhà trọ và 1 quán cơm. Nếu có nhu cầu, người lao động ngoại tỉnh có thể tìm đến những địa chỉ này bất kể ngày hay đêm. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các “trạm” bao cao su 24/24h di động và cố định, Tiến sĩ Nga khẳng định: Chúng tôi sẽ tiếp tục dự án nhằm phần nào giúp người lao động nghèo có thêm ý thức về tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản.
Theo khảo sát của TT Ánh Sáng, chỉ có 43% số lao động ngoại tỉnh cho biết sử dụng bao cao-su trong tất cả những lần quan hệ tình dục, 29% số người nói có sử dụng bao cao-su nhưng chỉ khoảng một nửa số lần gần gũi bạn tình.
|
|