Trào lưu unisex: "Khủng bố" phụ huynh
Các Website khác - 04/09/2008

Trào lưu “trai thật như gái, gái thật như trai” đang nở rộ trong giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ thành phố. Trào lưu này không chỉ thể hiện ở hình thức bên ngoài, cách ăn mặc mà còn “lấn” sang cả tính cách bên trong.

Nếu như ở các bạn gái, từ cách ăn mặc đến tính cách đều như con trai người ta vẫn thấy tạm chấp nhận được, thì hình ảnh các anh chàng tuổi teen bây giờ nhuộm tóc đủ màu, mặc quần áo sặc sỡ bó sát, đeo hoa tai, thậm chí tô son trát phấn, móng tay lòe loẹt bị khó ưa hơn nhiều.

Có cậu còn sắm hẳn bộ mỹ phẩm hoàng tráng không thua gì các bạn nữ. Tính cách “con trai” cũng giảm đi, phong thái nhiều cậu không khác gì “công công”, giọng điệu đến bước đi đều ẽo à ẽo ọt.

Trào lưu này chính các bạn trẻ cũng biết, người lớn không thể chấp nhận, nên hầu hết chỉ trình diện mốt “sau lưng” phụ huynh. Thường khi ra khỏi nhà, họ mang theo túi này túi nọ đựng “phụ tùng” rồi sẽ ghé vào một điểm nào đó để thay phục trang, trang điểm. Trước khi về nhà lại “tẩy trang”. 

Ảnh minh họa

“Nhà cậu lớp trưởng trở thành điểm “đóng đô” mỗi sáng và chiều vì bố mẹ bạn ý đi nước ngoài. Đến đó, bọn em tu sửa tóc tai, sơn móng tay, gắn hoa tai. Bạn nào “đô” hơn thì cho thêm tý phấn, tý son nữa” - Hoàng Hải, cậu học trò lớp 10, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiết lộ.

Giáo viên một trường cấp ba ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết ít nhất đã hai lần cô gọi học sinh nam là “chị”: “Nhìn xuống lớp học không biết đâu là nữ đâu là nam cả. Mình gọi nhầm như thế nhưng các em không hề phật lòng mà còn ra vẻ đắc thắng với bạn bè. Trong lớp học còn đỡ, chứ các buổi sinh hoạt hay đi dã ngoại thì khỏi phải nói, con trai còn điệu đà hơn các em gái nhiều”.

Bố mẹ… sốc nặng

“Bề ngoài em lòe loẹt thế này nhưng bước chân vào nhà em kín lắm. Bố mẹ muốn em phải là một chàng trai nam tính, đàn ông nên lúc vào về nhà em cũng quần bò áo phông đóng thùng. Ăn mặc theo trào lưu không có nghĩa chúng em bớt nam tính, nhưng bố mẹ mà bắt được thì em không được yên đâu” - Hoàng Hải tâm sự.

Ít vị phụ huynh nào có thể hình dung nổi cậu con trai của mình mặc áo hở ngực, sơn móng tay, trang điểm... Khi phát hiện ra điều đó, quả là một cú sốc nặng với họ.

Cách đây ít lâu, trên đường đi làm về, chị Hanh ở Đội Cấn (Ba Đình) cứ nghĩ mình hoa mắt khi thấy phía trước có một cháu gái y chang… cậu con trai đang học lớp 11 của mình.

Chị phóng xe theo phía sau nhưng phải lắc đầu vì không tài nào phân biệt được đó là nam hay nữ. Về nhà chị còn kể lại chuyện này cho cả nhà trong bữa ăn.

Nhưng rồi, chị cũng bắt đầu nghi ngờ vì nhận thấy ở con trai nhiều thay đổi. Lục lọi đồ đạc của con trai, chị ngất luôn tại chỗ khi thấy mấy lọ son môi và sơn móng tay. Chỉ hôm ra viện, chị mới “họp kín” với chồng về việc con trai mình là… gay. Để kiếm chứng, chồng chị đã đột ngột cầm tay đứa con kiểm tra và những dấu tích… sơn sửa vẫn còn lưu rõ trên móng tay do tẩy rửa chưa kỹ.

Sau thoáng bần thần, chồng chị Hạnh đã cho cậu con trai mấy bạt tai điếng người rồi cũng ôm mặt khóc. Khổ cho đứa con của anh chị, thanh minh đến mấy bố mẹ cũng không tin. Đến giờ gia đình chị vẫn chưa hết căng thẳng vì chưa thể “kiểm chứng” sự thật con trai mình thế nào.

Không đến mức “bắt tận tay” như chị Hạnh, vợ chồng anh Minh ở Nghĩa Tân cũng đang phải sống trong cảm giác lo lắng con trai mình có thiên hướng… là nữ vì những thay đổi ở phong cách của con.

“Mình chẳng biết thế nào nữa, nó còn điệu hơn cả chị gái. Vợ chồng nói với nhau thế thôi chứ chưa ai dám trao đổi với con”, anh Minh khó xử.

Nhiều trào lưa của giới trẻ đang thật sự “khủng bố” các vị phụ huynh, rất khó để tìm được một tiếng nói chung. Bố mẹ khoan vội vàng “lên án” con mà nên tìm những cách nhẹ nhàng, khéo léo hướng con vào môi trường sống lành mạnh.

Các chuyên gia tâm lý khuyên: Giữa hai thế hệ cần tìm tiếng nói chung, đừng quá “nghiệt ngã” với phong cách, trào lưu của con trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Hoài Nam