Chuyện ở ngân hàng tinh trùng
Các Website khác - 03/09/2008

Không "xuất quân" được, chất lượng "hàng" yếu, hoặc không có... là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không thể có con. Họ đã tìm đến ngân hàng tinh trùng với mong muốn được thực hiện ước mơ làm cha, làm mẹ.

Sự có mặt của ngân hàng tinh trùng mang lại tia hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn do người chồng có những bất thường về tinh trùng. Nhiều ngân hàng tinh trùng ra đời nhưng luôn trong tình trạng kẹt "vốn" khiến nhiều trung tâm phải cử người đi "kêu xin" nhưng không mấy người cho. Gần đây, ngân hàng tinh trùng của Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội vui mừng thông báo nguồn “vốn” của ngân hàng đang gia tăng.

"Ngân hàng" hạnh phúc

Nằm khuất trong một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Quốc Việt, Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội là nơi cứu tinh cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Mới đi vào hoạt động 2 năm nay nhưng nơi đây đã đem lại niềm hạnh phúc cho gần 500 cặp vợ chồng hiếm muộn. 90% các cặp vợ chồng sinh một con, 1 ca sinh 3 và vài ca sinh đôi.

Một buổi chiều muộn, cặp vợ chồng đã trung tuổi dắt nhau đến Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Chồng là cán bộ thuộc một viện khoa học ở Hà Nội. Hai anh chị lấy nhau đã 22 năm mà chưa được hạnh phúc làm cha mẹ. Khổ một nỗi là mỗi lần gần gũi với vợ anh chồng không thể nào "xuất quân" được. Đã không ít lần anh chị tìm đến các bệnh viện công nhưng rồi lại dắt nhau về vì ngại gặp người quen biết nỗi khổ riêng tư của mình.

Các mẫu tinh trùng kéo ra từ bình bảo quản. Mỗi mẫu được cất trong từng lọ nhỏ có mã số riêng và bảo quản ở -196 độ C, trong môi trường khí nitơ lỏng. (Ảnh: Lệ Hà)

Thế rồi, cả hai cứ âm thầm chịu đựng trong vòng hơn 20 năm. Lần này, anh chị quyết tâm đến Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội để lý giải cho nguyên nhân vì sao họ không được làm cha mẹ.

Các bác sĩ tại Trung tâm đã tìm ra lời giải và giúp hai vợ chồng thực hiện mơ ước. Anh chồng có "tật" xấu là gần vợ lại không thể "xuất quân" nhưng đi ra ngoài "nghịch ngợm" lại làm được. Thế là các bác sĩ đã nói nhỏ với anh chồng khi nào "có hàng" thì chuyển ngay về. Thực hiện đúng lời nhắn nhủ của bác sĩ anh chồng đã chuyển "hàng" về kịp thời.

Tinh trùng của chồng sau khi lọc rửa đã được bơm vào tử cung của người vợ. Một bé trai kháu khỉnh là kết quả đợt chữa trị của hai vợ chồng. Anh chị được làm cha mẹ khi đã hơn 40 tuổi.

TS.BS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội nhớ nhất là cặp vợ chồng sinh 3 duy nhất nhờ nguồn tinh trùng xin. Đó là một cặp vợ chồng còn khá trẻ. Anh chị lấy nhau đã hơn 3 năm mà chưa có con. Người chồng biết mình "yếu" nên đã đồng ý cho vợ đi xin tinh trùng. Hai vợ chồng đã chạy chữa ở một cơ sở y tế suốt 3 năm bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung của vợ nhưng mấy lần đều không đậu.

Khi dùng, tinh trùng được lọc rửa, sau đó bơm vào buồng tử cung người vợ. Phụ nữ bị tắc vòi trứng có thể sử dụng nguồn tinh trùng này để thụ tinh trong ống nghiệm.

TS. Lê Vương Văn Vệ

Tại Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ cũng phải làm tới 10 lần mới thành công. Chị vợ trước khi được bơm tinh trùng đã phải trải qua một đợt điều trị viêm nhiễm phụ khoa ,sau đó được kích thích nang trứng rồi mới bơm tinh trùng vào tử cung khi đã được lọc rửa. Kết quả thật bất ngờ, chị mang thai 2 trai, 1 gái. Đó là cặp sinh 3 đầu tiên nhờ tinh trùng của người hiến tại Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội.

TS.BS Lê Vương Văn Vệ cho hay, vô sinh do không thấy tinh trùng có thể vì tắc ống dẫn tinh. Bác sĩ phải chọc hút trực tiếp vào mào tinh hoàn, thậm chí phải phẫu thuật để lấy tinh trùng ra, lọc rửa, nuôi dưỡng rồi cấy ghép với noãn của vợ tạo ra phôi.

"Nhưng không phải ai cũng có kết quả tốt đẹp như vậy. Có người không thể tìm thấy một "con nòng nọc". Khi đó, muốn có con, họ buộc phải sử dụng tinh trùng trong ngân hàng” - ông Vệ cho biết.

Ngân hàng tinh trùng dồi dào "vốn"

Trong khi nhiều ngân hàng đang bị "kẹt vốn" thì ngân hàng tinh trùng của Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội vui mừng sở hữu lượng tinh trùng đáng kể. Căn phòng nhỏ chừng 15m² trên gác 2 của khu khám bệnh ở đây đã mang lại hạnh phúc hàng trăm cặp vợ chồng.

tinh2
Tất cả nguồn "vốn" của trung tâm được bảo quản trong 4 thùng này. (Ảnh: Lệ Hà)

TS.BS Lê Vương Văn Vệ chỉ vào 4 chiếc thùng giống những bom bia và nói: "Đó, chỉ thế thôi cũng lưu giữ được hàng ngàn mẫu tinh trùng. 4 thùng đó là cả "gia tài" của chúng tôi đó".

BS Vệ mở một chiếc thùng, hơi lạnh và một làn sương mỏng tỏa ra. Mỗi mẫu tinh trùng được đặt trong một ống nhỏ và được xếp chồng vào nhau. Mỗi mẫu có một mã số riêng không thể nhầm lẫn. Chúng được bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C, trong môi trường Nitơ lỏng. Với điều kiện bảo quản như thế tuổi thọ của tinh trùng lên tới 50 năm.

"Có thể chúng tôi gặp may chăng khi lượng người đến hiến tinh trùng ngày một đông. Hiện ngân hàng đang có trên 1.000 mẫu được lưu giữ (một số lượng mà nhiều ngân hàng đang mơ ước – PV)", TS.BS Lê Vương Văn Vệ tỏ ra vui mừng về "gia tài" của mình.

Trên thực tế, may mắn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ mà đó là bao công sức phải bỏ ra. Không có các cuộc vận động, không phải đi "kêu xin" nhưng vẫn có người đến hiến. Đối tượng đến hiến tại đây chủ yếu là sinh viên. Tại Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội thường xuyên tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản miễn phí cho sinh viên, người tàn tật, người về hưu. Có thể người này rỉ tai người kia về ngân hàng tinh trùng nên lượng người đến hiến vẫn đều đều để trung tâm duy trì ngân hàng của mình.

“Mặc dù nguồn “vốn” có thể khan hiếm bất cứ lúc nào nhưng không vì thế mà ai cho cũng nhận. Người hiến phải khỏe mạnh, không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh di truyền, và phải cao trên 1,65m, có trình độ đại học trở lên. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết trước khi cho thì 3 tháng sau lại kiểm tra lại, lúc đó mới quyết định có nhận hay không”, TS.BS Vệ nói.

Đang ở thời điểm khá tự tin với nguồn “vốn” của ngân hàng nhưng TS.BS Vệ vẫn phải lo xa bởi không phải mẫu tinh trùng nào sử dụng cũng đạt kết quả như ý. Chỉ có khoảng 20% mẫu đạt kết quả. Có nhưng trường hợp người hiến phải cho tới 3 lần cũng không thành, trung tâm phải gọi họ đến cho lần nữa nếu không được mới từ bỏ. Việc có nhiều người hiến tặng tinh trùng đem lại niềm vui cho các gia đình vẫn mong mỏi của trung tâm.

Ngân hàng tinh trùng được xây dựng lên với mong muốn lưu trữ tinh trùng phục vụ những người có nhu cầu, đặc biệt là những người không có khả năng sinh con. Do đó, không phải ai muốn đến xin là cho hết mà phải có quy định nghiêm ngặt theo đúng pháp luật. Người nhận phải có sự đồng ý của hai vợ chồng, và những người muốn xin phải có giấy đăng ký kết hôn.

Thức đến nửa đêm để... nhận “hàng”

TS.BS Lê Vương Văn Vệ kể rằng, ông đã từng thức đến 2 giờ sáng để nhận tinh trùng của người hiến. Những đêm thức gần trắng để nhận “hàng” đã trở nên quá quen với TS.BS Vệ và đồng nghiệp của Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Bởi vào thời điểm đó nhiều đấng mày râu có khả năng xuất “hàng” nhiều hơn.

Bất kể thời điểm nào có người hiến trung tâm đều sẵn lòng đón nhận. “Hàng” được đưa đến càng sớm thì chất lượng càng tốt. Tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu tiên.

Theo BS Vệ, nguyên tắc của ngân hàng này là người cho và nhận không được biết nhau.

tinh3
TS.BS Lê Vương Văn Vệ say sưa với "gia tài" của mình. (Ảnh: Lệ Hà)

Trong số nguồn tinh trùng trung tâm lưu giữ bên cạnh nguồn của người cho còn có những trường hợp ký gửi. Thời gian gần đây, trung tâm đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhờ gửi của một số khách hàng bị mắc bệnh quai bị, một số người đi công tác lâu ngày gửi vào hay một số người khoẻ mạnh, chưa lập gia đình đang công tác tại một số nghề có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Lại có những trường hợp bị ung thư trước khi tiến hành tia xạ đã phòng xa gửi “giống nòi” của mình vào đây.

“Mới đây, trung tâm đã tiếp nhận tinh trùng của một thanh niên bi quai bị. Khi có biểu hiện của quai bị ngay lập tức anh này đã đến nhờ trung tâm giữ hộ tinh trùng phòng bất trắc có thể xảy ra. Nhưng thật may mắn, sau đợt quai bị anh này đến khám lại thì tinh trùng vẫn có. Tuy nhiên, số tinh trùng anh gửi lại cũng giúp anh yên tâm sau này có bất trắc gì xảy ra”, TS.BS Vệ nói.

Trong tương lai, TS.BS Lê Vương Văn Vệ còn muốn bổ sung nguồn “vốn” bằng “hàng’ của người chết mà y học vẫn gọi là chết não. Tuy nhiên, đây mới là mơ ước còn để thực hiện được phải có quy định.

Theo Lệ Hà