Bi kịch của các cô gái ôm mộng lấy chồng ngoại quốc
Các Website khác - 14/01/2009
 Tính đến hết tháng 5 năm 2008, toàn tỉnh Thái Bình có 480 phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng

Trong đó có 40 người “may mắn” trở về Việt Nam sau những chuỗi ngày tủi nhục, 9 người chết không rõ nguyên nhân và tung tích. Tuy bài học đau đớn từ những thân phận người bị phiêu dạt, xô đẩy phải làm gái lầu xanh hay trở thành món hàng bán mua cho những gã đàn ông già nua, bệnh tật, nghèo khó nơi miền rừng heo hút vẫn còn đó nhưng làn sóng người “ra đi” theo đuổi giấc mộng sang giàu, theo thời gian, ở vùng quê lúa Thái Bình vẫn không ngừng tăng lên.

Bức thông điệp viết bằng máu và nước mắt

Cũng giống như bao vùng quê khác, những người phụ nữ nông thôn Thái Bình hiện vẫn còn nhiều người hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, suốt ngày đầu tắt mặt tối mà vẫn chỉ đủ ăn. Mơ tới một tương lai tươi sáng hơn, không phải vất vả, lam lũ với ruộng đồng mà vẫn được “ăn trắng, mặc trơn” là mong ước của nhiều người, nhất là những cô gái trẻ, hoặc những phụ nữ lỡ thì, có hoàn cảnh éo le. Lợi dụng tâm lý này, một số kẻ cơ hội đã tổ chức đường dây mua bán, lừa gạt những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để bán sang Trung Quốc. Phan Thị Th. Là một trong số những cô gái đó.

Ngày ấy, mới đôi mươi, Th. Không phải loại “sắc nước hương trời” nhưng có cái duyên, mặn mà, đằm thắm của cô gái nông thôn vốn hay lam, hay làm. Bén duyên một anh chàng “nông chi điền” cùng thôn Hợp Phố, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Th. Lẵng lẽ theo chồng trong tiếng thở dài ngậm ngùi của đám thanh niên trong làng. Gia cảnh vốn đã gieo neo, lại có thêm 3 đứa con, gian nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu lục đục. Th. Đã vắt kiệt sức mình, ra sức làm việc để kiếm miếng ăn cho gia đình, còn chồng cô chán nản lại sinh ra thói rượu chè, cờ bạc. Đến một ngày, anh ta ruồng rẫy, “tống cổ” cả 4 mẹ con cô ra khỏi nhà vì không chịu nổi cảnh nghèo và bầy con nheo nhóc.

Bị cú sốc tinh thần quá lớn, cộng với chuỗi ngày lao động cực nhọc khiến Th. Ngã quỵ và phát bệnh. Một hôm, có một phụ nữ phấn son lòe loẹt, trên tay đeo rất nhiều trang sức đắt tiền tìm đến nhà Th. Sau một hồi tỉ tê, chị ta cho biết đang rất cần người giúp việc bán hàng điện thoại di động cho cửa hàng của mình ở Móng Cái, Quảng Ninh với mức lương hậu hĩnh. Đang lúc quẫn bách, như chết đuối vớ được cọc, Th. Bỏ lại ba con nhỏ cho mẹ già, lặng lẽ ra đi theo người đàn bà xa lạ vào một ngày cuối đông giá rét.

15 năm qua, cái tên Phan Thị Th. Đã bị “xóa sổ” khỏi danh sách của làng, tin tức về cô cũng bặt vô âm tín. Đến một ngày, tin cô còn sống trở về làm xôn xao bà con lối xóm.

Bà Nguyễn Thị Minh – hàng xóm của chị Th. Cho biết: “Ngầy cô ấy mới về, cả làng đều bàng hoàng không ai nhận ra vì trông cô ấy tiều tụy quá, đôi mắt thất thần man dại, người thì gầy guộc, xác xơ. Cứ tưởng cô ấy được hưởng một cuộc sống vương giả nơi xứ người, ai dè, sự thật lại phũ phàng thế này”.

Bây giờ mới hơn 40 tuổi nhưng trông chị Th. hom hem như một bà lão 60. Chị nghẹn ngào kể: “Nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt, tôi dấn thân ra đi mà không biết đã sa vào bẫy của bọn buôn người. Tôi bị bán cho một ông già hơn 60 tuổi ở một vùng nông thôn miền núi heo hút. Ở đó, tôi phải làm việc quần quật từ sáng tới khuya, bị đối xử như một nô lệ. Khi sức khỏe đã suy kiệt, lại bệnh tật, không làm lụng được, tôi bị nhà chồng nhẫn tâm đuổi ra đường. Tôi lang thang khắp trong rừng sâu, sau bao ngày trèo đèo, lội suối, tôi lạc đến biên giới Quảng Ninh và may mắn được công an và bộ đội biên phòng Quảng Ninh giải cứu trở về Việt Nam”.

Còn hoàn cảnh của chị Khổng Thị H. thôn Trung Thành, xã Nam Phú cũng không sáng sủa hơn là mấy. Gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ già, nhà có 8 anh chị em suốt ngày “ra đụng, vào chạm” chỉ vì không đủ ăn, chị bị “cơn lốc” sang Trung Quốc tìm việc làm cuốn đi từ những năm 1997 – 1998. Bị đẩy vào 5, 6 nhà chứa, đắng cay, tủi nhục djdax đủ, khi tấm thân không còn ngà ngọc, hái ra tiền cho chủ chứa, chị mới được gả bán cho một ông lão b ệnh hen, làm nghề đi hót phân trâu để sống.

Về nhà chồng, chị như con trnaau tốt trong nhà, phải làm đủ việc nặng nhọc mà vẫn bị đánh đập tàn nhẫn. Sau bao phen chết đi sống lại, rồi phải bỏ trốn, cuối cùng chị cũng may mắn trở về đoàn tụ với gia đình. Giờ đây, chị vẫn canh cánh bên lòng nỗi đau vì đã bỏ lại bên Trung Quốc đứa con nhỏ chưa đầy 3 tuổi của mình, nhưng chị không dám nghĩ sẽ quay lại cái nơi “địa ngục trần gian” ấy để đón con trở về. Và chuỗi ngày tiếp theo của chị sẽ phải sống trong nỗi ân hận dày vò.

Chính sách nào cho người “lạc lối” trở về?

Trung tá Vũ Thái Sơn, trợ lý Điều tra bộ đội biên phòng Thái Bình cho biết: Trong những năm qua, bộ đội biên phòng Thái Bình đã phát hiện, xác minh và kết luận hàng trăm lượt đối tượng là phụ nữ trên địa bàn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng. Điển hình là vụ Đỗ Đức Trí, Lê Viết Hùng, Nguyễn Thị Quanh ở Thụy Xuân – Thái Thụy đã dụ dỗ đưa 4 cô gái ở xã Thụy Xuân sang Trung Quốc bán. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt Đỗ Đức Trí 10 năm tù giam, Lê Viết Hùng 7 năm tù giam và Nguyễn Thị Quanh 3 năm tù giam.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là chị em phụ nữ về âm mưu thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của đối tượng cũng như hậu quả tác hại khi sang Trung Quốc trở thành món hàng, bị bóc lột cả về sức khỏe và nhân phẩm.

Đồng thời, phải tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông ngư nghiệp nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm giúp chị em có cuộc sống ổn định ngay tại quê hương, không để phát sinh thêm nhiều trường hợp phụ nữ đi Trung Quốc lấy chồng.

Trao đổi với chúng tôi về chính sách “đặc biệt” đối với số phụ nữ lầm lạc trở về địa phương, ông Vũ Thành Minh, trưởng Công an xã Nam Phú, huyện Tiền Hải cho biết: Các cấp chính quyền địa phương đã có chủ trương là sẽ tạo mọi điều kiện cho số phụ nữ này có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, tìm công ăn việc làm, hỗ trợ kinh tế để giúp họ ổn định cuộc sống, cụ thể là 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, để chứng minh được một người lấy chôgnf Trung Quốc trở về có thực sự là nạn nhân hay không lại cần một quá trình xác minh lâu dài của cơ quan điều tra. Trên thực tế, có một số phụ nữ, trước kia họ từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, nhưng khi trở về, có điều kiện họ lại tìm cách móc nối, dụ dỗ các cô gái trẻ hay lỡ lứa, lỡ thì sang Trung Quốc bán “kiếm lời”.

Ông Minh cũng “bí mật” đưa cho chúng tôi xem bản danh sách rà soát các đối tượng là phụ nữ trở về quê hương, quả thật trong số đó chỉ có một vài trường hợp được khẳng định là nạn nhân, số còn lại đều là đối tượng hoặc đang trong dạng nghi vấn nên không thể đưa vào danh sách được hưởng tiền trợ cấp tại địa phương được. Chị V.H một trong những người được địa phương chứng nhận là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc phân trần với chúng tôi: “Chính sách là vậy, nhưng những người như chúng em ngại tiếng tăm lắm. Để nhận được 1 triệu tiền hỗ trợ, thì phải đeo cái mác là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc đến suốt đời, tủi hổ lắm. Thôi, khổ cũng khổ rồi, chung em chả dám chiềng mặt ra đâu, mắm muối dưa cà cho qua ngày là xong”.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Thủy, chủ tịch UBND xã Nam Phú, ông cho biết: “Chính quyền xã cũng đang đau đầu về vấn đề này. Việc nhận tiền trợ cấp mà lại phải có bằng chứng nhận đánh dấu của công an hay bộ đội biên phòng cộp vào là nạn nhân bị lừa, e rằng cũng thấy tội người ta. Đấy là về cái tình. Nhưng về lý, chúng tôi không thể làm bừa, không thể trao tiền trợ cấp cho đối tượng mà không làm theo hướng dẫn được. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, bởi những cô gái đi lấy chồng Trung Quốc có thời điểm họ là nạn nhân, có thời điểm họ lại là đối tượng. Thật khó cho chúng tôi quá.

Chính sách hỗ trợ tiền cho người lầm lạc trở về là hết sức cần thiết và nhân đạo của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề thực sự hiệu quả, đem lại những lợi ích thiết thực cho những phụ nữ lấy chồng Trung Quốc trở về, nên chăng cần một sự thông thoáng hơn và phải có sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ của chính quyền địa phương với chính những nạn nhân này.

Theo Phununet