Các "kịch bản" mâu thuẫn thường gặp khi Tết về
Các Website khác - 15/01/2009
Tết là phải vui vẻ, Tết không nên cãi vã… vẫn biết thế, nhưng trong tình cảnh người giúp việc không có, khách khứa, họ hàng lại đông thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn, giải quyết những mâu thuẫn này cũng không dễ vì mỗi người có một cách nhìn, một quan điểm và ai cũng có cái lý của riêng mình. Vậy làm cách nào để hạn chế hết mức những xung đột trong ngày Tết?

Gia đình 1: Tiền lì xì cho con

Mẹ nói với con gái: Mẹ không biết các con dạy con nghiêm khắc như thế nào, nhưng mà Tết nhất ba mẹ sang thăm cháu, cu Bin nó chỉ xin ông ngoại tiền đi chơi điện tử thôi mà chồng con dứt khoát không cho nó nhận, còn lấy roi ra đánh nó ngay trước mặt ông bà. Không biết nó dạy con hay là đuổi ông bà về không cho chơi với cháu? 
 
Khổ, chúng tôi chỉ có mình nó là con đầu cháu sớm, vài tuần mới qua thăm cháu một lần, có mua cho nó chút quà hay cho nó tiền tiêu cũng đâu có làm hư cháu mà anh chị nỡ xử phạt như vậy. Lần nào qua cũng thấy nó bị phạt, rồi lại không cho ông bà dỗ, vậy là anh chị có ý gì? Nếu không muốn chúng tôi qua thăm cháu thì cứ nói thẳng, việc gì phải lấy thằng bé ra để kiếm cớ đuổi khéo?
 
Chồng nói với vợ: Ôi, ông bà cứ hay suy diễn. Con mình thì mình phải dạy, không nghiêm khắc để nay mai nó hư hỏng rồi làm sao? Dạo này lần nào ông bà đến nó cũng xin tiền chơi điện tử, không đánh không được. Mà cứ xin là được, Tết đến lại thêm cái cớ “ tiền lì xì” mà xin nhiều hơn nữa. Công mình nghiêm khắc với nó hàng ngày cũng thành công cốc nếu các cụ cứ chiều nó như vậy. Rồi nay mai nó lớn, tự biết đường đến nhà ông bà ngoại, cái gì nó xin mình không cho nó lại đến giấm giúi xin ông bà, mình làm sao dạy con?
 
Giải pháp: Cả hai vợ chồng nên ngồi nói chuyện để ông bà hiểu và hỗ trợ trong việc nuôi dạy cháu. Nên đề xuất giải pháp “thưởng bằng hiện vật” một khi cháu ngoan hay học giỏi hoặc nếu ông bà muốn cho cháu tiền thì nên đưa cho mẹ cháu quản lý, khi nào cháu cần chi tiêu gì ba mẹ sẽ xem xét, nếu thấy hợp lý mới chi. Như vậy ông bà vẫn thể hiện được tình cảm của  mình mà lại không “làm hư cháu”.
 
Riêng đối với tiền lì xì, trước Tết, ba mẹ hãy nói với con về việc sử dụng tiền lì xì sao cho hợp lý, hãy nói với con về giới hạn số tiền con có thể tuỳ ý sử dụng, còn lại mẹ sẽ quản lý giúp con để chi tiêu vào những dịp đột xuất như mua quà mừng sinh nhật bạn, hoặc đóng góp vào quỹ cứu trợ người nghèo… Giải quyết hợp tình hợp lý như vậy chắc chắn sẽ được sự đồng tình của ông bà và sự hưởng ứng tích cực của bé con.
 

Giải quyết những mâu thuẫn nhỏ để gia đình luôn ấm cúng. (Ảnh minh họa)

Gia đình 2: Mâu thuẫn về ăn uống

Vợ nói với chồng: Sao Tết nào anh cũng lầm lầm lì lì như vậy? Không vừa ý cái gì thì cứ nói thẳng, Tết mà cái mặt khó chịu, mất vui.
 
Chồng: Nói thì cũng có ích gì, có Tết nào nhà mình ăn uống được ngon lành không? Ngày Tết mời bạn bè đến uống rượu cho vui mà ngồi vào mâm cơm không thấy món nào nuốt được hết ,quanh đi bánh chưng, quanh lại giò chả toàn mấy thứ đồ ăn sẵn nguội ngắt. Sao em không chịu nấu canh măng, rán nem, nướng chả ăn cho nó đỡ ngán?
 
Vợ: Anh giỏi thì vào bếp nấu giúp em đi, bà giúp việc về quê rồi, mình em xoay ra nào con cái, nào cỗ bàn, ăn xong còn dọn dep nữa, mà em nấu cái gì anh cũng chê dở nên không nấu nữa, anh thấy ai nấu ngon thì đến đó mà ăn Tết?
 
Giải pháp: Thật ra những món “ăn tươi, nóng sốt” không quá phức tạp và khó làm. Ngày thường, khi có người giúp việc, người vợ có thể “thực tập” một vài  món “tủ” hợp với khẩu vị của chồng. Trước Tết, khi người giúp việc chưa về quê, nên liệt kê những nguyên liệu cần thiết của các món ăn ngày Tết để mua sẵn cho đầy đủ (trừ những nguyên liệu chính cần phải tươi ngon như thịt thì có thể để đến sáng 30 mua).
 
Thời gian chế biến các món ăn cũng sẽ không nhiều nếu khéo léo thu xếp: Những món canh hầm hoàn toàn có thể nấu nước, chia thành nhiều phần nhỏ trong tủ lạnh, mỗi bữa ăn phần nào thì thêm hành ngò cho phần đó. Chả nướng cũng có thể ướp sẵn với một thố lớn, mỗi bữa nướng một lượng vừa đủ ăn. Như vậy là có một cái Tết ấm cúng mà không vất vả.
 
Gia đình 3: Khi chồng thích "nhậu nhẹt"
 
Vợ nói với chồng: Anh bớt nhậu đi có được không, Tết năm nào cũng quá chén, say xỉn, nôn ói đầy nhà, bà giúp việc thì mùng 10 mới ra, cứ suốt ngày dọn đồ ăn cho anh nhậu với bạn bè xong lại đến dọn đồ dơ, em chẳng còn chút thời gian nào mà nghỉ ngơi ngày Tết nữa. Mệt đến chết đi được. Ước gì không có Tết cho nó đỡ cực.
 
Chồng: Thôi mà em, anh đâu có đi ra ngoài nhậu say xỉn như mấy ông bợm đâu. Chỉ có ngày Tết bạn bè đến nhà chơi  vui anh mới uống hết mình. Cả năm có vài ngày Tết nhờ vả vợ con phục vụ mà. Với lại trong lúc chờ em nấu đồ ăn tụi nó cứ ép uống nên anh mới bị xỉn dữ vậy, vợ thông cảm nha!
 
Giải pháp: Thật ra người chồng đã rất có ý thức khi không đi nhậu bên ngoài, chỉ cần khắc phục tật uống xả láng của anh vì nghĩ nhậu ở nhà mình không cần khách sáo, có gì đã có vợ con lo. Vợ nên soạn sẵn các đồ nhậu nhanh gọn cho chồng và khách. Trước khi khách tới nên cho chồng ăn lót dạ trước, như vậy uống cũng không được nhiều và không say xỉn như khi bụng rỗng. Có một cách dừng tiệc nhậu khéo léo mà chồng không bị quê, đó là dọn dần các đĩa thức ăn dở và đưa hoa quả tráng miệng lên mời mọi người. Như vậy bữa nhậu sẽ được kết thúc từ từ theo ý muốn.
 
Gia đình 4: "Va chạm" về ứng xử
 
Mẹ nói với con trai: Con phải dạy vợ đi, vợ chồng con cái sống chung với ông bà thì cũng phải quan tâm đến cái Tết của cả gia đình chứ. Ngày thường ăn riêng đã đành, giờ đến ngày Tết cũng chỉ có ông bà thui thủi một mình. Ngày xưa cứ Tết đến là mọi người sum họp, mẹ là con dâu, phải lo chu đáo cái Tết cho cả gia đình bên chồng nhưng vẫn thấy vui, có về bên ngoại thì cũng ráng sắp xếp sao cho lịch tập trung của hai bên không bị trùng nhau để mọi người đều hài lòng.
 
Còn bây giờ, sao vợ con nó chẳng nghĩ gì tới phong tục, tập quán, tới tâm tư tình cảm của cha mẹ, chỉ biết nghĩ cho bản thân thôi: Ăn được đúng một bữa tất niên với ông bà rồi thì cả Tết toàn sang nhà ngoại. Họ hàng bên nội tới chơi thì “năm thì mười hoạ” mới thấy nó, gặp cũng chỉ chào được hai câu rồi biến mất! Mang tiếng là có con cái ở chung mà bố mẹ có được ngày Tết nào gia đình đông đủ đâu!.
 
Vợ nói với chồng: Ôi, ông bà là người Bắc, Tết đến nầu toàn món Bắc, có anh may ra ăn được chứ em với tụi nhỏ đâu có biết ăn, ăn với các cụ một bữa tất niên cho các cụ đỡ cằn nhằn là được rồi. Còn thì cả nhà cứ về bên ngoại, đồ ăn bà ngoại và các dì đã nấu sẵn, ăn xong lại có người dọn. Có mấy ngày Tết cũng phải cho em nghỉ ngơi thoải mái sống theo ý mình chứ. Sao các cụ khó thế không biết.
 
Giải pháp: Tết đúng là dịp cả gia đình sum họp, trước Tết cả nhà nên ngồi lại với nhau bàn chương trình Tết cho cả gia đình. Hiện nay rất nhiều gia đình mà hai bên nội ngoại người gốc Bắc, kẻ quê Nam, tập quán ăn uống không giống nhau, điều này cũng rất dễ khắc phục vì con dâu có thể học một vài món thật đặc trưng của quê chồng đề phụ giúp mẹ chồng chuẩn bị đồ ăn ngày Tết.
 
Mâm cơm ngày Tết sẽ càng phong phú khi hội tụ món ăn của cả hai miền. Hai vợ chồng nên bố trí ngày nào về ăn Tết bên nhà ngoại thì ông bà nội có thể đi thăm họ hàng hoặc viếng cảnh chùa chiền. Cố gắng thu xếp để thời gian cả nhà ở bên nhau nhiều nhất có thể.
 
Gia đình 5: Ai đi chơi, ai trông nhà?
 
Vợ mắng con gái: Lại đi chơi, chơi gì mà lắm thế, Tết nhất không ở nhà giúp mẹ dọn dẹp, suốt ngày đàn đúm. Có con gái lớn cũng như không!
 
Chồng: Làm cái gì mà cứ ầm ĩ lên thế, ngày Tết cũng phải cho con nó đi chơi với bạn bè chứ.
 
Vợ: Vậy còn việc nhà ai sẽ lo? Nhà thì chưa lau, chén bát chưa rửa, quần áo chất đống trong này chưa ai lôi ra phơi kia kìa, tôi có phải là siêu nhân đâu mà ôm hết được cái đống việc nhà cho bố con ông?
 
Giải pháp: Hầu như gia đình nào cũng ở vào tình huống ngày Tết không có người giúp việc. Vì vậy, trước Tết cả nhà nên ngồi lại với nhau để phân công người nào việc nấy: mẹ và con gái đi chợ, nấu ăn, ủi đồ, bố có thể phụ giúp lau nhà, rửa chén. Mẹ hướng dẫn con trai cách bỏ quần áo vào máy giặt và lấy đồ ra phơi… Như vậy cả gia đình sẽ có một cái Tết quân quần vui vẻ, ai cũng cảm thấy mình đã góp sức tạo nên không khí Tết đầm ấm của cả nhà.
 
Theo Giadinh.net