Để thoát ra khỏi tình cảnh như vậy là rất khó khăn. Phải biết tự “đứng” ra ngoài chính mình để nhìn nhận một cách khách quan mới tìm ra được biện pháp đúng.
Dũng cảm nói lời xin lỗi

Tổn thương lòng thường rất khó hàn gắn. (Ảnh minh họa)
“Cách đây 5 năm tôi đi du lịch Thái Lan cùng với cơ quan. Trong đoàn có một người nữ đồng nghiệp khá thân vì hay có quan hệ với nhau trong công tác. Suốt mấy ngày chúng tôi có dịp gần nhau nên lại càng thân mật hơn.
Một hôm, trong khi cả đoàn đi thăm quan xa thì chúng tôi rủ nhau đi mua hàng hoá, rồi cùng đi ăn uống. Khi trở về khách sạn mọi người vẫn chưa về và chúng tôi đã không thể ngăn được mình vượt qua khoảng cách mong manh của hai người bạn.
Sau chuyến du lịch đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại bí mật hẹn hò ở một nơi nào đó. Cho đến một hôm, có người tình cờ phát hiện và nói lại với vợ tôi. Từ đó tôi sợ tan vỡ cả hai gia đình nên hoàn toàn cắt đứt mọi liên hệ với người đó. Mấy tháng sau, cô ấy xin chuyển sang cơ quan khác và chúng tôi không bao giờ gặp nhau nữa.
Nhưng từ đó đến nay đã gần 3 năm, cuộc sống gia đình của tôi là một chuỗi ngày lạnh lùng và hờ hững như hai kẻ độc thân sống chung một nhà. Chẳng lẽ chỉ còn giải pháp cuối cùng là ly hôn? Tôi nghĩ rằng mình không phải là một kẻ không biết hối cải, nhưng tôi đang phải chịu đựng những hậu quả do hành vi sai trái của mình gây ra. Vậy trong trường hợp của tôi, có cách nào thoát ra khỏi tình trạng này được không?”.
Trên đây là lá thư tâm sự của một người chồng đã từng gửi đến hỏi ý kiến của tôi. Và những trường hợp tương tự như vậy không hiếm.
Đa số những người ngoại tình, khi mối quan hệ của họ tan vỡ, trở về với gia đình thường không cảm thấy ăn năn hối hận. Họ đối xử lạnh lùng với người bạn đời, làm như mình không có lỗi. Khi đó, cả hai thường nhìn nhau bằng con mắt rất ích kỷ, chẳng ai nhận lỗi mà đều cho là tất cả tại người kia. Vì thế rất hiếm khi kẻ ngoại tình chịu xin lỗi người bạn đời của mình. Thậm chí có người còn không hề ân hận gì về chuyện này, họ tự an ủi: “Cuối cùng cũng phải làm cái gì đó cho mình”. Tiếng nói đó là của “người nhận”.
Nhà tâm lý người Mỹ, W. Harley cho rằng, trong mỗi con người đều có hai cá nhân là “người cho” (The giver) và “người nhận” (The taker). Khi “người cho” trỗi dậy, nó muốn hy sinh cho người mình yêu, sẵn sàng làm tất cả để người yêu hạnh phúc. Nhưng khi “người nhận” lên tiếng, nó chỉ quan tâm tới chính mình, chỉ làm những gì mình thích mà không cần biết người kia nghĩ gì. Nó không biết xin lỗi mà chỉ đòi hỏi người khác.
Thực tế cho thấy, chờ đợi một lời xin lỗi thực lòng từ kẻ ngoại tình là hy vọng rất mong manh và bất kỳ công sức nào để đòi hỏi hay ép buộc họ đều không đạt được gì ngoài việc rút đi nhiều “đơn vị” tình yêu. Thậm chí rất dễ làm “ngân hàng tình yêu” phá sản.
Cách tiếp cận tốt nhất là quên chuyện đã qua và tập trung vào cái gì có thể đặt thêm vào tài khoản những đơn vị tình yêu, nếu bạn muốn phục hồi tình cảm. Một khi đã hồi phục, bạn sẽ ngạc nhiên vì lời xin lỗi tự họ nói ra một cách cảm động mà không phải đòi hỏi.
Thực ra lúc này kẻ ngoại tình, khi đã quay lại là đã biết lỗi nhưng vì tự ái khiến họ không thể hạ mình nói ra điều đó. Trong trường hợp của người đàn ông viết lá thư trên đây, anh ta đã bứt được ra khỏi người tình, quyết tâm trở về với gia đình. Anh ta đã hoàn thành giai đoạn một, người vợ nên ghi nhận điều đó. Bây giờ, làm sao để chiến thắng bầu không khí gia đình lạnh lẽo, nó khiến ngân hàng tình yêu cứ suy giảm dần, đó là bước hai do vợ anh ta quyết định.
Cần đủ lòng vị tha, tin tưởng
Anh Sinh - một tiến sĩ sinh học có vợ đi bổ túc nghiệp vụ ở nước ngoài một năm mới về. Từ đó anh nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn nồng nhiệt như xưa và đôi khi anh bắt gặp vợ hay ngồi mơ mộng một mình. Một buổi trưa đang ăn cơm thì điện thoại réo. Nghe một giọng đàn ông lơ lớ hỏi Lan, anh đưa máy cho vợ và nói thêm: “Hình như có người nước ngoài hỏi em”.
Lan cầm vội máy điện thoại đi ra ban công trả lời líu ríu bằng tiếng Anh. Lát sau trở vào hai mắt đỏ hoe, Lan không kiềm chế được, bỏ dở bữa cơm chạy về phòng nằm khóc. Người chồng càng thêm nghi ngờ mối quan hệ này. Anh biết có hai lá thư từ nước ngoài gửi đến gần đây, Lan cất trong ngăn kéo riêng có khoá cẩn thận.
|
Sự cố chấp là kẻ thù của hôn nhân. |
Hôm sau, vợ đi vắng, anh gọi thợ khoá vào mở ngăn kéo lấy hai lá thư đem đi photo rồi lại để vào như cũ. Anh đem đến cơ quan ngồi dịch ra mới hay đó là hai lá thư tình. Người đàn ông trong thư yêu vợ anh vô cùng tha thiết và đã cố quên đi nhưng không thể nào quên được những ngày sống với nhau ở bên đó.
Nhìn hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi và không thể thiếu được tình yêu của bố mẹ, tuy giận vợ lắm nhưng cứ nghĩ đến hai tiếng ly hôn anh lại đánh cắn răng chịu đựng. Sau một đêm không ngủ, anh quyết định tha thứ cho vợ miễn là cô ấy thực sự hối cải và cắt đứt mọi quan hệ với người tình.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, người vợ hứa sẽ thực hiện mọi yêu cầu của chồng trừ việc anh ta bắt phải viết lời thú tội bằng văn bản và đứng thề trước bàn thờ cha mẹ. Hai bên cứ găng nhau không ai chịu ai, sau gần một tháng mất ăn mất ngủ, Lan viết đơn ly hôn đề nghị anh ký vào. Anh ta gọi điện đến tư vấn tâm lý hỏi có cách nào cứu vãn cuộc hôn nhân của mình không vì thực lòng anh vẫn yêu vợ, thương con, không muốn gia đình tan vỡ.
Người đàn ông trong câu chuyện này thừa biết là ở cách xa như thế, vợ anh ta không thể có cơ hội gặp lại người tình. Chỉ còn thư từ, điện thoại hay e-mail thì người vợ đã hứa không liên hệ nữa. Nếu anh ta tỏ ra tin vợ thì chắc chẳng bao lâu mối tình này cũng sẽ đi vào quên lãng như bao nhiêu chuyện tình đầy dẫy trên đời và gia đình anh lại có thể đầm ấm như xưa. Việc anh đòi vợ xin lỗi bằng văn bản và thề trước bàn thờ chứng tỏ anh không tin vợ và đó là trở ngại lớn nhất trong việc khôi phục tình yêu vợ chồng.
Có những người còn dùng lỗi lầm trong quá khứ của người kia như một thứ vũ khí để trừng phạt người bạn đời không chung thuỷ bất cứ khi nào có cơ hội. Một người đàn ông buộc vợ khai nhận tội ngoại tình thì mới tha thứ nhưng anh ta yêu cầu ghi đầy đủ vào quyển sổ rồi đem cất đi.
Mỗi lần cãi nhau với vợ, nếu không thắng được về lý lẽ họ lại giở “bảo bối” ra. Có lẽ họ tưởng làm thế để đối phương phải nhớ đời, không bao giờ dám phạm vào lỗi lầm ấy nữa nhưng ngờ đâu lại có tác dụng ngược lại, làm cho người kia thêm căm ghét và tất nhiên cánh cửa trái tim họ vẫn bỏ ngỏ, nếu gặp cơ hội ai dám chắc họ không ngoại tình lần nữa?
Phần lớn với các cặp vợ chồng, chỉ một lần một trong hai người vướng vào “cơn gió lạ” chắc chắn cuộc hôn nhân sẽ trở thành sóng gió. Có thể cơn bão rồi sẽ đi qua nhưng những gì dựng lại sau đó còn rất tạm bợ. Chỉ cần một vài trận gió nhỏ cũng có thể làm vỡ vụn tất cả.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Trịnh Trung Hòa
Theo Gia đình