Tâm sự của người phụ nữ "chán chồng"
Các Website khác - 11/09/2008
 Tôi đã đọc được ở đâu đó của một chị “chán chồng” và thầm nhủ rằng sao chị ấy có thể kể tội chồng như thế được nhỉ, vì nếu là tôi thì chắc chẳng dám như vậy đâu. Ơ, ấy thế mà giờ tôi cũng “giỏi” lắm, cũng dám kể tội chồng đấy chứ.

Ảnh minh họa
Âu cũng là một phút tôi được sống thật với lòng mình, được nói với mọi người rằng “tôi không hạnh phúc, tôi cũng có nhiều lý do để chán chồng lắm”.

Thực ra, trước đây tôi cũng đã một lần nói với một người bạn (bạn này chỉ vô tình quen, chưa gặp mặt, nhưng tôi đã không cảm thấy e dè khi chia sẻ) rằng tôi không hạnh phúc.

Xin nói thêm với các bạn rằng, tôi là người Bắc, vào Sài Gòn làm việc rồi bị “cưa đổ” bởi một chàng trai Sài Thành gốc Huế và sau này trở thành chồng yêu quý sau 2 năm “hắn” đầu tư. Đúng là yêu thì lý tưởng nhiều điều lắm, khi đó thấy chàng trông lãng tử, đẹp trai, điềm đạm, chiều người yêu hết mực… và nghĩ rằng ôi số mình hóa ra may mắn. Mặc cho những lời phản đối của bà ngoại, các dì và đặc biệt là của mẹ rằng “con lấy chồng xa như vậy là mẹ sẽ mất con đấy”, tôi vẫn nhất quyết lấy chàng.

Quả thật, thời gian 2 năm đầu được gọi là hạnh phúc, chàng chăm lo nhà cửa, không bia rượu nhiều (tháng 1 lần), không cờ bạc, nhưng sau đó thì thế nào nhỉ? Không biết nên dùng từ nào cho chính xác. Bởi bây giờ chàng cái gì cũng biết, cũng giỏi hết: cờ bạc, cá độ ư? nhậu nhẹt, thuốc lá ư? Chàng có đủ hết, không thiếu thứ gì, thậm chí giỏi nữa. Nhậu nhẹt thì tuần 4 lần (không phải bận tiếp khách, gặp đối tác đâu nhé), thuốc lá thì ngày 2 gói. À, còn 1 thứ nữa mà chàng cũng đã từng có đấy - bạn gái. Và mỗi khi chàng nhậu về thì thôi rồi cả đêm tôi chỉ có thức trắng, thuốc lá thì 2 mẹ con cứ chịu khó mà hít nhé. Khuyên bảo nhẹ nhàng, phân tích cho chàng tác hại của nó ảnh hưởng đến con cái thế nào ư? “Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời, em biết anh đã hút thuốc và uống bia từ xưa rồi mà” chàng phán như vậy đấy.

Sau khi phát hiện ra chuyện tày đình (có bạn gái), tôi phải giả vờ rằng mình bao dung, vị tha, sẵn sàng quên để giúp chồng “quay về”. Nhưng ẩn sau sự “giả vờ” đó là gì? Là sự đấu tranh với chính mình, phải học cách để tha thứ đúng nghĩa, phải học cách để giấu giọt nước mắt chảy dài, phải học cách để trả lời với gia đình hai bên bố mẹ, anh chị em mỗi khi họ gọi điện vào và hỏi rằng “vợ chồng con/em dạo này vẫn thường chứ, vẫn… ?”, phải giả vờ trước mặt bạn bè rằng chúng tôi vẫn là một cặp đôi hạnh phúc như họ vẫn thường ghen tị.

Đã rất nhiều lần tôi chỉ muốn oà khóc và nói với mẹ rằng “con không hạnh phúc đâu, con đau khổ lắm…”, nhưng đổi lại tôi sẽ được gì? Ngoài tiếng thở dài và giọt nước mắt thương con gái ở xa của mẹ. Đôi khi tôi cũng được thèm như chúng bạn, hay đồng nghiệp đó là buồn chồng, giận chồng thì điện thoại cho bạn hoặc đồng nghiệp thân thiết để được khóc lóc, được kể lể và quan trọng là được an ủi, xoa dịu. Nhưng tôi luôn là người tư vấn thành công cho họ, còn với riêng mình thì tôi lại giấu kín. Có lẽ, sự sĩ diện và lòng tự trọng đã không cho phép tôi làm vậy.

Tôi không muốn hình ảnh chồng mình xấu xa trong mắt người khác, không muốn anh bị chê bai, chì trích. Bởi “xấu chàng thì hổ ai” và đặc biệt nếu là hạnh phúc thì sự sẻ chia sẽ vô cùng ý nghĩa, còn đây “xấu xa thì nên đậy lại”. Mọi người sẽ khuyên ly dị ư? giải pháp này tôi đã nghĩ đến nhiều lần lắm nhưng cuối cùng tôi biết là không được, vì tôi không thể làm thế, tôi không thể để bố mẹ mình xấu hổ trước bà con làng xóm (vì tôi theo đạo thiên chúa, hôn phối của chúng tôi đã được rao trước cộng đồng, và quan trọng hơn cả là trước bàn thờ chúa tôi đã thề rằng sẽ sống trọn đời bên anh ấy kể cả khi hạnh phúc lẫn khi đau khổ).

Bởi, nếu là ý riêng của mình thì thật sự đơn giản cho tôi, nhưng tôi không chỉ sống cho riêng tôi, tôi còn phải sống cho con gái tôi, cho bố mẹ tôi. Và đặc biệt, tôi không muốn thừa nhận trước mọi người rằng “tôi thất bại”. Tôi đâu muốn điều gì quá to tát, tôi cũng mong muốn những điều rất giản dị như bao phụ nữ khác. Hạnh phúc là gì ư? với tôi, hạnh phúc là được có chồng ở bên sau mỗi giờ đi làm về (không cần suốt tuần), được ở bên chồng vào những ngày nghỉ hay lễ tết, được có những bữa cơm gia đình đầm ấm với anh ấy. Nhưng không có đâu, những thứ đó thật xa xỉ phẩm, lễ tết ngày nghỉ ư, “anh có hẹn với mấy đứa bạn học ĐH, mấy ông anh…rồi”, tỷ thứ lý do, thôi thì “em chở con đi đâu chơi đi”.

Anh còn bảo “chỉ có trai Bắc mới quanh quẩn bên vợ thôi, em phải học cách sống của người Sài Gòn đi”. Vậy thực ra cách sống đó là gì? Tôi không hiểu, chả lẽ bao gia đình khác cũng giống như gia đình tôi? Tôi thấy mọi gia đình khác cũng có đủ cả vợ cả chồng trong mỗi bữa ăn đấy thôi. Chắc chỉ có gia đình tôi là khác biệt thôi.

Ôi, phàn nàn, chia sẻ, tâm sự chán thì cũng chỉ được vài ngày rằng “anh biết mình không đúng, rằng anh bạn bè nhiều quá, rằng…”. Cuối cùng thì mọi thứ lại về số 0. Đau khổ, khóc lóc cũng chẳng ích gì, vì “hắn” có thèm để ý đâu, chỉ khổ bản thân mình. Thôi thì tự bảo mình rằng hãy học cách mặc kệ đi. Đói thì mình ăn, buồn ngủ thì đi ngủ. Quanh năm ở nhà một mình với con gái. Ấy thế mà tôi cũng học được đấy, bây giờ tôi thấy lòng mình bình an rồi, thấy thanh thản nhẹ nhàng không quặn thắt như xưa nữa. Nhưng đổi lại cũng “học” luôn được điểm xấu đó là vô cảm, không cảm xúc.

Tôi không hiểu mình đang sống cho ai nữa, đang sống vì cái gì, chả lẽ cả đời mình sẽ thế này, liệu có khởi sắc trong tương lai? Thôi thì đành vậy, cuộc sống có bao giờ vẹn toàn, đồng thuận hết được. Con cái là của để dành, là lẽ sống, là tương lai, là chí hướng của mình. Và với tôi, giờ còn lại chỉ là “của để dành” và công việc mà mỗi khi nghĩ tới lòng tôi luôn quặn thắt và tràn đầy sự đam mê. Nhưng giá như nếu được chọn lại, được làm lại thì tôi sẽ chọn hướng khác nơi tôi có thể được tựa vào mỗi khi mỏi mệt, được sẻ chia mỗi khi tôi cần đến. Tôi hối hận lắm với lựa chọn của mình.