Các nhà khoa học Đan Mạch tạo được “viên năng lượng hydro”
Các Website khác - 23/09/2005
Các nhà khoa học tại Trường đại học kỹ thuật Đan Mạch (DTU) đã phát minh ra công nghệ tạo bước tiến quan trọng trong việc sử dụng khí hydro làm nhiên liệu. Viên năng lượng hydro cho phép lưu trữ hydro hiệu quả trong một chất liệu rẻ mà an toàn.

Với viên năng lượng hydro mới, sẽ đơn giản hơn nhiều khi sử dụng nguồn năng lượng hydro thân thiện môi trường. Khí hydro là nhiên liệu không ô nhiễm, nhưng bởi chúng là loại khí nhẹ nên chiếm nhiều thể tích và dễ cháy. Việc lưu trữ an toàn và hiệu quả khí hydro là thách thức đối với các nhà nghiên cứu toàn cầu từ ba thập kỷ nay. Tại trường DTU, một nhóm các nhà khoa học từ các lĩnh vực đã chế tạo được viên năng lượng hydro cho phép lưu trữ và vận chuyển khí hydro ở thể rắn.

Theo giáo sư Claus Hviid Christensen tại khoa hóa trường DTU, nếu muốn chạy một chiếc xe ô-tô trên quãng đường 600km sử dụng khí gas hydro trong môi trường áp suất bình thường, người ta phải sử dụng bình nhiên liệu kích thước bằng chín chiếc xe ô-tô. Nhưng với công nghệ mới, lượng khí hydro có thể được chứa trong bình xăng thông thường.

Viên năng lượng khí hydro an toàn và không tốn kém, người ta có thể bỏ trong túi mà không cần có biện pháp bảo vệ nào. Đây là điều khác biệt so với hầu hết các công nghệ lưu trữ khí hydro khác. Đó là nhờ viên năng lượng này chỉ chứa khí amoniac ngấm trong nước biển. Amoniac được tạo ra từ khí hydro với khí nitơ trong không khí, do vậy viên năng lượng của DTU chứa một khối lượng lớn khí hydro. Trong viên năng lượng, khí hydro có thể được lưu trữ trong thời gian mong muốn, và khi cần hydro, khí amoniac sẽ được giải phóng qua một chất xúc tác để phân rã lại thành dạng khí hydro tự do. Khi viên năng lượng trống rỗng, người sử dụng chỉ cần cho khí amoniac vào và được sử dụng trở lại.

Ưu thế của việc sử dụng khí hydro là chúng không có khí CO2 tự do, và có thể được chế tạo bằng nguồn năng lượng thay thế như sức gió.

Theo ông Jens Nørskov, như vậy, các nhà khoa học đã có một giải pháp đột phá trong việc sử dụng khí hydro như một nguồn năng lượng.

Theo Trường đại học Đan Mạch